29/01/2017 07:21 GMT+7

Người “điều khiển” hoa hồng, hoa lan

LAN ANH - NGỌC HÀ
LAN ANH - NGỌC HÀ

TTO - Sang Nga năm 1999 và ở đó gần 10 năm để học về khoa học nông nghiệp, tân PGS trẻ nhất ngành nông nghiệp năm 2016 đã “giắt lưng” được “vốn liếng” về công nghệ sinh học để đem ứng dụng trên quê hương mình.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải cùng cây hoa lan nuôi cấy trong ống nghiệm để cho ra hoa theo ý muốn - Ảnh: Nguyễn Khánh
PGS.TS Nguyễn Thanh Hải cùng cây hoa lan nuôi cấy trong ống nghiệm để cho ra hoa theo ý muốn - Ảnh: Nguyễn Khánh

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải (37 tuổi, phó trưởng bộ môn công nghệ sinh học thực vật, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) lại đang bắt đầu bước vào một thách thức mới: nghiên cứu sản xuất thuốc chữa bệnh cho động vật từ thảo dược thiên nhiên nhằm tạo nguồn thực phẩm sạch phục vụ con người.

Hoa nở... như ý

Những ngày đầu sang Nga học, chàng trai 18 tuổi vừa rời ghế nhà trường bị choáng ngợp trước những nông trang trồng táo rộng mênh mông được điều khiển chín đồng loạt, quả đồng đều và chủ động thời gian thu hái. Từ lạ lẫm, tò mò, Nguyễn Thanh Hải bắt đầu ấp ủ khát vọng đưa những điều mới mẻ ấy về áp dụng ở xứ nhiệt đới quanh năm nắng gió, bốn mùa cây trái của quê hương Việt Nam.

Rời Nga về nước năm 2009, anh Hải trở thành giảng viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Cùng các đồng nghiệp, anh bắt tay vào nghiên cứu tạo ra quy trình điều khiển cảm ứng ra hoa của hoa hồng, hoa lan và hoa cảnh tiên trong môi trường nhân tạo. Kết quả, hoa được điều khiển nở đồng loạt trên 50%, đặc biệt thành công trên hoa hồng. 

“Thực ra, một số nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu cơ chế nở hoa trong ống nghiệm, nhưng kết quả còn khiêm tốn và chỉ thành công trên một số đối tượng. Chúng tôi chọn hoa hồng, hoa lan, hoa cảnh tiên vì đây là những loài hoa có đóng góp lớn cho ngành công nghiệp hoa tươi. Việc điều khiển cho hoa nở sẽ góp phần chọn tạo ra các giống hoa mới và làm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu “chơi hoa” của những người yêu hoa” - PGS Hải chia sẻ. 

Tỉ lệ hoa lan nở được theo “điều khiển” thấp hơn hoa hồng và hoa có bé hơn, nhưng tương lai hoa trồng trong nhà kính, nhà lưới, trong tiểu vùng khí hậu được các nhà vườn chăm chút mới có thể áp dụng cho các giống hoa đắt tiền, tạo giá trị thương phẩm cao hơn. 

“Đồ chơi” điều khiển hoa nở cũng đã được đem bán ở một số hội chợ và được giới trẻ rất thích thú. Chỉ có vấn đề là giá mỗi bộ khoảng 200.000 đồng, theo PGS Hải là hơi cao so với túi tiền nhiều bạn trẻ, anh đang muốn làm giảm giá để nhiều bạn có thể mua và điều khiển hoa nở ngay tại nhà mình.

Chữa bệnh cho vật nuôi để phòng bệnh cho... con người

Ít ai biết rằng trước khi toàn tâm cho nghiên cứu khoa học nông nghiệp, anh Hải từng đứng trước lựa chọn khó khăn khi cùng lúc đỗ hai trường ĐH với điểm số rất cao: Trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) với vị trí á khoa và Trường ĐH Y Hà Nội.

Chọn ngành thú y để nối nghiệp gia đình, nhưng khi được cử đi học nước ngoài, theo sự phân công của Nhà nước, anh Hải lại theo học một ngành mới mẻ, cần cho nông nghiệp Việt Nam, đó là công nghệ sinh học. 

Tốt nghiệp ĐH Tổng hợp kỹ thuật Tver  (Liên bang Nga) loại xuất sắc, anh Hải được chuyển tiếp nghiên cứu sinh tại ĐH Timiryazev - trường ĐH hàng đầu về nông nghiệp của Liên bang Nga.

Trở lại Học viện Nông nghiệp Việt Nam với vai trò giảng viên, anh Hải bắt tay vào nghiên cứu các đề tài liên quan đến công nghệ sinh học thực vật như đúng chuyên ngành mình đã học.

Nhưng rồi bằng sợi dây kết nối truyền thống đặc biệt, PGS Hải đã “dẫn mối” để công nghệ sinh học thực vật được áp dụng một cách sâu sắc trong... thú y.

Những ám ảnh về thực phẩm không an toàn, đặc biệt là thịt động vật còn tồn dư kháng sinh, thuốc tăng trọng... thúc đẩy PGS Hải bắt tay vào ngay một hướng đi mới: nghiên cứu sản xuất thuốc thú y từ cây cỏ. 

PGS Hải đang cùng bố mẹ mình dốc sức cho một đề tài khoa học cấp nhà nước: sử dụng tám loại cây gồm mò hoa trắng, đơn đỏ, bồ công anh, sài đất, xuân hoa, huyền diệp, tô mộc và mỏ quạ để chữa bệnh viêm tử cung ở bò.

“Dự kiến năm 2017 sẽ thử nghiệm chữa bệnh cho bò sữa bị viêm tử cung bằng cao dịch chiết từ tám loại cây này” - PGS Hải “bật mí”.

Không dừng ở đó, một nghiên cứu nữa cũng đang được vị PGS trẻ ấp ủ là sử dụng dịch chiết từ cây màng tang để chữa bệnh trên tôm và cá, chữa bệnh phân trắng ở heo con bằng cây xuân hoa... 

Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ quanh quẩn với “cây”, “con”, anh có thấy mình “lạc hậu” hơn so với những người trẻ khác đang chạy theo các ngành thời thượng? PGS Hải tâm sự: “Đừng nghĩ nông nghiệp là nghèo, là lạc hậu vì nông nghiệp hiện nay đang gắn với công nghiệp công nghệ cao rất hiện đại. Khi đã đam mê thì chẳng bao giờ sợ lạc hậu”.  

Cả gia đình khoa học gắn bó nông nghiệp

Tại lễ công bố quyết định công nhận chức danh GS, PGS năm 2016, trước hơn 700 tân GS, PGS, GS.TSKH Trần Văn Nhung - tổng thư ký Hội đồng chức danh GS nhà nước - nhắc đến gia đình PGS Nguyễn Thanh Hải bằng sự trân trọng đặc biệt với một gia đình có truyền thống gắn bó với nông nghiệp, nông dân.

“Tân PGS Nguyễn Thanh Hải ngành nông nghiệp là con của NGƯT Nguyễn Văn Thanh và NGƯT Bùi Thị Tho, cả hai đều được bổ nhiệm PGS năm 2007 ngành thú y.

Chúng ta có thêm lý do để tin rằng những nhà khoa học nông nghiệp và chăn nuôi, thú y nhiều thế hệ như những gia đình này sẽ tiếp tục hỗ trợ người nông dân một nắng hai sương để nuôi sống cả đất nước bằng thực phẩm và môi trường an toàn” - GS Nhung nhấn mạnh. 

Ba PGS trong một gia đình là trường hợp khá hi hữu, nhưng hơn thế, em gái của PGS Hải cũng đang là nghiên cứu sinh ngành thú y tại đất nước Nhật Bản.

LAN ANH - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên