17/04/2006 06:42 GMT+7

Người đào 227 căn hầm bí mật

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Người “kỹ sư” đào hầm ấy nay đã tròn 84 tuổi. Ông tên Lê Tấn Hưng (ở rạch Mương Điều, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) nhưng do trùng tên với một địa chủ nên cha ông đã đổi tên ông lại là Đại.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng ký ức một thời đẹp nhất của cuộc đời vẫn còn in đậm trong người lính đào hầm năm xưa.

3cGoQJHm.jpgPhóng to
Ông Ba Đại và căn hầm đào cuối cùng vào tháng 5-1972 là cái lu được đặt cách mặt đất một gang tay

Bây giờ tuổi đã “bát thập cổ lai hi” nhưng ông Ba Đại vẫn còn khỏe. Ông đang chăm sóc 13 công ruộng của mình ở ấp Mương Điều, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Ông tâm sự: “Ngày xưa sống cơ cực quá, một chữ bẻ đôi cũng không biết, ngay cả cái tên cũng không dám dùng. Giờ được làm chủ trên mảnh ruộng của mình, con cháu được cắp sách đến trường, tôi cảm thấy mình hạnh phúc lắm rồi”.

Hầm từ lòng dân

Tháng 1-1947, người thanh niên 25 tuổi Ba Đại được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng và được bầu vào ban chấp hành thanh niên cứu quốc. Anh Ba Đại được phân công làm công tác dân vận, giao liên, đào hầm bí mật trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang.

Ba Đại biết muốn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao thì phải đi sâu vào lòng quần chúng. Trước hết muốn người dân tin mình thì mình phải sống tốt. Bàn tay cần lao của ông đã làm đủ nghề để mưu sinh như cắt cỏ thuê, gặt lúa thuê, đặt trúm, cắt tóc.

Càng ngày chàng trai giỏi việc lại hay giúp đỡ mọi người càng được bà con quí mến. Bấy giờ Ba Đại mới đến nhỏ to khơi dậy lòng yêu nước với các gia đình để họ nuôi chứa cán bộ Việt Minh. Ba Đại làm công tác dân vận tài đến nỗi chẳng những giới lao động mà ngay cả những người đứng bên kia chiến tuyến cũng bị ông thuyết phục.

Có không ít trường hợp người anh cầm súng theo Tây nhưng trong vườn nhà người em lại có hầm bí mật, hoặc có những gia đình con thì làm cảnh sát của chế độ cũ nhưng cha lại nuôi giấu cộng sản.

“Chính những điểm này mới an toàn nhất bởi vì địch ít khi chú ý. Không phải người nào đứng trong hàng ngũ của địch cũng đều là người xấu cả. Đó chẳng qua vì sự nghiệt ngã của thời cuộc, vì tình thế bắt buộc. Ai cũng có chút lửa yêu nước trong lòng. Tôi chỉ khơi lên cho chút lửa ấy cháy sáng mà thôi” - ông Ba Đại nói. Nhờ sự che chở cưu mang của người dân mà trong những năm tháng khốc liệt ấy không có một căn hầm nào do chính tay ông đào bị địch phát hiện.

26 năm

Ba loại hầm đều được ông thiết kế rất tinh vi: hầm cánh én trên không trung, hầm vách lá trên mặt đất và hầm trong lòng đất. Với đôi tay khéo léo cộng khối óc sáng tạo cùng cái tâm sống hết mình vì người khác của một chiến sĩ cách mạng đã giúp ông đào đến trên 227 căn hầm bí mật. Những căn hầm trong lòng đất ở các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng. Hai căn hầm đầu tiên được ông đào năm 1946 tại nhà ông Bảy Bộn ở Tích Phúc. Và căn cuối cùng vào tháng 5-1972, là cái lu còn được ông giữ lại làm kỷ niệm cho đến bây giờ.

Đối với hầm trong lòng đất tùy theo địa hình mà ông chọn điểm đào. Thường ông chọn những bụi tre hoặc dưới các gốc cây lớn nghiêng về một phía. Tuyệt đối tránh đào ở giữa vườn, lối đi, mé ruộng. Bất cứ khâu nào cũng phải thật cẩn trọng vì chỉ cần một sơ xuất nhỏ sẽ phải trả giá bằng tính mạng của đồng chí mình.

Chỉ riêng việc làm nắp hầm cũng rất kỳ công. Ông dùng đất sét đắp vô nắp rồi trồng cỏ trên đó. Nếu miệng hầm sát gốc bụi tre sẽ lấy tre ở nơi đó kiềng vào nắp hầm. Còn miệng lỗ thông hơi phải được ngụy trang khéo léo: có khi trổ ra một bụi tre, bụi tầm vông, có khi là một gốc cây hoặc một ụ gò mối. Điều quan trọng là tất cả vật ngụy trang đều phải hợp với cảnh vật xung quanh.

Nhưng căng nhất vẫn là những căn hầm đào trong nhà. Những nơi như gầm giường, bếp, giữa nhà tất nhiên phải tránh, nhưng đào ở đâu để địch không thể phát hiện đồng thời bảo đảm an toàn cho người dưới hầm khi địch đốt nhà. Hình dáng của hầm đủ kiểu cả: hình chữ V, chữ L, chữ O với bốn góc sẽ có bốn người với bốn lỗ thông hơi. Những hầm dành cho thương binh có hình chữ nhật hoặc hình vuông được đúc xung quanh bằng ximăng. Còn hầm chứa vũ khí có kích thước 1,2mx2,6m.

Mỗi căn hầm đều được ông Đại bỏ vào một cái giẻ để các đồng chí dưới hầm dùng lau chân cho sạch bùn trước khi lên mặt đất tránh để lại dấu vết, đồng thời có một bậc bằng cây để làm điểm tựa cho người trú dưới hầm trèo lên.

Chẳng những chó becgiê bị vô hiệu hóa mà rắn cũng không xuất hiện ở hầm của ông ngay cả khi mùa mưa ẩm thấp vì ông đã bỏ củ lùn vào hầm. Do hoạt động bảo mật nên những căn hầm trên chỉ mình ông Ba Đại biết, ngay cả những người từng trú dưới hầm của ông cũng không nhớ được hầm nằm ở vị trí nào.

“Tất nhiên 227 căn hầm bí mật trên đều được đào vào lúc tối. Khoảng 19g tôi bắt tay vào công việc. Đất đào đổ ở sông hoặc đem lấp ở các mương trong vườn. Ngày nào bọn giặc cũng đi lùng sục có lực lượng quân khuyển yểm trợ” - ông Ba Đại nhớ lại. Và cứ thế, dù bom đạn nổ khắp nơi nhưng những căn hầm bí mật cứ hình thành và thật diệu kỳ, không có căn hầm nào của Ba Đại bị sụp, lún.

Vợ ông là bà Trần Thị Kim Nhung giờ cũng đã có hơn 40 tuổi Đảng. Ông đào hầm để che chở bao nhiêu chiến sĩ cách mạng, nhưng hơn 40 người thân của vợ chồng ông đã hi sinh qua hai cuộc kháng chiến. Nhiều lúc ông bà không còn nước mắt để khóc người hi sinh...

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên