Chị Sulistiowati vui mừng sau khi nhận được 5 gram vàng từ chương trình đổi rác lấy vàng - Ảnh: Channel news Asia
Bà Roswanthy Suweden, 67 tuổi, là một trong những người tham gia tích cực chương trình. Bà đã thu gom đủ vỏ lon và các loại rác có thể tái chế, đổi lại bà đã nhận được hơn 10 gram vàng.
"Tôi rất hạnh phúc. Tôi tiết kiệm từng ít một và theo thời gian tôi có nhiều vỏ lon để đổi. Số vàng này tôi dành tặng con và các cháu", bà nói.
Giám đốc cơ quan môi trường bắc Jakarta, ông Slamet Riyadi, ca ngợi sáng kiến đổi rác lấy vàng gây được sự chú ý, góp phần quan trọng hướng tới việc nâng cao nhận thức xanh ở Indonesia - nước gây ô nhiễm nhựa lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Không chỉ Jakarta, chương trình đổi rác lấy vàng cũng được triển khai ở các thành phố khác như Palembang, Bandar Lampung và Makassar.
Theo ghi nhận của kênh Channels News Asia, Ngân hàng tái chế Wijaya Kusuma do một vài chị em nội trợ trong khu vực quản lý và mở cửa vào thứ ba, từ 9-12h mỗi hai tuần một lần.
Khi người dân mang rác tái chế đến, chúng sẽ được cân và ghi vào sổ tiết kiệm của mỗi người. Dựa vào số lượng và loại rác, khách hàng sẽ nhận lại tiền mặt ngay tại đây. 1kg giấy bìa cáctông được trả 1.200 rupiah (tương đương 0,08 USD), 1kg vỏ chai nhựa sạch giá 3.000 rupiah. Vỏ lon nhôm mỗi ký giá 10.000 rupiah.
Nếu muốn lấy vàng, người dân có thể không lấy tiền mặt mỗi lần đổi rác. Khi tích góp đủ số lượng quy định, họ có thể ra các tiệm vàng đổi lấy vàng. Một gram vàng có giá khoảng 700.000 rupiah (50 USD) ở thời điểm hiện tại.
Ông Muhammad Supardi hài lòng khi có thể góp phần giảm thiểu rác thải với Ngân hàng tái chế ở bắc Jakarta - Ảnh: Channel news Asia
Sáng kiến đổi rác lấy vàng thu hút sự quan tâm của không chỉ các bà nội trợ mà cả nam giới, nhân viên văn phòng. Ông Muhammad Supardi, một người nghỉ hưu 70 tuổi, cho biết: "Tôi thích ủng hộ các chương trình, sáng kiến của chính phủ. Nếu rác còn giá trị, tại sao chúng ta tại quăng đi?".
Chương trình đã góp phần thay đổi hành vi và khiến mọi người tích cực hơn trong việc tái chế rác. Anh Indra, người lần đầu ghé ngân hàng tái chế trên đường đi làm, cho biết: "Tôi tham gia chương trình này để giảm rác thải. Nhiều chị em phụ nữ dặn tôi hãy tham gia chương trình ở đây thay vì vứt đi những gì còn tái chế được".
Ông Budi Winarko, một trong những nhà sáng lập của Ngân hàng tái chế Wijaya Kusuma, cho biết: "Nếu tính số rác một người cần thu gom để được nhận vàng, giải thưởng không có giá trị tài chính lớn cho họ".
Tuy nhiên, điều quan trọng là chương trình đổi rác lấy vàng của ngân hàng tái chế đã quảng bá được nhận thức về môi trường sâu rộng trong khu dân cư.
Rác được thu mua từ người dân sau đó được bán lại cho nhà máy xử lý rác của chính quyền bắc Jakarta - Ảnh: Channel news Asia
"Mục tiêu ngắn hạn của chúng tôi là có nhiều người tham gia vào việc tái chế, giảm thiểu rác thải. Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là không còn rác thải", ông Winarko nói.
Nhà môi trường Muharram Atha Rasyadi, làm việc cho Greenpeace Indonesia, đồng tình nhấn mạnh sự thành công của ngân hàng tái chế phụ thuộc vào các hoạt động giáo dục về môi trường cho người dân. Ngoài ra, mục tiêu cuối cùng là người dân thay đổi thói quen và chú trọng xử lý triệt để các nguồn rác khác, như rác hữu cơ của gia đình mình.
Ngân hàng tái chế còn có xe thu gom rác tái chế mỗi hai tuần một lần ở khu dân cư từ những người không có thời gian mang rác đến điểm thu gom.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận