18/07/2022 14:30 GMT+7

Người dân than khổ vì phải đóng tiền lắp 60 trụ đèn đường

ĐẶNG TUYẾT
ĐẶNG TUYẾT

TTO - Nhiều hộ dân ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, An Giang than khổ trước chủ trương vận động 232 hộ góp tiền lắp đặt 60 trụ đèn đường, mức 600.000 đồng/hộ. Xã nói bước đầu thuyết phục, trường hợp khó để đó từ từ giải quyết sau.

Người dân than khổ vì phải đóng tiền lắp 60 trụ đèn đường - Ảnh 1.

Mặc dù khó khăn nhưng một số hộ dân đã đóng trước một nửa số tiền mà UBND xã vận động - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Qua tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, theo kế hoạch của UBND xã Vĩnh An, vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí lắp đặt đèn năng lượng trên tuyến tỉnh lộ 941 với chiều dài 3km từ cầu số 5 đến cầu số 8, và tuyến đường hoa dài 1,5km từ cầu số 5 đến cầu số 6 thuộc ấp Vĩnh Quới.

Kinh phí lắp đặt 60 trụ và bóng đèn năng lượng mặt trời dự kiến 189 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 139 triệu đồng, xã vận động thêm nhà hảo tâm 50 triệu đồng.

Công trình đi qua nhà 330 hộ dân, trong đó chỉ thu 232 hộ nằm ngoài diện khó khăn của địa phương. Tuy nhiên, nhiều hộ dân than khổ nhưng không dám làm trái chủ trương của xã.

Bà T.S. (64 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh An) cho biết gia đình khó khăn, chồng bà đã mất năm ngoái. Con trai bà đi làm mướn gần nhà kiếm sống qua ngày.

"Tôi già cả đau bệnh hoài. Xã xuống kêu đóng tiền thì mình năn nỉ thôi chứ biết làm sao. Tôi có xin đóng một ít trước, gắng từ từ đóng thêm. Năm ngoái dịch bệnh không làm gì được, vay nợ xoay xở, nay cũng phải làm để trả nợ, khổ lắm", bà S. tâm sự.

Còn gia đình bà H.T. buôn bán nhỏ gần cầu số 7, cả gia đình sống nhờ vào mấy tô bún, ly trà đá phục vụ khách qua đường dọc tỉnh lộ. Mặc dù khó khăn nhưng vợ chồng bà đã đóng trước một nửa số tiền là 300.000 đồng.

"Tôi xin đóng phân nửa, khi nào đèn lắp đặt xong mới đóng tiếp", bà T. nói.

Ông Huỳnh Văn Hoàng - phó bí thư xã Vĩnh An - cho biết mục đích lắp đặt đèn là để phục vụ bà con, góp phần tăng cường an ninh và an toàn giao thông vào ban đêm. Ngoài ra, xã cũng trồng thêm 1,5km đường hoa xóm đẹp tiến tới xây dựng chuẩn nông thôn mới.

"Trong quá trình triển khai, khó khăn chỗ nào sẽ tháo gỡ chỗ đó, những hộ gia đình đi làm ăn xa, hộ nghèo, cận nghèo không thu; thực hiện chia làm hai đợt để thu, cũng có bà con đề nghị đóng tiền sau mùa lúa.

Bước đầu vận động thuyết phục người dân đồng tình, còn những trường hợp khó mình để đó từ từ giải quyết sau", ông Hoàng nói.

Không thể để người dân tiếp tục bị đầu độc! Không thể để người dân tiếp tục bị đầu độc!

TTO - Nhiều chuyên gia phân tích và đề nghị phải có giải pháp để tránh việc người dân tiếp tục bị đầu độc sau khi Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM công bố gần 50% số mẫu rau quả, trái cây ở các chợ đầu mối xét nghiệm có dư lượng hóa chất.

ĐẶNG TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên