18/04/2006 17:24 GMT+7

Người đàn ông và đứa trẻ bị từ chối

Theo Thanh niên
Theo Thanh niên

Đứa trẻ vừa cất tiếng khóc chào đời bị buộc phải đem chôn sống theo tục lệ vì người mẹ đã chết khi vừa sinh ra nó.

8xc3SrMI.jpgPhóng to
“Em phải đọc như thế này...”

Trong khoảnh khắc sinh tử ấy, một ngưòi đàn ông M'Nông đã đứng ra nhận nuôi đứa bé xa lạ dù vợ anh ta mới lâm bồn chưa đầy 3 tháng.

Người trẻ M'Nông đang có những dấu hiệu "tuyên chiến" với hủ tục...

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Cách đây 8 năm, bắt nguồn từ chuyến đi công tác vào dịp Tết Đoan Ngọ của anh Nguyễn Thế Thọ - cán bộ của Trung tâm văn hóa - thông tin huyện. Đang là mùa khô nhưng hôm ấy, trời lại mưa như trút. Cơn mưa trái mùa khiến con đường cắt rừng chưa đầy 50 cây số để lên đến thôn Koongtanang, xã Phước Công càng thêm nhão nhoẹt, chỉ có xe ôm là phương tiện duy nhất trụ lại được. Vừa đến nơi, anh Thọ đã thấy dân làng lũ lượt kéo nhau chạy ra bìa rừng. Một người phụ nữ địa phương mặt tím tái đang hấp hối sau khi vừa sinh xong. Người phụ nữ ấy mới 20 tuổi, đang xay lúa trong nhà thì chuyển dạ đứa con đầu lòng, phải chạy vội ra bìa rừng sinh theo tục lệ bao đời nay của người M'Nông. Nơi thâm sơn cùng cốc này, anh chỉ biết chạy đi mua bốn năm chai dầu nóng để cấp cứu. Nhưng vì băng huyết, người mẹ trẻ đã trút hơi thở cuối cùng trên tay anh. Người chồng lúc ấy đang đi kiếm cá xa nhà cũng không kịp về nhìn mặt vợ.

Cả đêm anh thức trắng ngoài bìa rừng cùng người chết và gia đình vì dân làng không ai cho anh vào nhà. Họ bảo anh đã đến gần người chết, đã bị con ma người đó theo. Một sự tình cờ hay là một định mệnh, dưới ánh lửa đêm, anh phát hiện một bàn tay nhỏ xíu khẽ cựa quậy lòi ra dưới tấm chăn đắp cho người đã khuất. Đứa bé may mắn sống sót như một trường hợp hy hữu dù cả ngày trời không một giọt sữa và có thể chết ngạt nếu như phát hiện chậm hơn. Như biết thân phận mình, thằng bé nằm yên không khóc, đôi mắt to đen lay láy nhìn vị ân nhân đã cứu nó thoát chết. Không hàng quán nào của người dân ở đó chịu bán sữa cho anh. Băng qua con đường rừng cách vài cây số, anh mua được lon sữa bò ở một quán nước của người Kinh chuyên bán hàng cho các bãi vàng. Vụng về, anh tự tay lấy nứa cắt rốn cho thằng bé trong ánh mắt ngạc nhiên của dân làng.

Đồng bào M'Nông sống dọc Trường Sơn thuộc huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam) có tục đẻ rừng. Người phụ nữ khi đến lúc sinh nở phải ở ngoài rừng, uống nước ruộng. Nếu ai sinh con trong nhà thì năm ấy, cả làng sẽ bị thần linh nguyền rủa, mùa màng thất bát, dịch bệnh thiên tai sẽ hoành hành.

Vì vậy, gia đình người ấy sẽ bị cả làng phạt vạ, và cúng heo bò tạ tội với thần linh. Những đứa trẻ sinh ra chẳng may người mẹ qua đời thì phải chôn đứa bé theo mẹ. Nếu sinh ngược, sinh đôi thì phải giết đứa con bởi nó là ma. Nếu người nào nuôi những đứa trẻ ấy thì sẽ bị thần linh trừng phạt, dân làng nguyền rủa.

Cái hủ tục ấy từ muôn đời nay đeo bám trong tâm thức những người đồng bào M'Nông, khiến không ít những đứa trẻ vô tội đã bị tước quyền được sống.

Đứa trẻ phải được chôn cùng mẹ theo tục lệ. Dù là người Kinh nhưng cha ruột của nó cũng đành bất lực trước quyết định như đinh đóng cột của già làng. Anh Thọ nhớ lại: "Lúc đó, tôi bồng thằng bé khư khư trong tay, quyết không cho ai đụng đến. Tục lệ của dân làng tôi vẫn hiểu nhưng không thể để cho thằng nhỏ tiếp tục là nạn nhân của cái hủ tục này nữa". "Không ai có quyền giết thằng bé. Giết nó là giết một mạng người. Tôi cũng là người dân tộc, để tôi nuôi thằng bé xem tôi chết hay tôi sống!". Câu nói cương quyết và có phần thách thức của anh Thọ - một người đàn ông M'Nông, cùng sự can thiệp của bác Thông bí thư xã cuối cùng cũng đã được dân làng chấp nhận giao cho anh thằng nhỏ trong ánh mắt dò xét nghi ngờ. Và từ đấy, anh trở thành cha của thằng bé Nguyễn Thế Phước sau khi lặn lội về lại thị trấn Khâm Đức mua heo, rượu, bánh trái để dân làng cúng ma.

Người đàn ông vĩ đại!

Chị Hồ Thị Lan Phương, vợ của anh Thọ nửa đùa nửa thật tự hào khi nói về chồng mình. Lúc đầu, chị Phương còn bàn ra vì mình vẫn chưa có việc làm. Một gánh vợ con nheo nhóc, anh còn nuôi mẹ già, đứa em gái bị nhiễm chất độc da cam và một cô em nuôi mồ côi mà cha mẹ qua đời chỉ cách nhau 10 ngày.

Bảy miệng ăn một mình vai anh gánh đã quá đủ, bỗng dưng nay lại thêm đứa bé còn đỏ hỏn làm sao mà lo cho nổi. Nhưng nhìn thằng bé ngon lành bú sữa, tình mẫu tử trong chị lại trỗi lên. "Giật gấu vá vai" cả nhà tạm sống qua ngày bằng đồng lương ít ỏi cùng với rẫy ngô, sắn.

"Lúc mới mang về, thằng bé bùn đất bám đầy, lại kiến bu, mình phải tắm bốn năm lần mới sạch. Có mấy cặp vợ chồng đến nhưng thấy nó nhỏ, yếu quá nên không dám nuôi vì sợ không sống nổi. Nuôi đến một tuổi, thằng bé đã hồng hào cứng cáp" - chị Phương kể. Những người lúc trước lại đến xin nhưng "cho sao đành, thằng bé đã gọi được ba, được mẹ, thương quá nên vợ chồng để nuôi luôn", chị bộc bạch. "Thời ấy, vợ chồng và ba đứa con, "năm anh em cùng ngủ trên một chiếc giường".

Đứa này khóc thì đứa kia cũng trở mình theo, nhiều đêm hai vợ chồng phải thức trắng để chăm - anh Thọ cười nhớ lại. Đang lúc phát triển phong trào vùng, phải đi công tác thường xuyên, anh chịu khó lội bộ qua những con đường lún lầy, dốc núi để tiết kiệm tiền xe ôm. Còn dân làng Koongtanang, mỗi khi anh đến thì đều dè chừng ái ngại, người thì tò mò xem "con ma" ấy đã hại anh chết chưa!

Bước qua lời nguyền

mRxOfvvq.jpgPhóng to
Bé Phước (áo sậm) đã có một gia đình hạnh phúc
Nhìn hai thằng bé Phước và Sơn ngồi gọn lỏn trong lòng bố, nhiều người đã lầm nghĩ vợ chồng anh sinh đôi. Chúng nó quấn quýt nhau như hình với bóng. Cùng học lớp 2/1 Trường Lê Văn Tám nhưng hễ đứa này đau nghỉ học thì đứa kia cũng không chịu đi học một mình. Thỉnh thoảng cắt ngang câu chuyện của chúng tôi là tiếng đọc bài của cu Sơn và Phước. Chị Phương giờ đã là giáo viên của trường bán trú cụm vùng trung Phước Năng.

Anh Thọ kể, thỉnh thoảng cha ruột thằng Phước cũng đến thăm nhưng phần vì đã có gia đình riêng, cuộc sống lại khó khăn nên chỉ biết nhờ anh chăm sóc hộ. Chúng tôi đùa rủ thằng nhỏ về Koongatang thăm ông bà ngoại, nó lắc đầu nguầy nguậy bảo về đó mọi người sẽ giết nó "Con ở đây với ba mẹ và chị Thủy, anh Sơn thôi".

Khẽ nén tiếng thở dài, anh nhìn những ngọn núi đã xám xịt trước mắt ngập ngừng: "Đồng bào mình hủ tục khắc nghiệt. Nhưng để làm thay đổi nếp nghĩ của bà con thì không phải là chuyện ngày một ngày hai...". Tôi hiểu những điều ẩn chứa bên trong lời tâm sự chân thành của anh. Đằng sau nó không chỉ là một cuộc cách mạng từ trong ý thức của người dân địa phương, không chỉ là một tư tưởng cấp tiến, mà để làm được điều đó, còn cần đến một tấm lòng... Sau 8 năm dài thử thách, những người M'Nông đã dành cho anh Thọ một cái nhìn thiện cảm hơn khi thằng bé Nguyễn Thế Phước vẫn còn sống khỏe mạnh, lại luôn là học sinh giỏi của trường. Gia đình anh Thọ đã qua "cơn bĩ cực" - một minh chứng sống đầy thuyết phục.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em huyện Phước Sơn phấn khởi: "Thấy trường hợp anh Thọ, đồng bào dân tộc ở đây không còn tục chôn con theo mẹ nữa. Trường hợp sinh đôi ở xã Phước Năng, sinh ngược ở Phước Hiệp cách đây 2 năm đồng bào cũng đã giữ lại nuôi".

Cũng bắt đầu từ đó, tiếng trẻ con khóc ngạt dưới những ngôi mộ mới ở khu nghĩa địa của người M'Nông đã dần lùi vào quá khứ. Và có thể đến mai này, đó sẽ chỉ là một câu chuyện kể đã rất xa...

Theo Thanh niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên