24/07/2017 08:42 GMT+7

Người đàn ông 23 năm đi tìm hài cốt đồng đội

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TTO - Khi đưa hài cốt từ rừng về, không tìm được thân nhân liệt sĩ nên ông đã lập bài vị trên bàn thờ, hằng năm tổ chức lễ giỗ như người thân của mình.

Do không tìm được người thân của liệt sĩ Tân, ông Tranh lập bàn thờ, đặt bên cạnh di ảnh của em trai là bài vị của liệt sĩ Tân -  Ảnh: HỮU KHÁ

Ông là Trương Văn Tranh, sống ở vùng Hòa Hiệp (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Giờ về vùng Hòa Hiệp hỏi ông Tranh ai cũng biết, họ bảo cứ vài tháng lại thấy ông vác ba lô lên vùng núi bắc Hòa Vang, nơi bạn bè ông nằm lại. 

“Tôi đi tìm bạn”

Ông Tranh nói ngày cuộc chiến kết thúc hạnh phúc lớn lao của đời ông là còn sống, được trở về làng cũ, gặp cha mẹ sau bao năm tháng đợi chờ. “Tôi nhớ hôm đó trở về nhà, vừa bước vào ngõ thì cha mẹ, anh em tôi ôm lấy khóc nức nở. Chiến tranh ác liệt, mất tin gia đình quá lâu khiến người thân cứ ngỡ tôi đã nằm lại ở với núi rừng. Ai ngờ tôi còn sống.” - ông Tranh nhớ lại.

Giây phút khai quật và tìm thấy chiếc thắt lưng kỷ vật của anh Cầu khiến ba người thân ngã quỵ vì xúc động, tôi thấy tim mình thắt lại. Lại thêm một chuyến đi thành công, an ủi chúng tôi phần nào”. 
Ông Trương Văn Tranh

Nhưng những đêm đầu tiên trở về nhà sau chiến trận, ông Tranh không ngủ được.

Nhớ đồng đội. Ông Tranh kể: “Nhiều đêm nhớ đồng đội cưu mang nhau lúc khói lửa ở chiến trường mà thương da diết. Bạn bè họ chiến đấu, rồi nằm lại cho mình được bình an trở về. Rồi những đêm đông lạnh giá tôi lo lắng với nghĩ suy “mình bây giờ sống ấm áp còn thân xác bạn bè lạnh lẽo nằm lại giữ núi rừng. Suy nghĩ đó là động lực thôi thúc buộc tôi phải lên đường tìm bạn.”

Là chính trị viên Đại đội Độc lập cánh bắc Hòa Vang, ngày chiến tranh dấu chân ông Tranh đi khắp núi rừng phía bắc huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Các địa danh như Khe Răm, Khe Dâu, Dốc Quạt, Hòn Quắp đã ghi dấu tên ông.

Ông Tranh kể ngày mới bắt đầu đi tìm mộ liệt sĩ, ông cùng với anh em trong Hội Cựu Chiến binh phường Hòa Hiệp Nam tự trích một phần lương hưu để làm lộ phí. Thấy ông cùng các cựu chiến binh miệt mài giữa núi rừng quá gian lao, sau đó nhiều tổ chức đoàn thể góp thêm ít kinh phí để mua lương thực, thuốc men.

Để giáo dục truyền thống cho các bạn trẻ, sau này mỗi chiến “vào rừng” ông đều dẫn theo nhiều bạn đoàn viên thanh niên để các bạn nếm trải được sự hy sinh lớn lao của cha anh.

Ông Tranh tâm sự rằng cứ mỗi chuyến đi kéo dài hơn cả tuần, có lúc thời tiết tốt thì mọi người tranh thủ ở lại trong rừng cả nửa tháng để tổ chức tìm kiếm. Trở lại chiến trường cũ núi rừng đường sá gập ngềnh, có hôm khi đến nơi trời đã chạng vạng tối. Những người lính năm xưa dựng lều bên bờ suối, nấu bữa cơm chiều lót dạ, họ ngồi tâm tình nhớ đồng đội mà nước mắt chảy dài.

“Nhưng đã không biết bao lần đi tôi và các cựu chiến bình trở về tay không khi xác định sai vị trí do thời gian trôi qua đã lâu, những dấu vết năm xưa không còn. Nhưng bằng tất cả nghĩa tình, những cựu binh không nản chí” - ông Tranh nhớ lại.

Ký ức của ông Tranh còn nhớ mãi chuyến đi năm 2010 ngược lên Hòn Quắp để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Vũ Văn Cầu (quê quận Ba Đình, Hà Nội), thuộc đơn vị Công binh Hải Vân. Cùng đi với ông là ba người em gái của liệt sĩ Cầu, băng rừng, lội suối ròng rã hai ngày liền để đến tìm đến nơi liệt sĩ Cầu ngã xuống.

Như em trai mình

Người em ruột của ông Tranh là liệt sĩ Trương Văn Hiếu, hy sinh tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Cuộc chiến kết thúc, cha mẹ ông vui khi ông được trở về bao nhiêu thì lại đau đớn bấy nhiêu khi đã nhiều năm vẫn chưa tìm được hài cốt người em ruột.

Ông Tranh nhớ lại: “Năm 1994, tôi lặn lội về vùng núi huyện Đại Lộc lân la gặp gỡ đồng đội cũ của em với cầu mong sẽ có manh mối về chỗ em nằm. Sau một thời gian miệt mài tìm kiếm, cuối cùng tôi đã tìm thấy hài cốt của em mình nằm giữa hai đồng đội. Sau khi cất bóc tôi đưa cả ba em về nghĩa trang Hòa Hiệp (Đà Nẵng) để hương khói.”

Sau đó, có một liệt sĩ được gia đình tiếp nhận rồi đưa về quê. “Riêng liệt sĩ ghi Trần Quốc Tân, quê huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) bây giờ vẫn chưa có thân nhân đến nhận. Ngày đưa Tân về đây tôi đã nhiều lần xuôi ngược khắp vùng quê huyện Duy Xuyên để tìm gia đình Tân nhưng không có manh mối. Tôi muốn em Tân sớm về “đoàn tụ” với người thân nên đã nhờ nhiều người tìm giúp nhưng đến nay vẫn chưa được” - ông trăn trở.

Do không tìm được người thân của liệt sĩ Tân, ông Tranh lập bàn thờ, đặt bên cạnh di ảnh của em trai là bài vị của liệt sĩ Tân.

“Giờ tôi coi Tân như em trai mình vậy. Tôi thờ cúng Tân bên cạnh em trai mình để mong rằng được ấm áp, cho Tân đỡ “tủi thân” khi chưa tìm được gia đình. Tôi lấy ngày 8-6 hằng năm, ngày tìm thấy hài cốt Tân làm ngày giỗ, sắm mân cơm đạm bạc, áo giấy đầy đủ đặt lên bàn thờ. Giờ tôi chỉ ước mơ, nếu ai biết được tung tích gì về gia đình Tân thì báo cho biết, tôi muốn sớm đưa Tân về với gia đình” - ông Tranh nói mà nước mắt chảy dài.

 

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên