Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính đến 17h chiều 7-9 bão số 3 làm người 4 người chết (Quảng Ninh 3 người và Hải Dương 1 người) và 78 người bị thương, trong đó Quảng Ninh 58 người, còn Hải Phòng có 20 người.
Những hình ảnh đáng sợ từ tâm bão số 3
Về tàu thuyền có 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu, 1 tàu vận tải, bị đứt neo trôi dạt. Tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương mất điện diện rộng.
Về nhà ở và cây xanh, nhiều nhà ở bị hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Bộ Công an huy động hơn 100.000 người ứng phó bão số 3
Tối 7-9, Bộ Công an cho biết cơ quan này đã thường xuyên cập nhật thông tin về bão số 3 để chỉ đạo, tổ chức quyết liệt công tác ứng phó.
Tinh thần hành động là chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, không chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ, đảm bảo an toàn tính mạng người dân, nhất là đối với trẻ em và các đối tượng yếu thế, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Bộ Công an đã ban hành 3 công điện và tổ chức họp trực tuyến để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và công an 35 địa phương. Lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương đã trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo, kiểm tra.
Trong những ngày bão số 3 ảnh hưởng, lực lượng công an ứng trực 100% quân số tại các địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp, khu vực xung yếu để sẵn sàng triển khai các biện pháp, xử lý kịp thời các tình huống.
Đến nay, Bộ Công an huy động hơn 100.000 người tham gia trực, ứng trực phòng chống bão số 3 và mưa, lũ. Chuẩn bị hơn 27.000 phương tiện bộ, hơn 2.200 phương tiện thủy, gần 100.000 áo phao, phao tròn các loại và hàng ngàn thiết bị chuyên dụng khác nhằm tổ chức cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão.
Hưng Yên: 617 nhà bị tốc mái, hư hại, hơn 5.800 cây xanh bị đổ
Theo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn có gió giật mạnh.
Đến 19h ngày 7-9, toàn tỉnh đang vận hành 42 trạm bơm với 85 tổ máy hoạt động tiêu thoát nước. Mưa to và gió giật mạnh đã làm 617 ngôi nhà tốc mái, hư hại; 5.871 cây xanh bị gãy đổ.
Có 11.682 ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó 9.599 ha lúa, 1.590 ha cây ăn quả, 493 ha cây trồng khác.
Lạng Sơn: Nhiều trụ sở cơ quan, trường học bị tốc mái
Tối 7-9, tin từ Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn cho biết đến 19h cùng ngày, toàn tỉnh có 3 người bị thương, trong đó có cháu bé 11 tuổi bị tấm lợp fibro xi măng rơi xuống đầu tại huyện Đình Lập và 2 người bị cây đổ vào người ở huyện Bình Gia.
Về nhà cửa, hơn 320 hộ bị thiệt hại, nhiều trụ sở cơ quan, trường học bị tốc mái. Các tuyến quốc lộ 1, 3B, 4A, 279 có cây đổ xuống đường đã được thông tuyến. Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn ghi nhận nhiều điểm có cây đổ ra đường, cột điện gãy đổ, điểm giao thông bị sạt…
Trong ngày, Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn cử 150 lượt cán bộ chiến sĩ giúp người dân di dời tài sản, gia cố nhà cửa chống bão số 3. Lực lượng chức năng được cắt cử canh gác tại các điểm nguy hiểm, nguy cơ sạt lở cao.
Thái Bình: Hàng ngàn ha lúa, hàng trăm ha rau màu bị hư hại
Tối 7-9, theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Thái Thụy (Thái Bình) có khoảng 7.000 ha lúa bị hư hại, 305 ha rau màu bị giập nát. Nhiều công trình công cộng, trường học, nhà bị tốc mái, biển quảng cáo, đèn trang trí bị hỏng, gãy đổ.
Hệ thống loa truyền thanh của một số xã bị hư hỏng. Huyện Thái Thụy đã huy động 71 máy xúc, 143 xe ô tô tải, đóng hơn 11.000 bao cát (khoảng 350m3) để chủ động xử lý các điểm xung yếu đối với đê điều tại địa phương.
Duy trì từ 10-15 người tại trụ sở xã, thị trấn, 30- 35 người tại các cơ sở thôn, tổ dân phố và tại các điểm xung yếu với tổng lực lượng thường trực gần 2.000 người để ứng phó với cơn bão số 3.
Trong khi đó, tại huyện Tiền Hải (Thái Bình) tình trạng cây cối, cột điện, cột báo hiệu giao thông gãy đổ tại các trục đường liên xã, liên thôn gây ách tắc giao thông.
Còn theo báo cáo nhanh của UBND huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), bão số 3 đã gây thiệt hại 230 ha hoa màu. Một số cây xanh tại các xã Đồng Thịnh, Nghĩa Sơn, Nghĩa Trung... bị bật gốc. Huyện Nghĩa Hưng đã chỉ đạo các xã tổ chức lực lượng cắt gọn, giải tỏa giao thông.
Nhờ tiêu thoát nước triệt để từ nhiều ngày trước nên huyện chưa ghi nhận diện tích lúa bị ảnh hưởng do bão. Bên cạnh đó toàn bộ diện tích nuôi thủy sản, tàu thuyền đang neo đậu trong bến an toàn.
Quảng Ninh: 3 người chết, 13 người mất liên lạc
Theo báo cáo nhanh của Công an tỉnh Quảng Ninh đến 16h chiều 7-9, thiệt hại do bão số 3 trên địa bàn ghi nhận 3 người chết, 4 người bị thương, 13 người và 1 tàu mất tích, 1 cần cẩu bị đổ, 14 tàu bị đắm.
Cụ thể vào lúc 14h30 chiều nay, tại khu neo đậu, tránh trú bão ở Bồ Nâu, vịnh Hạ Long, tàu lai dắt Hồng Gai của Công ty cổ phần cảng Quảng Ninh đứt dây neo và bị cuốn ra biển. Tại thời điểm xảy ra, trên tàu có 7 thuyền viên, trong đó 1 người bị rơi xuống biển và tử vong. Hiện đã vớt được thi thể lên bờ, 6 người còn lại đang mất liên lạc.
Tàu Tiến Thành 05 (tàu cần cẩu, thuộc Công ty cổ phần thương mại Logistic Quảng Ninh) neo tránh trú bão tại Vũng Đục - Cẩm Phả cũng bị mất tích cùng 7 thuyền viên.
Tại thành phố Hạ Long có 1 người chết do bị mái tôn sập tại phường Hà Trung và 4 người bị thương do bị cây đổ, sập mái tôn, kính bay vào người, điện giật đã được lực lượng công an đưa đi cấp cứu kịp thời.
Tại thành phố Cẩm Phả có 1 người bị chết trong khi chằng néo mái nhà ở phường Cẩm Thạch.
Còn tại Công ty Đóng tàu Hạ Long (Khu công nghiệp Cái Lân, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long), gió bão làm đổ 1 cần cầu nặng 300 tấn vào phân xưởng của Công ty Đóng tàu, làm gãy đôi nhà phân xưởng, không có thiệt hại về người.
Cô Tô có 13 tàu bị đắm khi đang neo đậu tại âu cảng, gồm 12 tàu vỏ xi măng và tàu vỏ gỗ, thiệt hại ước tính khoảng 2 tỉ đồng.
Nhiều tàu bè ở Quảng Ninh bị cuốn trôi theo gió bão số 3, dù đã vào nơi neo đậu
Ghi nhận bước đầu hàng trăm nhà dân bị tốc mái, hàng nghìn cây xanh, cột điện, biển báo bị gãy, đổ. Toàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra mất điện diện rộng, vì vậy hệ thống thông tin liên lạc đang bị gián đoạn.
Công ty Điện lực Quảng Ninh đang kiểm tra, thống kê thiệt hại.
Hưng Yên: Hơn 2.200 cây xanh đổ, 50 nhà tốc mái
Theo tổng hợp của Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh có gió giật mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-12, lượng mưa từ 13h-16h ngày 7-9 đạt trung bình gần 11,7mm.
Đến 16h cùng ngày, mưa to và gió giật mạnh đã làm 50 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh Hưng Yên bị tốc mái, hư hại; 2.244 cây xanh bị gãy đổ; ước tính có 5.746 ha cây trồng bị thiệt hại.
Cùng với đó, có 4 cột điện bị đổ, 130m tường rào đổ, hư hỏng 4 chuồng trại, 24 trạm bơm chống úng bị mất điện.
Bắc Giang: Nhiều công trình, tài sản, hoa màu bị thiệt hại
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 7-9, lãnh đạo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang cho biết sơ bộ tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại về người, song nhiều công trình, tài sản, hoa màu bị thiệt hại.
Đến chiều 7-9, có hơn 70 nhà ở, trụ sở cơ quan, trường học, nhà văn hóa bị tốc mái, đổ cổng, tường bao và hàng trăm ha lúa, hoa màu bị thiệt hại do bão.
Dự báo, tỉnh có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất với các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế. Sông Lục Nam, sông Thương xuất hiện lũ.
Các hồ chứa toàn tỉnh đạt gần 92% dung tích thiết kế.
Cùng ngày, Bí thư Thành ủy Bắc Giang Vũ Trí Hải và Chủ tịch UBND TP Bắc Giang Đặng Đình Hoan đã chỉ đạo các đơn vị chức năng vận động, di dời hơn 20 hộ dân sinh sống tại 8 tòa chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn.
Trước mắt, địa phương đã đưa người dân đến nhà văn hóa tạm trú và chuẩn bị chăn màn, thực phẩm, nước uống, thiết bị y tế phục vụ người dân.
Là địa bàn có khoảng 197.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp với nhiều công ty là đối tác của Apple, Samsung, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế thiệt hại về tài sản, nhất là nhà máy, công trình, nhà ở công nhân…
Tại Bắc Ninh, cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn trực tiếp gặp gỡ, vận động người dân tại các khối nhà tại khu tập thể Nhà máy thuốc lá Bắc Sơn đến nơi an toàn. Các tòa 2A, 3D của khu tập thể có tuổi thọ lâu đời hàng chục năm, cơ sở vật chất xuống cấp.
Ông Tuấn yêu cầu lực lượng chức năng bố trí nơi tránh bão an toàn, chuẩn bị nhu yếu phẩm và ứng trực hỗ trợ người dân. Cùng ngày, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo ngành thoát nước, y tế chuẩn bị phương án ứng trực, ứng phó với bão số 3.
Hải Phòng, Hạ Long: Gió mạnh, sóng viễn thông chập chờn
16h chiều nay 7-9, tại Hải Phòng gió bắt đầu đổi hướng thổi mạnh từ biển vào đất liền. Các cột sóng đánh vào bờ cao 5-6m.
Các cột sóng đánh vào bờ cao 5-6m, tràn qua đê chắn sóng, nhiều tuyến đường bị ngập úng, cây cối gãy đổ, trơ trụi lá.
Tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) gió bão vẫn đang "quần thảo" từ khoảng 10h đến 17h30 ngày 7-9. Người dân Hạ Long không thể ra đường vì gió bão quá mạnh. Hiện ở khu vực phường Hồng Hà (thành phố Hạ Long) đang mất điện, sóng viễn thông chập chờn.
Khoảnh khắc tàu du lịch lật chìm trong mưa bão khi đang neo đậu ở Hạ Long
Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lúc 16h ngày 7-9, vị trí tâm bão số 3 khoảng 20.8 độ vĩ Bắc - 106.5 độ kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng.
Thời điểm này sức gió mạnh nhất của bão vẫn cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, tốc độ khoảng 20km/h. Bão tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần nhưng trong thời gian này vẫn giữ cường độ cấp 9 đến cấp 11.
Do cường độ bão hiện tại vẫn rất mạnh nên dự báo đến chiều tối và đêm 7-9 ở Quảng Ninh đến Nam Định tiếp tục có gió mạnh cấp 9 đến cấp 11, giật cấp 13-14. Khu vực sâu trong đất liền Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hưng Yên cũng có gió bão cấp 8-9, giật cấp 11-12.
Tại Hà Nội trong 10-12 tiếng tới gió mạnh cấp 6-7 và giật cấp 9-10, khoảng sáng 8-9 mới ngớt gió.
Hải Dương: Gió mạnh cấp 10-11, có nơi giật cấp 12
Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, đến 15h ngày 7-9, địa bàn tỉnh Hải Dương có gió mạnh cấp 10-11, có nơi giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Địa bàn tỉnh có mưa to và rất to, lượng mưa từ 7h ngày 6-9 đến 13h ngày 7-9 phổ biến từ 50-60mm (cao nhất ở Thanh Hà 60mm). Dự báo diễn biến mưa trong 24 giờ đến 48 giờ tới, khu vực Hải Dương có mưa to đến rất to và dông.
Lượng mưa phổ biến từ 200-300mm, có nơi lớn hơn 300mm. Do ảnh hưởng của mưa bão, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã xuất hiện một số thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, cơ sở vật chất, cây cối…
Cụ thể, toàn tỉnh có khoảng 236ha lúa bị đổ, trong đó nhiều nhất ở Bình Giang (180ha). 6,1ha cây rau màu vụ hè thu bị ảnh hưởng. Về thiệt hại công trình, cơ sở hạ tầng, Trường mầm non xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) bị tốc mái tôn chống nóng, mái tôn tại một số trường học, hội trường xã ở Thanh Hà bị gió tốc.
Toàn tỉnh ghi nhận nhiều bảng quảng cáo, cây bóng mát bị đổ, gãy. Nhiều địa phương bị mất điện, dẫn đến mất điện tại một số trạm bơm tiêu trên địa bàn các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc. Một số trạm thu, phát sóng bị gián đoạn.
Ông Lưu Văn Bản, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương, đã chỉ đạo ngành điện phối hợp với các ngành liên quan khẩn trương khắc phục những sự cố về đường dây, cột điện… cấp điện kịp thời để các lực lượng khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt là hệ thống trạm bơm tiêu.
Cảnh báo lũ trên các sông khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa
Chiều 7-9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết mực nước hệ thống sông Hồng - Thái Bình và các sông ở Thanh Hóa đang biến đổi chậm và ở mức thấp dưới báo động 1.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa bão số 3 nên cảnh báo từ tối 7 đến ngày 10-9 trên các sông ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ, với biên độ lũ lên trên các sông từ 2-6m.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn và Hòa Bình có khả năng lên mức báo động 2, báo động 3.
Đỉnh lũ trên sông Thao, thượng lưu sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Hoàng Long lên mức báo động 1, báo động 2, có sông trên mức báo động 2; sông Bưởi, thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) lên trên mức báo động 1; mực nước hạ lưu sông Hồng - Thái Bình ở dưới mức báo động 1.
Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa (thông tin dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng thủy văn tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/ và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).
Tại các đô thị, thành phố và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt do mưa lớn, đặc biệt tại các tỉnh thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận