Ông Lê Tiến Phương, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (bìa trái), trao đổi với người dân sáng 23-4 - Ảnh: Nguyễn Nam |
Tại bãi xỉ thải của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, ông Lê Tiến Phương chứng kiến nhiều xe chở nước được điều đến để tưới nước lên số lượng xỉ thải.
Tiếp đó, xe lu lèn chặt xỉ ướt rồi đắp bạt lên xỉ thải. Tuy nhiên thi thoảng tại bãi xỉ này xuất hiện gió thổi xoáy khiến xỉ bay mù mịt.
Người dân còn lo ngại
Có rất đông người dân địa phương mới được thuê vào làm việc trong bãi xỉ thải của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Công việc của họ là đắp bạt, dọn dẹp xỉ thải với tiền công 220.000 đồng/ngày.
Ông Phan Cúc, thôn trưởng thôn Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Tân), cho biết người dân phản ứng mạnh nhất việc ô nhiễm môi trường. Tới nay nhiều người vẫn chưa hết lo ngại.
Bà Dương Thị Chút, nhà trong vùng bị ô nhiễm, cho biết không người dân nào muốn ra chặn quốc lộ 1 nhưng do quá bức xúc nên phải làm như vậy.
“Tụi tui ăn cơm cũng không ngon, nhà cửa dơ bẩn, sức khỏe bị ảnh hưởng. Khi làm bãi xỉ thải này, nếu họ hỏi người dân gió ở đây như thế nào thì chúng tôi sẽ nói cho họ biết chỗ đó có gió xoáy. Nhưng họ không hỏi” - một người dân khác phàn nàn.
Ông Lê Tiến Phương đề nghị đại diện nhà máy và cơ quan chức năng địa phương sắp tới phải họp dân để nói cho bà con biết đã khắc phục được những gì, sẽ làm tiếp những gì và nghe người dân yêu cầu thêm gì nữa.
Theo đại diện Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, sắp tới sẽ đưa một số phương tiện hiện đại vào để vận chuyển và xử lý xỉ thải.
Một con đường riêng nối nhà máy với bãi xỉ thải sẽ được hoàn thành giữa tháng 5-2015, xe tải chở xỉ thải lưu thông riêng biệt, tránh gây ảnh hưởng đến khu dân cư lân cận.
Người dân chặn quốc lộ 1 vì bức xúc trước tình trạng ô nhiễm - Ảnh: Minh Trân |
Đẩy dân vào tình thế bức xúc
Ông Lê Tiến Phương cho biết các chuyên gia đầu ngành về nhiệt điện của VN đã không đánh giá được hết về hướng gió tại nơi xây dựng bãi xỉ thải. Còn việc xử lý xỉ thải thì làm không triệt để, làm cho có, gian dối.
“Việc gây ô nhiễm của Nhà máy Vĩnh Tân 2 đã đẩy dân vào tình thế bức xúc, dân phản ứng là xác đáng. Trong cuộc xung đột vừa qua không chỉ đổ mồ hôi mà còn đổ máu. 17 chiến sĩ, cán bộ bị thương. Các mặt nạ chống bạo loạn bị quăng đá gãy gần hết. Trước mặt mình là người dân nên anh em mình chịu trận” - ông Lê Tiến Phương cho hay.
Ông Phương nói: “Cố gắng đừng làm mất thêm uy tín nữa. Nhà máy không làm tốt sẽ mất uy tín, hệ thống chính trị địa phương cũng bị mất niềm tin. Người dân mà phản đối thì không còn nhà máy. Tiền của mất có thể làm ra được, nhưng uy tín mất thì khó tạo dựng lại”.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận giao huyện Tuy Phong phải lập phương án di dời dân bị ảnh hưởng ra khỏi vùng ô nhiễm. Nếu có phát sinh vấn đề vướng mắc, huyện cần báo rõ.
Việc chặn quốc lộ 1 khiến các loại xe xếp hàng nối đuôi nhau nằm kẹt cứng trên đường - Ảnh: MINH TRÂN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận