Ngày 21-11 này sẽ tròn 50 năm ông Hồ Thanh Chinh (giữa) đoạt chức vô địch cự ly 100m Giải điền kinh miền Nam (21-11-1965, với thành tích 11"4) - Ảnh: NVCC |
Người đàn ông tráng kiện, quắc thước từng in đậm dấu ấn trong lòng người hâm mộ thể thao miền Nam ngày nào giờ là ông lão 74 tuổi, hằng ngày tập tễnh từng bước. Căn bệnh tai biến mạch máu não đã quật ngã ông hai lần, nhưng nghị lực và tố chất thể thao trời phú giúp ông gượng dậy...
Tham dự Olympic 1964
Theo trang dữ liệu Olympic ở Olympic 1964 tại Tokyo, thể thao miền Nam có hai VĐV thi đấu điền kinh là Hồ Thanh Chinh (100m, thành tích 11”9, không vượt qua vòng loại) và Nguyễn Văn Lý xếp chót trên 48 VĐV ở vòng loại chạy 5.000m. Ông Chinh hồi tưởng: “Tôi đến với đường chạy vì đam mê và tự tập luyện theo cách của mình. Vậy mà tôi từng nhiều lần đoạt HCV cự ly 100m, 200m và ném lao ở Giải vô địch điền kinh toàn miền Nam”.
Năm 1963, ông Chinh được anh cả (Hồ Thanh Hưng, cựu HLV trưởng Hải Quan, đã mất) dìu dắt đến với bóng đá. “Có thể nói tôi may mắn được trời ban năng khiếu nên chơi môn gì cũng giỏi. Ngoài điền kinh, tôi còn chơi bóng rổ (từng vô địch toàn miền Nam VN trong màu áo đội Quân Cụ). Thấy tôi bật cao, cổ tay dẻo, phán đoán hướng bay của trái bóng rổ tốt nên anh Hưng gợi ý tôi vào làm thủ môn cho đội Hàng Không Dân Sự. Ham vui, tôi nhận lời, nào ngờ bén duyên luôn với nghiệp đá bóng đến năm 1980 mới giải nghệ” - ông Chinh kể.
VĐV bóng rổ Hồ Thanh Chinh (trái) trong một pha tấn công trên rổ - Ảnh: NVCC |
Những câu chuyện khó quên
Đến với bóng đá năm 1963, ba năm sau ông Chinh được chọn vào đội tuyển miền Nam tham dự và đoạt luôn chức vô địch Cúp Merdeka 1966 (ông Chinh bắt dự bị cho thủ môn lừng danh Lâm Hồng Châu). Giải này, cậu em Hồ Thanh Cang bị loại vào giờ chót.
Năm sau đó, Chinh và Cang cùng được vào đội tuyển dự SEAP Games (nay là SEA Games) 1967 tại Malaysia và đoạt HCB (thua Myanmar 2-3 trong trận chung kết) sau khi toàn thắng ở vòng loại, trong đó có trận thắng 5-0 trước Thái Lan.
Nhắc đến HLV Weigang, ông Chinh hào hứng kể lại chuyện xưa: “Năm 1966, tôi và ông Weigang gặp nhau trên sân Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất). Thấy tôi tập điền kinh, ông Weigang rủ tôi chạy đua, đầu tiên là 100m và sau đó là 400m. Cả hai lần thi chạy, khi tôi về đến đích thì ông vẫn còn giữa chừng nhưng không bỏ cuộc. Nhờ tôi giỏi tiếng Pháp nên đôi bên trò chuyện rất vui. Vài tháng sau, ông tròn mắt ngạc nhiên khi trong thành phần đội tuyển bóng đá có tôi, còn ông là HLV trưởng. Thế là thầy trò cùng chung màu áo trong giai đoạn chuẩn bị dự Merdeka.
Năm 1967, tôi và ông Weigang lại cùng nhau chuẩn bị dự SEAP Games 1967. Lúc đó tôi có tên ở đội tuyển bóng đá lẫn đội tuyển điền kinh (chạy 100m và 200m). Ông Weigang khuyên tôi: “Anh phải chọn một trong hai đội tuyển chứ không thể thi cùng lúc hai môn khác nhau. Bên điền kinh, nếu không có anh thì còn người khác. Với bóng đá, ngoài Lâm Hồng Châu, tôi không biết chọn thủ môn nào ngoài anh…”. Nghe vậy, tôi chia tay điền kinh. Đó là quyết định đúng đắn bởi khi ấy điền kinh miền Nam không thể cạnh tranh với Malaysia và Myanmar. Nhờ vậy, tôi có chiếc huy chương SEA Games duy nhất trong sự nghiệp”.
Dân đá bóng kỳ cựu ở Sài Gòn vẫn chưa quên biệt tài của thủ môn Hồ Thanh Chinh: quỳ gối ném bóng bằng một tay qua khỏi nửa sân và trở thành đường chuyền phản công lợi hại mà đội Quân Cụ ngày trước và sau này là Hải Quan thường xuyên áp dụng. Ngón sở trường này không thủ môn nào làm được, ông tự hào như vậy và “bật mí”: “Đó là nhờ sự khéo léo và sức mạnh ở cánh tay mà tôi có được sau thời gian tập luyện và thi đấu ném lao”.
Thủ môn Hồ Thanh Chinh thuở đương thời - Ảnh: NVCC |
Kỷ lục của anh em họ Hồ Sau năm 1975, anh em nhà họ Hồ lập kỷ lục thú vị: bốn anh em ruột cùng khoác chung màu áo Hải Quan gồm HLV trưởng Hồ Thanh Hưng, thủ môn Hồ Thanh Chinh, Hồ Thanh Cang và Hồ Thanh Dũng cùng đá tiền vệ. Riêng em út Hồ Thanh Đức do không chen chân vào được nên chuyển sang chơi cho Bưu Điện. |
Chiến đấu với bệnh tật Rời sân cỏ, ông Chinh làm đủ nghề để mưu sinh: HLV bóng đá phong trào, dạy quần vợt rồi chục năm làm bốc xếp ở bến xe Chợ Lớn. 4g sáng, ông cặm cụi đạp xe từ nhà ở Q.Gò Vấp đến bến xe làm việc. 4g chiều đạp về Q.1 dượt banh với hội lão tướng rồi về nhà nghỉ ngơi chuẩn bị ngày làm việc mới. Gần hai thập niên làm việc dưới dạng hợp đồng thời vụ nên về già ông không nhận được sổ hưu. May mắn, nhờ con cái thành đạt nên vợ chồng ông không quá túng ngặt như một số đồng nghiệp khác. Ba năm trở lại đây, ông vắng bóng ở các giải lão tướng vì hai lần bị tai biến mạch máu não. Ông hóm hỉnh nói: “Là dân thể thao, lại có chút võ judo nên nhiều lần tôi thoát cảnh té gãy chân, gãy tay... Người bị tai biến chân tay rất yếu, nên mỗi lần mất đà chực ngã xuống đất thì tôi cuộn người lại ngã xuống theo thế đánh đòn vai của judo. Có lẽ trời còn thương tình nên dù nhiều lần bị té tôi vẫn... bình yên”. Nằm liệt giường thời gian đầu, ông cắn răng nén đau kiên trì tập luyện, từ tập thể dục đến các bài tập dành riêng cho người bị tai biến. Và may mắn đã mỉm cười khi ông tự chống gậy đi lại trong nhà, tự ăn uống lẫn làm vệ sinh cá nhân. Ông nói: “Tôi không cầu mong tiền bạc, chỉ có điều ước duy nhất là khỏi căn bệnh này để được rong ruổi đó đây cùng thể thao…”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận