30/10/2006 06:19 GMT+7

Người cứu hộ chân vịt những con tàu

HỒ VĂN
HỒ VĂN

TT - Chỉ một cái vòi thở đơn giản, ông có thể lặn hàng giờ dưới làn nước đục ngầu để mang những chân vịt nặng hàng tấn ra khỏi con tàu và đưa lên bờ sửa chữa. Các chủ ghe, tàu cá, tàu cao tốc, tàu khách... trìu mến gọi ông là Năm “thợ lặn chân vịt”.

7L1997KL.jpgPhóng to
Ông Năm đang đưa chân vịt nặng mấy trăm ký ra khỏi tàu - Ảnh: XXX
TT - Chỉ một cái vòi thở đơn giản, ông có thể lặn hàng giờ dưới làn nước đục ngầu để mang những chân vịt nặng hàng tấn ra khỏi con tàu và đưa lên bờ sửa chữa. Các chủ ghe, tàu cá, tàu cao tốc, tàu khách... trìu mến gọi ông là Năm “thợ lặn chân vịt”.

Đứng trên con tàu cao tốc Superdong, tôi hồi hộp theo dõi ông Năm hành sự: Chiếc máy nổ bơm oxy khởi động, Năm “thợ lặn...” chỉ với quần cộc, áo thun ngậm chiếc vòi thở vào miệng. Ùm! Ông Năm đã biến mất dưới làn nước đục ngầu... Hơn 10 phút trôi qua vẫn chỉ thấy bọt khí mà tăm hơi ông Năm mất dạng. Tôi lo lắng nhìn đội giúp việc của ông Năm như dò hỏi, họ vẫn im lặng mỉm cười. Một cán bộ tàu Superdong nói: “Chuyện cơm bữa của ông Năm ấy mà, ông ấy có thể lặn hàng giờ dưới nước”.

Ông Nguyễn Văn Hòa, cán bộ của tàu Superdong, cho biết theo lịch trình sáng nay tàu chạy ra Phú Quốc. Nhưng trong chuyến hôm trước, chân vịt của tàu bị hư vì chém phải một khúc thân dừa. Công ty đã gọi điện cầu cứu ông Năm... Hơn 30 phút sau, dưới làn nước bọt khí nổi lên ngày càng nhiều, ông Năm trồi lên, miệng vẫn ngậm chiếc vòi. Với những ròng rọc thủ công, ông Năm cùng mấy người thợ giúp việc đã mang chiếc chân vịt nặng trịch lên mặt nước. Phần việc còn lại là đưa chân vịt lên bờ, mang về trạm sửa chữa. Ông Năm ngồi chờ chân vịt được “chỉnh hình” xong sẽ lặn đưa xuống lắp vào tàu.

Ông Năm, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Bé, nhà ở phường An Hòa, TP Rạch Giá (Kiên Giang), đã theo nghiệp lặn chân vịt hơn tám năm nay. Trước đây ông ở trong đội thợ lặn trục vớt, sau đội rã đám, ông chuyển qua làm nghề lặn chân vịt. “Hơn tám năm tôi trục vớt hàng chục ngàn chiếc chân vịt...” - ông Năm nói.

Ông Hai Giỏi, một thợ cơ khí “chỉnh hình” chân vịt nổi tiếng vùng biển tây nam, tỏ ra khâm phục khi nói về ông Năm: “Chúng tôi muốn đưa một chân vịt từ tàu lên bờ để sửa phải cần đến xe cẩu, còn ổng chỉ bằng tay và các dụng cụ thủ công. Chân vịt chín tua nặng hơn cả tấn nhưng ổng mang lên thấy nhẹ hều”. Ông Hai Giỏi cho biết thêm biệt tài của ông Năm là rút được chân vịt dưới nước ra khỏi tàu mà không làm hư hỏng gì. Trong khi ở trên bờ, nhiều thợ cơ khí rút chân vịt ra thường làm cong và hư hỏng trục láp. Ông Nguyễn Văn Hòa, cổ đông tàu Superdong, cho hay: “Trước đây những lúc tàu bị hư, chúng tôi thường cho lên ụ sửa chữa. Tốn vài chục triệu đồng là ít, lại còn mất hơn cả tuần. Nhưng sau một lần chính tôi chứng kiến ông Năm làm cho tàu cá nên gọi ông về làm thử. Ai ngờ ông chỉ làm một ngày, công lặn ổng chỉ lấy 800.000 đồng...”.

Ngoài đội tàu cao tốc, hàng ngàn tàu cá hoạt động tại vùng biển Kiên Giang đều ít nhất cũng đã một lần cầu cứu ông Năm. Hầu hết chủ tàu đều biết ông Năm, coi ông như là một cứu tinh của họ. Ông Ba “cào” (làm nghề giã cào), chủ một đôi ghe cào xa bờ, kể: “Hôm chúng tôi đang cào ngoài vùng biển tận đảo Nam Du thì chân vịt tàu cái bị hư, phải chạy vào bờ cầu cứu ông Năm, chở ông ra tận nơi lặn lấy chân vịt đưa vào bờ. Sau khi sửa chữa xong ông Năm lại theo chúng tôi ra lặn lắp chân vịt vào tàu. Công sức nhiều mà ổng chỉ lấy 600.000 đồng”.

Cũng vì nổi tiếng với tài lặn chân vịt mà một vài hãng bảo hiểm tới đặt vấn đề ký hợp đồng nhưng ông Năm đã từ chối, vì “tôi muốn làm tự do chứ không muốn bị gò bó hay bị ai đó o ép mình”.

Giờ đây ở tuổi ngoài 50, ông Năm đã “giảm cường độ lặn”. Ông đã truyền nghề cho bốn người con, ba trai một rể, và giờ họ cũng trở thành những “thợ lặn chân vịt” tài ba...

HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên