09/08/2011 07:36 GMT+7

Người chuyển nghề xe lôi chờ hỗ trợ

KHẮC TÂM
KHẮC TÂM

TT - Sau khi xe lôi, xe ba gác bị cấm chạy, nhiều người giải nghệ chuyển sang nghề mới. Trong hành trình mưu sinh này có người tìm được việc làm mới, cuộc sống ổn định, song cũng không ít người đang chạy ăn từng bữa.

6BpgsPxg.jpgPhóng to
Ông Đặng Ngọc Thạch (thứ hai, từ trái) cho biết đã sáu năm qua chưa nhận được tiền hỗ trợ chuyển nghề - Ảnh: Khắc Tâm

Gặp ông Đặng Văn Khanh (phường 10, TP Sóc Trăng) đang lui cui chất rau cải lên xe tải nhẹ, hỏi chuyện làm ăn ông Khanh cười: “Từ ngày tậu được chiếc xe tải để chở thuê, cuộc sống của gia đình tui dễ thở hơn rất nhiều”.

Lên đời xe tải

Năm 1995, ông Khanh được cha mẹ cho vốn đóng thùng để chạy xe lôi máy. Từ 4g sáng, ông Khanh đã thức dậy nổ máy “cưỡi ngựa sắt” vào chợ trung tâm TP Sóc Trăng “ăn hàng”, chủ yếu là rau cải, rồi theo quốc lộ 1A chạy đến chợ Trà Quýt (huyện Châu Thành, Sóc Trăng) giao hàng. Xong xuôi, ông Khanh ăn vội đĩa cơm sườn rồi đón khách từ Trà Quýt về TP Sóc Trăng. Mỗi ngày ông Khanh làm bốn cuốc xe lôi thùng như vậy. Ông Khanh nhớ lại: “Dạo đó xe gắn máy không nhiều như bây giờ, để đi lại bà con đều chọn xe lôi thùng, nhờ vậy tui làm ăn cũng khá. Hôm nào ít khách, trừ chi phí cũng lời khoảng 200.000 đồng”. Mỗi ngày ông Khanh đều góp 50% thu nhập cho mẹ để lo cơm nước sáu miệng ăn, phần còn lại ông tích cóp gửi ngân hàng.

Ngày 1-7-2004, Sóc Trăng cấm các loại phương tiện thô sơ hoạt động, trong đó có xe lôi máy, ba gác. Dù rất buồn nhưng ông Khanh đành giao “con ngựa sắt” gắn bó hơn bảy năm cho địa phương. Với số tiền địa phương hỗ trợ 5 triệu đồng và tiền tích lũy, ông Khanh mua một chiếc xe tải đã qua sử dụng loại 1,5 tấn để chở thuê lúa, nông sản và phân bón cho bà con ở gần nhà và các xã lân cận.

Nhờ có nhiều mối kêu chở thuê, chuyện làm ăn của ông Khanh ngày càng khấm khá. Để nâng đời, ông Khanh bán xe tải cũ, tậu chiếc mới loại 2,5 tấn. Đường giao thông từ TP Sóc Trăng nối các huyện thuận lợi nên tầm hoạt động của ông Khanh rộng hơn. Ai kêu gì chở đó nên ông Khanh khoe: “Ngày nào trúng mánh kiếm 700.000-800.000 đồng như chơi”. Ông dự định mua thêm một xe tải nữa mới đủ đáp ứng “đơn đặt hàng”.

Không dư đồng nào

Song trong hành trình chuyển nghề, tìm kế mưu sinh không phải ai cũng có “số đỏ” như ông Khanh. Ông Đặng Ngọc Thạch (khóm 4, phường 8, TP Sóc Trăng) đang chống cằm ngồi đón khách trước cổng Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, thở dài: “Chạy xe ôm bây giờ chua lắm. Thức khuya, dậy sớm nhưng cố gắng lắm mỗi ngày cũng kiếm không đủ tiền nuôi hai miệng ăn. Người có điều kiện thì gọi taxi, bà con tuyến huyện chọn xe buýt”.

Ông Thạch có hơn 30 năm thâm niên chở xe lôi thùng tuyến TP Sóc Trăng - Tân Thạnh - Đại Ngãi (huyện Long Phú, Sóc Trăng). Nhắc lại thời vàng son chạy xe lôi thùng, ông Thạch tiếc nuối: “Lúc đó chạy đắt lắm. Một mình tui chạy xe lôi nuôi sáu miệng ăn, cho bốn đứa nhỏ ăn học ngon lành, chứ đâu như bây giờ phải chạy ăn từng bữa cũng không xong”.

Nghỉ chạy xe lôi, chưa nhận được tiền hỗ trợ để chuyển nghề nên ông Thạch ở nhà làm thuê, ai kêu gì làm đó. Bữa có bữa không nên cuộc sống của gia đình khó khăn, bốn người con của ông phải nghỉ học, bây giờ đang làm công nhân trong các xí nghiệp, nhà máy ở TP.HCM. Tuổi ngày càng cao, không thể làm thuê, ông Thạch vay mượn mua một chiếc xe gắn máy chạy xe ôm. Ông tâm sự: “Tui thắc mắc sao đến giờ chưa nhận được tiền hỗ trợ, chính quyền giải thích chung chung. Cũng may nhờ mấy đứa nhỏ chu cấp, chứ chạy xe ôm hơn sáu năm nay không dư đồng nào”.

Hoàn cảnh của ông Lâm Tý (xã Trường Khánh, huyện Long Phú) còn bi đát hơn. Giải nghệ chạy xe lôi thùng nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề, ông Tý sửa lại căn nhà lá cho mẹ rồi chuyển sang làm phụ hồ. Những tháng mùa mưa hết công trình, ông Tý tìm đến các nhà máy xay xát vác lúa thuê. Dù bị căn bệnh gai cột sống hành hạ, ông Tý vẫn “cày” từ sáng tới tối mịt, không hé môi cho mẹ và hai em biết.

Sức người có hạn, bệnh của ông ngày một nặng. Có hôm đang vác lúa thì ông ngã quỵ. Mẹ ông hoảng hốt đưa ông vào bệnh viện mới hay con mình mắc bệnh từ lâu nhưng giấu gia đình, sợ cả nhà lo. Ông Tý cười: “Hết bệnh tui sẽ đi làm lại, nếu không mẹ và hai em phải thiếu thốn. Thấy cảnh này làm con trai lớn tui không cam lòng, chỉ hi vọng sớm nhận được tiền hỗ trợ để phụ giúp gia đình”.

Giám đốc Sở Giao thông - vận tải tỉnh Sóc Trăng: Tỉnh thiếu tiền hỗ trợ, mong bà con thông cảm

Theo ông Trần Anh Việt, giám đốc Sở Giao thông - vận tải Sóc Trăng, việc cấm các loại xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới ba, bốn bánh lưu thông trên địa bàn tỉnh lúc đầu gặp nhiều khó khăn. Nhưng qua động viên, tuyên truyền, bà con chấp nhận khó khăn buổi đầu chuyển nghề.

Đến cuối tháng 7-2011, Sóc Trăng đã hỗ trợ đợt 1 số tiền 4,5 tỉ đồng với 1.091 phương tiện, chủ yếu là xe lôi thùng, ba gác. Tỉnh đang tiếp tục tổng hợp số lượng xe để hỗ trợ lần hai. Tính toán sơ bộ có khoảng 2.102 loại xe, tiền hỗ trợ hơn 11 tỉ đồng. Do ngân sách địa phương gặp khó khăn nên chưa thể triển khai hỗ trợ, mong bà con thông cảm.

KHẮC TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên