Ảnh: L.Kiên
|
Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) do Viện KSND tối cao chủ trì soạn thảo được trình tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp (ngày 30-3) có rất nhiều nội dung đáng chú ý với những điều, khoản được sửa đổi, bổ sung theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Theo phó viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Hữu Thể, dự thảo quy định “suy đoán vô tội” là một nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng hình sự và khẳng định rõ “mọi hoài nghi về tội của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu chưa được làm sáng tỏ theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì phải xử lý theo hướng có lợi cho họ”.
Quyền im lặng
“Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Quy định như vậy là phù hợp với công ước của Liên Hiệp Quốc” - ông Thể giải thích một trong hai phương án được quy định trong dự thảo.
Trình bày ý kiến của nhóm nghiên cứu Ủy ban Tư pháp, Phó chủ nhiệm Lê Thị Nga cho rằng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành thì việc khai hoặc không khai và khai báo như thế nào được coi là quyền mà không phải là nghĩa vụ của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Do đó, họ có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền này.
“Tuy nhiên, để tăng cường tính minh bạch, dễ hiểu, tạo nhận thức thống nhất trong hoạt động lấy lời khai, góp phần chống bức cung, nhục hình, cần quy định theo hướng: người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc bị ép buộc phải nhận mình có tội”.
Nêu quan điểm Bộ Công an, Thứ trưởng, thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng; bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội.
Điều đó có nghĩa bị can, bị cáo có quyền khai báo hoặc không khai báo, bày tỏ ý kiến về cáo buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Việc bị can, bị cáo thành khẩn khai báo được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, còn thái độ không khai báo của bị can, bị cáo trước khi có mặt của luật sư không bị coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Vì vậy, trong tố tụng hình sự của Nhà nước ta hiện nay, quyền không buộc phải đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình đã được tôn trọng.
Do đó, nếu quy định khác sẽ phá vỡ các nguyên tắc của luật tố tụng hình sự, khuyến khích người phạm tội khai báo gian dối hoặc sử dụng quyền im lặng để gây khó khăn, phức tạp cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung.
Ảnh tư liệu
|
Minh bạch quá trình hỏi cung
Vẫn theo ông Lê Hữu Thể, dự thảo quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng để họ tham dự.
Quy định này nhằm “chống bức cung, nhục hình, mớm cung, đảm bảo tính minh bạch, tăng khả năng kiểm soát đối với hoạt động tố tụng hình sự”.
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho rằng quy định phải ghi âm, ghi hình trong mọi trường hợp là không khả thi.
“Để tránh bức cung, nhục hình, cần quy định theo hướng: trong mọi trường hợp hỏi cung bị can đều phải lập biên bản và mọi biên bản hỏi cung đều phải được đưa vào hồ sơ vụ án; trong trường hợp cần thiết có thể ghi âm hoặc ghi hình (như trường hợp bị can kêu oan ngay từ đầu, bị can tố cáo bị bức cung, nhục hình)” - bà Lê Thị Nga nói.
Giám đốc Công an Hà Nội, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết: vừa qua trước thực trạng có một số vụ bức cung, nhục hình thì dư luận nhân dân cho rằng trong quá trình hỏi cung phải có camera quay lại.
Về quy trình thì khi hỏi cung có bản tường trình, rồi người hỏi cung ghi lời khai đưa cho đối tượng đọc lại và công nhận là đúng mới ký vào.
Quá trình hỏi cung đã có luật sư ngồi bên cạnh. Toàn bộ quá trình điều tra của cơ quan công an đều được kiểm sát viên giám sát chặt chẽ.
“Có thể nói rằng quy định như vậy đảm bảo rất khách quan, nghiêm túc. Nhưng vấn đề là một số vụ oan sai tôi nghiên cứu thì thấy có sự thiếu tinh thần trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên và thậm chí là chỉ đạo của lãnh đạo một số cơ quan điều tra ở địa phương” - ông Chung nói.
Trong khi đó, thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng việc bắt buộc phải ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung thì xu hướng là phải làm, nhưng hiện nay quy định cứng vào luật hơi khó thực hiện bởi cả nước riêng cấp huyện có bảy, tám trăm cơ quan điều tra, việc trang bị phương tiện rất tốn kém.
Dự án Bộ luật tố tụng hình sự sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp giữa năm 2015.
Quyền khám sức khỏe trước khi bị tạm giam Trình bày quan điểm của mình, thượng tướng Lê Quý Vương ủng hộ việc đưa vào dự thảo luật quy định về quyền được khám sức khỏe của người bị bắt, bị can trước khi bị tạm giữ, tạm giam. “Vừa qua các đồng chí cũng nêu trong quá trình bắt, tạm giam, tạm giữ, nhiều trường hợp đối tượng tự treo cổ, tự sát trong trại hoặc chết do bệnh lý trong các nhà tạm giữ, tạm giam. Tình trạng này rất ảnh hưởng. Đối tượng bị bắt giữ nhiều trường hợp ủ bệnh rồi, như các đối tượng nghiện hút, nhiễm HIV, sẵn bệnh tim mạch, tiểu đường... chỉ sốc một cái là có thể đột tử. Vì vậy, để phòng ngừa tốt, khi bị bắt giữ cần có kiểm tra sức khỏe, không có thì khổ cho anh em. Bởi vì cứ đề cập đến tình trạng chết trong khi bị tạm giữ, tạm giam lại có ý kiến nói là do bức cung, nhục hình hoặc do đối xử này khác” - ông Vương nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận