16/06/2008 02:18 GMT+7

Người bắc cầu nhân ái

QUANG VINH
QUANG VINH

TT - Ông Bảy từ thiện - Trần Lam, ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Ông nói danh hiệu Anh hùng lao động là niềm vui chung của tập thể, riêng ông thì khiêm tốn cho rằng: "Tôi chỉ là người bắc cầu nhân ái mà thôi".

UEJZ0aVt.jpgPhóng to
Ông Trần Lam - Ảnh: H.T.Dũng
TT - Ông Bảy từ thiện - Trần Lam, ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Ông nói danh hiệu Anh hùng lao động là niềm vui chung của tập thể, riêng ông thì khiêm tốn cho rằng: "Tôi chỉ là người bắc cầu nhân ái mà thôi".

Ông Bảy nói: "Tôi đã 67 tuổi rồi, chỉ có một nguyện vọng của cá nhân và cũng là nguyện vọng của tập thể Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang (BTBNN KG) là xây dựng hội thật sự trở thành cầu nối nhân ái giữa người có tấm lòng hảo tâm với người nghèo bất hạnh. Khi người nghèo thoát nghèo sẽ lại hỗ trợ những người nghèo hơn như đạo lý dân tộc Việt".

Bắc nhịp cầu nhân ái

Nghệ sĩ nhiếp ảnh

Năm 1995, khi đang là phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Trần Lam đã đến với nghệ thuật nhiếp ảnh. Ông đã chụp hàng trăm bức ảnh đẹp, không ít trong số đó được chọn triển lãm và đoạt giải ở các liên hoan ảnh nghệ thuật. Sau đó ông Trần Lam trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh A.VAPA Việt Nam và nghệ sĩ ưu tú quốc tế E.FIAP.

Ông Trần Lam luôn dùng nghệ thuật để phục vụ cho công việc từ thiện mà mình đeo đuổi. Rất nhiều bức ảnh đẹp của ông về biển trời Tây Nam tổ quốc, ảnh chân dung, phong cảnh... đã được các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh mua. Ông còn treo ảnh ở trụ sở của Hội BTBNN KG để bán lấy tiền gây quĩ vì người nghèo.

Tháng 11-2003, ông Bảy đứng ra vận động thành lập HBTBNN KG và được chính quyền tỉnh ủng hộ. Buổi ban đầu hội tá túc Phòng bệnh Bình An (TP Rạch Giá) với nhiều túng thiếu khó khăn.

Những lúc đó ông xuôi ngược tìm mọi cách để gõ cửa người có lòng hảo tâm. Đi đâu người ta cũng thấy ông Bảy tay cầm thư ngỏ mời gọi những tấm lòng vàng.

Ông đề xuất thành lập trang web nhịp cầu nhân ái, rồi xây dựng phòng tuyên truyền báo chí, tổ chức hàng loạt sự kiện gây quĩ cho người nghèo. Rất nhiều công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cả những người nghèo bán xôi, bán vé số cũng hưởng ứng lời kêu gọi của ông Bảy.

Đến tháng 6-2008, nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đã ủng hộ hội hơn 70 tỉ đồng tiền và hiện vật. Hội đã mang lại niềm vui và hạnh phúc cho hàng nghìn gia đình.

Mổ đục thủy tinh thể đem lại ánh sáng cho hơn 11.476 người nghèo mù ở Kiên Giang và hơn 1.000 người mù ở Campuchia; phẫu thuật cho hơn 1.000 phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo, u xơ tử cung, u nang buồng trứng; phẫu thuật cứu sống hơn 150 trẻ em gia đình nghèo bị bệnh tim bẩm sinh; trao tặng hơn 1.300 xe lăn, xe lắc cho người tàn tật; hàng chục tỉ đồng xây nhà, cầu, trường học, giếng nước nơi khó khăn...

Ông Bảy cho biết bộ trưởng Bộ Y tế sẽ chọn và nhân rộng mô hình hoạt động của Hội BTBNN KG. Ông Bảy hào hứng đưa ra ý tưởng: "Chúng ta sẽ hoàn thiện dần để hướng đến một thương hiệu: Làm từ thiện chất lượng".

Chính vì vậy, ông đồng ý ngay khi có nhiều ý kiến đề nghị phải nâng giá trị căn nhà tình thương từ 15 triệu đồng lên 16,2 triệu đồng. Vật giá leo thang, nếu không thay đổi nhà dân sẽ không đạt chất lượng. Dù có tăng giá nhưng ông vẫn nói rằng phải thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra: hội sẽ làm cầu nối để các nhà tài trợ hỗ trợ xây dựng 3.000 căn nhà cho người nghèo đến năm 2010. Trước khó khăn, ông Bảy vẫn tỏ ra lạc quan mặc dù sau đó là cả một chuỗi vấn đề cần phải giải quyết.

Lời thề độc

"Lắm lúc cũng buồn, vừa mở lời xin tiền đã bị từ chối, có người dè bỉu trốn chạy, người thì thoái thác. Có lẽ họ chưa hiểu và chia sẻ được. Nhưng vì người nghèo, vì những mảnh đời rơi xuống đáy cùng khổ... Nghĩ đến bà con, tôi thấy mình như người trong cùng cảnh ngộ, nên gạt qua mặc cảm và phải tìm cách khác hiệu quả hơn...", ông Bảy tâm sự. Không bao giờ bỏ cuộc trước cái khó, khiến ông Bảy đến gõ cửa bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh để bàn thảo chủ trương kết hợp phát triển kinh tế gắn với chia sẻ lợi nhuận cho người nghèo.

Làm sao để các nhà tài trợ, mạnh thường quân tin tưởng và mở lòng bỏ tiền của ra hỗ trợ người nghèo? Ông Bảy không giấu giếm bí quyết: "Phải minh bạch và chuyên nghiệp. Minh bạch nghĩa là người ta cho cái gì, cho ai phải được thực hiện rõ ràng và công khai ngay. Ban chấp hành chúng tôi đều phải thề độc, thề không được tham lam làm bậy. Cái đó là số 1 khi vào hội. Ai vi phạm sẽ bị đào thải".

Còn chuyên nghiệp hóa? Ông Bảy nói: "Làm từ thiện cũng cần có chuyên nghiệp mới hiệu quả cao. Làm nề nếp, bài bản, nhanh lẹ, không thể ù ù cạc cạc dễ nản lòng nhà tài trợ. Tất cả, ai cho cái gì đều được tiếp nhận, quản lý theo chương trình mục tiêu và quản lý theo nguyện vọng của nhà tài trợ. Ở đó có chương trình, định mức và kiểm toán thường xuyên công khai. Thậm chí phải tự kiểm tra công khai hằng tuần với nhau như một việc làm bắt buộc".

Ông Bảy cũng nói: "Muốn nhận thì phải biết cho. Qua nhịp cầu nhân ái, chúng tôi đã cho các nhà tài trợ, các doanh nghiệp những gì trong khả năng mình có thể. Đó là những thông tin tiềm năng kinh tế để họ có thể đầu tư kinh doanh sản xuất hay khai thác dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Cái gì có lợi cho doanh nghiệp, cho người dân chúng tôi sẵn sàng làm cầu nối". Nhu cầu thông tin bình đẳng đến các doanh nghiệp rất cần và từ hiệu quả đầu tư trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ chia sẻ khó khăn chung của tỉnh, chia sẻ với người nghèo mà Hội BTBNN KG là người đại diện tiếp nhận. "Rõ ràng thông qua cầu nối này, vấn đề lớn hơn là tạo lòng tin, tạo sự đoàn kết của cộng đồng", ông Bảy nói.

QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên