Sinh nhật dành gửi “Tháng 3 biên giới”Tháng 3 biên giới: Bệnh viện chung tayXem tất cả
Phóng to |
Anh hùng Hoàng Văn Liên với công việc ngày thường bên vườn rau của gia đình - Ảnh: Hoàng Điệp |
Gương mặt hiền lành, chất phác, mái tóc đã bạc quá nửa, ông Liên anh hùng tỉ mẩn tỉa từng lá rau bắp cải già trong lúc chờ khách. Ngoài công việc của một công an hỗ trợ tư pháp thuộc Công an huyện Bình Gia thì chăn nuôi đàn heo, trồng rau và nấu rượu là việc ông thường xuyên làm trong hàng trăm việc không tên khác của người cột trụ gia đình.
“Mảnh vườn này người ta cho mượn để trồng rau, lợn ăn lá già, người ăn lá non. Nhà có bốn người, chỉ mình tôi có lương, lại chẳng có ruộng nên cả nhà phải tăng gia sản xuất, trung bình mỗi năm tôi xuất khoảng 2 tấn lợn thịt, lời lãi chẳng bao nhiêu, như năm ngoái lợn rẻ quá, nuôi chỉ có lỗ”. Ông Liên chia sẻ câu chuyện về đời sống của một vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược biên giới phía Bắc như thế.
Chết đi sống lại trong pháo đài
Chiến tích của anh hùng Ông Hoàng Văn Liên nhập ngũ năm 1978 và tham gia chiến đấu tại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979 tại cửa khẩu Đồng Đăng. Với thành tích diệt 34 tên địch, bắn cháy một ôtô chở vũ khí của Trung Quốc và kiên cường giữ vững lãnh thổ, ông Hoàng Văn Liên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 8-1980. |
Nhập ngũ năm 1978, sau mấy tháng huấn luyện ông Liên về đội cảnh sát cơ động Công an tỉnh Lạng Sơn làm việc tại khu vực cửa khẩu Đồng Đăng, công việc là cùng một đồng đội khác là đi tuần hằng đêm. Ngày 17-2-1979, sau ca tuần đêm, chừng 3, 4 giờ sáng ông Liên cùng đồng đội nghe tiếng súng nổ rồi phía biên giới sáng rực.
“Quân Trung Quốc tràn sang đông lắm, sau tiếng súng nổ là tiếng người la hét, lính Trung Quốc áp sát biên giới và lần lượt tấn công các đồi, các cao điểm của mình” - ông Liên kể.
Sau ngày đầu chống trả quyết liệt, đơn vị cảnh sát cơ động của ông Hoàng Văn Liên chạy lên bảo vệ pháo đài Đồng Đăng. “Lúc ấy bộ đội, biên phòng, công an và cả dân nữa khoảng 30 người. Pháo đài có ba cửa thì một cửa đã bị lấp từ trước, còn hai cửa bị quân Trung Quốc chiếm giữ” - ông Liên nhớ lại.
Bị nhốt trong pháo đài ba ngày, tối tăm, mọi người chia nhau ăn gạo sống. Điều khiến ông Liên đau đớn và ám ảnh nhất là hình ảnh anh Hoàng Văn Trai (tiểu đội trưởng, dân tộc Nùng ở Tam Lung, Lạng Sơn) bị pháo cưa mất cả hai chân trước khi rút được vào trong pháo đài.
“Không có thuốc, không có bác sĩ, mất nhiều máu nên anh Trai cứ lịm đi... Ba ngày trong hầm, lựu đạn, mìn của giặc ném vào pháo đài khiến chúng tôi cũng ngất lên ngất xuống. Mỗi lần tỉnh dậy lại thấy có vài người chết. Trước khi chúng tôi đào được lối nhỏ để tìm về với đơn vị, anh Trai cùng hơn 20 người nữa đã hi sinh”, giọng ông Liên như nghẹn lại.
Ông Liên cho biết bản thân ông cũng thường xuyên bị đau đầu do sức ép của bom mìn lúc ấy nên nhiều năm sau ông mới dám nghĩ đến chuyện lấy vợ.
“Mình còn may mắn hơn nhiều người...”
Bước ra khỏi cuộc chiến tranh và may mắn sống sót, ông Liên trở về, được đơn vị tiếp tục cho học bổ túc văn hóa và học trung cấp cảnh sát, rồi đại học hệ tại chức tại địa phương. “Nhà mình ở bản xa nên cố gắng lắm năm 2000 mới mua được chiếc xe Minsk để đi học. Vì đi học nên lương thấp, những lúc rảnh ra đường chạy xe ôm. Có xe Minsk hồi đó là oách lắm đấy” - người anh hùng nói.
Hoàn thành việc học, vợ chồng ông Liên vẫn còn ở trong một căn nhà thuê chỉ rộng chừng 20m2 cùng hai con. “Ai đến cũng hỏi anh hùng mà ở trong căn nhà bé xíu như thế này à? Hoặc họ hỏi nhà có hai thằng con trai mà không có một mảnh đất cắm dùi sao?” - ông Liên kể, sau đó ông bàn với vợ vay mượn, gom góp để mua miếng đất xây nhà. Năm 2003 vợ chồng ông bắt đầu thuê người đào móng nhưng đến giờ ngôi nhà vẫn chưa hoàn thiện. Cái cầu thang vẫn chưa ốp được gạch, cửa phòng ngủ cũng chưa làm được mà chỉ che lại bằng riđô...
Bữa cơm tối đãi khách xa, bà Hoàng Thị Nguyệt, vợ ông Liên, hạ một xâu thịt heo treo trên gác bếp vẫn chưa kịp bắt màu bồ hóng để đãi khách. “Là lợn nhà nuôi, nhà mổ ăn tết còn dư nên treo gác bếp khi nào có khách thì ăn dần. Thịt này cũng để dành cho ngày tết của người Tày (nhằm ngày 30 tháng giêng và ngày tết hàn thực 3-3 âm lịch)” - bà Nguyệt nói.
Bánh chưng đen của người Tày cũng tự tay bà gói được mang ra xắt miếng đặt trong đĩa sứ. “Mình lấy vợ muộn nên con còn nhỏ, lại cứ cố làm nhà, giờ thì bệnh tật nhiều quá tiền lương chỉ đủ thuốc men hằng tháng và trả nợ ngân hàng. Nhưng mình còn may mắn hơn nhiều người khác bởi còn sống, còn có việc làm và ở đây ai cũng biết mình là ông Liên anh hùng” - vừa nhẩn nha hớp từng ngụm rượu nhỏ ấm nóng do tự tay mình cất, người anh hùng bắn hạ một ôtô chở vũ khí và 34 tên giặc ngày nào vừa thủng thẳng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận