10/10/2010 07:00 GMT+7

Ngược dòng lịch sử

HÀ HƯƠNG thực hiện
HÀ HƯƠNG thực hiện

TT - 1.000 năm lịch sử, bao chứa trong đó cả những thăng trầm và dâu bể sẽ được diễn tả trong chương trình nghệ thuật kéo dài 70 phút: Thăng Long - Hà Nội: thành phố rồng bay.

BccgDcMQ.jpgPhóng to
Hình ảnh tổng duyệt trước đêm hội 10-10 diễn ra tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình - Ảnh: Nga Nguyễn

Nhạc sĩ Trọng Đài - tổng đạo diễn chương trình - chia sẻ: đối với những người làm chương trình, có hai từ khóa quan trọng nhất là lịch sử và văn hóa. Dù vậy, bên cạnh những câu chuyện lịch sử vẫn có không gian cho những truyền thuyết và huyền thoại.

Khát vọng ngàn năm

* Chỉ có 70 phút để tái hiện lịch sử 1.000 năm của Thăng Long - Hà Nội, chương trình sẽ có những điểm nhấn nào, thưa ông?

- Chương trình có ba chương, sẽ bắt đầu bằng một lễ hội dân gian thời Lý. Hoạt cảnh đó đưa người xem trở về với không gian trước khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Chúng tôi cố gắng tái hiện một không gian cách đây 1.000 năm với các công trình kiến trúc, thêm tiếng lá rơi xào xạc, tiếng gió, tiếng huyên náo của lễ hội. Trong chương trình này, phân đoạn tuyên Chiếu dời đô là phần đặc sắc, được đầu tư kỹ lưỡng nhất.

Chương hai bắt đầu từ thời nhà Trần và kết thúc vào năm 1930, tái hiện lịch sử văn hiến lâu đời của Thăng Long - Hà Nội. Dấu ấn của chương này là tái hiện một phần lịch sử với bài Bạch Đằng giang phú, chất thiền thời Trần và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi thời Lê... Tiêu chí của chúng tôi là không nhất thiết phải lấy cái tinh hoa nhất mà chọn những yếu tố phù hợp với mạch đập của ý tưởng chương trình.

Chương ba có chủ đề thời đại Hồ Chí Minh tái hiện các sự kiện lớn: Chủ tịch Hồ Chí minh đọc Tuyên ngôn độc lập, Hà Nội trong kháng chiến, giải phóng thủ đô, thống nhất đất nước 1975 và Hà Nội hiện đại - thân thiện - hòa bình.

Lịch sử của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội quá phong phú, mỗi triều đại đều để lại những dấu ấn riêng, cho nên lựa chọn các điểm nhấn là một việc vô cùng khó khăn. Trong mạch đập của 1.000 năm đó, lịch sử thấm đẫm trong văn chương, triết học, mỹ thuật... Ý tưởng của nhà văn Nguyễn Khắc Phục gợi mở cho chúng tôi rất nhiều. Riêng tên gọi Thăng Long - Hà Nội: thành phố rồng bay đã bao hàm khát vọng bay lên.

TLY32apO.jpgPhóng to
Nhạc sĩ Trọng Đài - Ảnh: N.Đ.Toán

7.000 diễn viên cho đêm bế mạc

* Với một chương trình đậm đặc chất lịch sử và văn hóa như vậy, liệu những màn trình diễn tập thể có chuyển tải hết ý tưởng không, thưa ông?

- Khoảng 7.000 nghệ sĩ, diễn viên... đã kiên trì tập luyện suốt bốn tháng qua. Tôi nghĩ, đánh giá như thế nào là ở phía người xem nhưng êkip thực hiện chương trình đã cố gắng hết mức để khái quát hóa chặng đường 1.000 năm của thủ đô. Công việc chính của chúng tôi không phải là kể lại một câu chuyện lịch sử như trong sách vở, đó là công việc của các nhà sử học. Bằng ngôn ngữ của đồng diễn, chúng tôi chuyển tải đến người xem cái không khí của thời đại, tinh thần của những tư tưởng mà cha ông truyền lại cho thế hệ mai sau.

Không giống với đồng diễn trong Sea Games hay Indoor Games..., đây là một chương trình nghệ thuật dựng lại lịch sử 1.000 năm của Thăng Long. Bởi vậy, chúng tôi hết sức cẩn trọng trong từng chi tiết. Tuy nhiên, cũng không phải vì cẩn trọng quá mà làm mất tính ngẫu hứng. Làm thế nào để ra được chất văn hóa lâu đời, lịch sử oai hùng của Thăng Long - Hà Nội. Bởi vậy, ngoài việc sử dụng dàn đồng diễn, chúng tôi kết hợp rất nhiều yếu tố và phương tiện khác để làm nổi bật chủ đề của chương trình.

* Nói như vậy, chương trình sẽ không chỉ dựa trên những cứ liệu lịch sử được ghi chép?

- Đương nhiên là vậy, ngoài những câu chuyện lịch sử có thật, chúng tôi còn pha lẫn trong đó những truyền thuyết, huyền thoại. Ngay từ kịch bản, tạo hình, tiết tấu... của chương trình cũng mang chất sử thi rõ nét.

Hào khí lịch sử trong thời đại nghe nhìn

* Một trong những sáng tạo của đêm diễn 10-10 là sự kết hợp đa phương tiện: âm thanh, ánh sáng, hình chiếu với các hoạt cảnh lịch sử, kịch hình thể, múa đương đại... Liệu màn trình diễn đó có bị rơi vào tình thế quá phô trương kỹ thuật và làm lu mờ các yếu tố văn hóa lịch sử?

- Không phải đến bây giờ mới dùng đến các yếu tố trình chiếu ánh sáng, đèn Led, chiếu video art... Nhưng trong chương trình này, chúng tôi chọn lọc kỹ lưỡng và sử dụng có chiều sâu hơn. Dù sao đi nữa, chúng ta đang sống trong thời đại nghe nhìn, mỗi hình ảnh phải gây ấn tượng đến người xem.

Lung linh phải ra lung linh, sâu lắng phải ra sâu lắng, hào hùng phải ra hào hùng..., có nghĩa là nó phải trực tiếp và nhanh chóng khơi dậy cảm xúc của người xem. Ví dụ như sau hoạt cảnh Lý Công Uẩn tuyên Chiếu dời đô có một con rồng bay lên. Để làm được hoạt cảnh này chúng tôi phải sử dụng kết hợp màn hình nước, trình chiếu ánh sáng và pháo hoa bên trên...

* Ông từng nói dù tái hiện một dòng chảy lịch sử suốt 1.000 năm với bề dày văn hóa, sử dụng rất nhiều hình ảnh các vĩ nhân nhưng sẽ không có một nhân vật nào xuất hiện trên sân khấu. Vậy lịch sử sẽ được tái hiện như thế nào?

- Sẽ không có Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt hay Nguyễn Trãi... xuất hiện trực tiếp trên sân khấu. Đó cũng là một cách để tránh sân khấu hóa. Dù các vĩ nhân không xuất hiện nhưng hùng khí của thời đại đó, tinh thần của họ vẫn được thể hiện một cách rõ nét nhất.

Trong mỗi phân cảnh về một thời kỳ lịch sử, chúng tôi có thể trình chiếu các hình ảnh hoặc tượng của nhân vật trên màn hình lớn. Con người, cốt cách của các vĩ nhân còn được thể hiện thông qua những tác phẩm của họ.

Chúng tôi cũng đã chọn những đoạn tiêu biểu của các “thiên cổ hùng văn” như Chiếu dời đô, Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo, Tuyên ngôn độc lập..., những đoạn này sẽ được thể hiện thông qua giọng đọc của NSƯT Phan Muôn. Không cần phải có một nhân vật mặc phục trang thời Lý diễn cảnh đang ban chiếu mới làm người ta hình dung được về Lý Công Uẩn.

HÀ HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên