17/11/2012 07:23 GMT+7

Ngưng nhiều kênh truyền hình nước ngoài?

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TT - Sắp tới đây, một số kênh truyền hình nước ngoài sẽ phải “vắng bóng” trên hệ thống truyền hình trả tiền ở Việt Nam.

Lý do: những kênh này chưa có giấy phép biên tập, biên dịch sang tiếng Việt theo quyết định ban hành ngày 24-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Ij6tOskI.jpg
Nhiều kênh nước ngoài khá quen thuộc với người xem VN có khả năng sẽ ngưng phát sóng. Trong ảnh: một gia đình đang xem chương trình truyền hình trên kênh Star World - Ảnh: T.T.D.

Đó cũng là nội dung được các đại biểu thảo luận nhiều nhất trong hội thảo “Quản lý nhà nước về truyền hình trả tiền” vừa diễn ra sáng 16-11 tại TP.HCM.

Theo thống kê mà ông Lưu Vũ Hải - cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - đưa ra trong hội thảo, hiện tại VN có đến 4,4 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền. Trong đó, các kênh phát sóng bao gồm: 62 kênh trong nước sản xuất và 75 kênh nước ngoài.

Sẽ có sự thay đổi lớn

Giảm kênh nước ngoài phải phát triển các kênh Việt

Bên lề hội thảo, bà Bích Hạnh, Công ty BHD, cho biết việc giảm kênh nước ngoài phải đi cùng việc tăng chất lượng của kênh Việt thì mới hợp lý. Bà nhấn mạnh: “Các kênh nước ngoài có đến hai nguồn thu: từ quảng cáo trong khi phát sóng và từ công ty cung cấp dịch vụ. Còn các kênh VN chỉ thu từ quảng cáo (nhưng không cạnh tranh được với các kênh lớn như HTV và VTV...) và phải trả một khoản tiền cho nhà cung cấp dịch vụ. Vì thế giảm kênh nước ngoài phải đi cùng với chính sách khuyến khích phát triển các kênh Việt. Hiện tại kênh VN chưa thể cạnh tranh được với các kênh nước ngoài”.

Việc biên tập, biên dịch các kênh truyền hình nước ngoài là điều cần thiết vì nhiều kênh nội dung bị trùng lắp, không phù hợp văn hóa người Việt Nam. Nhưng sau một năm triển khai quyết định 20 cho đến ngày 9-11, mới chỉ có 16 kênh nước ngoài đã được cấp giấy phép biên tập, chủ yếu tập trung vào các kênh giải trí, thể thao và thiếu nhi (cụ thể là Discovery, Cartoon Network, Animal Planet, HBO, ESPN, Disney channel, Star Sports, Kidsco, Fashion TV, Disney Junior, Star Movies, National Geographic Channel, TV5 Monde Asie, Autralia Network, DW, KBS World).

Trong số 59 kênh chưa được cấp giấy phép biên tập có khả năng sẽ ngưng phát sóng trên hệ thống truyền hình trả tiền, có một số kênh được khán giả yêu thích như Star World (kênh tổng hợp), Channel V (ca nhạc), CNBC (thông tin kinh tế thế giới), CNN, BBC (tin tức)...

Mang đến hội thảo chút băn khoăn, một đại diện đài truyền hình VN cho biết một số kênh tin tức mang yếu tố đối ngoại như OPT (Nga) và NHK (Nhật Bản) đã tỏ ra lo lắng. Cụ thể như người đại diện kênh NHK cho rằng quy chế yêu cầu phải biên tập, biên dịch toàn bộ phần tin tức là không khả thi về nghiệp vụ, và nếu có làm được thì tốn quá nhiều chi phí. Khả năng NHK không được tiếp tục phát sóng trong hệ thống cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền của VN sau ngày 15-11 là lớn.

Một đại biểu giấu tên cũng bày tỏ lo ngại: “Hiện tại bản quyền các kênh nước ngoài đã ký nên không có xáo trộn lớn. Chỉ sợ rằng đến hợp đồng lần sau, bản quyền sẽ tăng lên vì các kênh này phải tăng chi phí biên tập, biên dịch. Chắc chắn lại có sự thay đổi lớn”.

Cần tính toán để khán giả không thiệt thòi

Việc biên tập, biên dịch nội dung các kênh nước ngoài sẽ khiến thời gian lên sóng của các chương trình chậm hơn so với thực tế. Với các kênh tin thời sự như CNN, BBC... sẽ xảy ra tình trạng tin “nóng” thành “nguội”, còn với những kênh giải trí thì độ hấp dẫn không còn nhiều.

Bà Nguyên Hạnh (Công ty Q.net) đưa ra trường hợp của kênh AXN như một ví dụ về sự thành công: “AXN phát sóng rất nhanh các chương trình. Ví dụ như cuộc thi The Voice (ở nước ngoài) kênh này dường như phát song song với cuộc thi. Chính yếu tố thông tin nhanh giúp kênh này được nhiều người xem dù AXN quảng cáo nhiều”.

Bà Hạnh cho thêm ví dụ về trường hợp phim nhựa: “Sau khi ra rạp khoảng ba tháng, một bộ phim nhựa sẽ được lên sóng kênh truyền hình trả tiền lớn. Các kênh này khai thác gần một năm. Khoảng 20-24 tháng sau những bộ phim này mới đến với các kênh của các nước khác. Và như vậy VN sẽ mua phim này chậm hơn các kênh nước ngoài. Vì thế, trong khi cân đối kênh nước ngoài, chúng ta cần tính toán đừng để người dân thiệt thòi khi phải xem các phim hay chương trình hấp dẫn sau các nước khác”.

Nếu căn cứ theo văn bản của Bộ Thông tin - truyền thông về việc cấp phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên truyền hình trả tiền tại VN thì sau ngày 15-11, các kênh chương trình nước ngoài không có giấy phép biên tập sẽ phải ngừng cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền tại VN.

Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Đỗ Quý Doãn - thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông: “Trong quá trình thực hiện xuất hiện một số khó khăn chưa đi đến thống nhất. Một số kênh thuần về tin tức như CNN, NHK không muốn thông tin của họ bị can thiệp. Sau khi xem xét bàn bạc với đại diện các kênh này, chúng tôi thấy sự việc đã vượt quá tầm của bộ nên đã trình lên phó thủ tướng. Quan điểm chung của bộ vẫn thực hiện quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ nhưng cần có thời gian chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu khán giả và mối quan hệ, giao lưu với các nước”.

Giảm kênh có giảm phí thuê bao?

Chị Phạm Giang, Q.7, TP.HCM: “Khi biết thông tin có khả năng sẽ giảm từ 76 kênh nước ngoài xuống còn 16 kênh, tôi cảm thấy khá sốc. Ưu thế truyền hình trả tiền là đa dạng kênh, đáp ứng được nhu cầu giải trí đa dạng của người dân. Nếu chỉ còn vài kênh như vậy, chúng tôi sẽ không có nhiều lựa chọn. Vậy khi kênh nước ngoài giảm, chúng tôi có được giảm phí thuê bao hằng tháng không?”.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên