30/10/2014 10:58 GMT+7

Ngừng hoạt động vẫn đi diễn xiếc lừa phụ huynh

THÂN HOÀNG - ĐỨC HIẾU
THÂN HOÀNG - ĐỨC HIẾU

TT - Đã báo cáo tạm ngừng hoạt động nhưng thực tế DNTN ca nhạc xiếc tạp kỹ Sông Cấm (TP Hải Phòng) vẫn xin giấy phép tổ chức biểu diễn và tổ chức biểu diễn trái quy định.

Những tấm vé được phát tại các trường - Ảnh: Lưu Trang
Những tấm vé được phát tại các trường - Ảnh: Lưu Trang

Doanh nghiệp tư nhân ca nhạc xiếc tạp kỹ Sông Cấm (TP Hải Phòng) đã báo cáo cơ quan thuế xin tạm ngừng hoạt động nhưng thực tế đơn vị này vẫn xin giấy phép tổ chức biểu diễn và tổ chức biểu diễn trái quy định pháp luật.

Theo thông tin từ giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân ca nhạc xiếc tạp kỹ Sông Cấm (gọi tắt là doanh nghiệp Sông Cấm) do Sở Kế hoạch - đấu tư (KH-ĐT) Hải Phòng cấp, trụ sở của doanh nghiệp này ở tại số 5, ngõ 2, đường Phan Đăng Lưu (P.Trần Thành Ngọ, Q.Kiến An, Hải Phòng).

Ngày 29-10, chúng tôi tìm đến địa chỉ này thì thấy đây là một ngôi nhà bốn tầng cửa khóa im lìm. Bên ngoài không có trưng biển hiệu của doanh nghiệp cũng như không có giao dịch.

Bà Trâm, chủ ngôi nhà này, cho biết doanh nghiệp Sông Cấm đến thuê nhà từ khoảng giữa năm 2012 nhưng rất ít lui tới hoạt động. Từ đầu năm nay, doanh nghiệp đã trả lại nhà không thuê nữa và chuyển đi nơi khác.

Mới hoạt động 3 tháng đã tạm dừng

Mất liên lạc

Ông Nguyễn Thành Tâm - chuyên viên phòng nghệ thuật Sở VH-TT&DL TP.HCM - cho biết từ ngày 28-10, khi nhận được phản ánh từ báo Tuổi Trẻ, ông đã nhiều lần liên lạc với doanh nghiệp Sông Cấm nhưng điện thoại luôn trong tình trạng ngoài vùng phủ sóng.

Ông cho biết sở sẽ cố gắng liên lạc và đề nghị đơn vị này đến để làm rõ những vấn đề mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh.

LINH ĐOAN

Hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh từ Sở KH-ĐT Hải Phòng cho thấy doanh nghiệp Sông Cấm bắt đầu hoạt động từ tháng 5-2012.

Tuy nhiên, chưa đầy ba tháng sau đơn vị này đã xin dừng hoạt động vì không đủ điều kiện tiếp tục kinh doanh. Ông Trần Minh Tuấn, đội trưởng đội kiểm tra Chi cục Thuế quận Kiến An, cho biết:

“Theo hồ sơ, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với ngành nghề là biểu diễn xiếc, ca nhạc, tạp kỹ, thành viên hầu hết là trẻ em tàn tật, trẻ em mồ côi. Tuy nhiên, đến ngày 3-8-2012, doanh nghiệp có văn bản gửi chi cục thuế xin tạm ngừng hoạt động kinh doanh đến ngày 1-1-2015 vì lý do khó khăn, sức khỏe các diễn viên trong đoàn không ổn định nên chưa biểu diễn được và không đủ điều kiện hoạt động tiếp”.

Cũng theo ông Tuấn, doanh nghiệp báo ngừng hoạt động nên chi cục thuế không thể nắm được, kể cả việc chuyển đổi chỗ thuê cũng là tự ý vì không qua khai báo, còn hoạt động biểu diễn lại nằm ngoài địa bàn Hải Phòng nên càng khó biết.

Theo Luật quản lý thuế, doanh nghiệp phải tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm, nếu đã xin ngừng hoạt động mà vẫn đi diễn là sai quy định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, ông Trương Minh Tác, giám đốc doanh nghiệp Sông Cấm, cũng thừa nhận đã xin tạm dừng hoạt động từ tháng 8-2012.

Theo ông Tác, địa chỉ doanh nghiệp đăng ký tại quận Kiến An chỉ để làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Sau đó do đoàn thường đi biểu diễn xa, không có giao dịch gì nên đã trả lại nhà cho chủ.

Cấp phép biểu diễn vì không nhận được thông báo

Ngày 29-10, xác nhận với Tuổi Trẻ, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) Hải Phòng cho biết có cấp giấy phép biểu diễn cho doanh nghiệp Sông Cấm từ ngày 13-6 đến 31-12-2014.

Theo nội dung cấp phép, đơn vị này được tổ chức biểu diễn các tiết mục ảo thuật, hài, xiếc thú (khỉ, trăn, cá sấu)...

Tuy nhiên Sở VH-TT&DL Hải Phòng khẳng định không hề cấp phép cho biểu diễn những tiết mục có tên gọi phản cảm giống nội dung quảng cáo của doanh nghiệp như “Cá sấu khổng lồ từng giết chết năm đời chồng”.

Theo Sở VH-TT&DL Hải Phòng, nội dung quảng cáo sẽ do Sở VH-TT&DL tại nơi tổ chức biểu diễn duyệt, cấp phép, chương trình biểu diễn do thanh tra Sở VH-TT&DL nơi sở tại giám sát.

Trong vụ việc này, doanh nghiệp đã có nội dung quảng cáo phản cảm, nếu do doanh nghiệp tự ý làm mà không xin phép thì phải chịu xử phạt của cơ quan chức năng nơi tổ chức biểu diễn.

Về việc doanh nghiệp phát vé mời miễn phí cho học sinh nhưng khi biểu diễn lại thu tiền vé của phụ huynh thì trong giấy phép không quy định, trong luật cũng không cấm phát vé miễn phí.

Tuy nhiên hiện nay nhiều doanh nghiệp dùng “chiêu thức” này, nội dung thông báo lập lờ, không rõ ràng để lừa phụ huynh đưa con đi xem.

Về việc doanh nghiệp đã dừng hoạt động nhưng vẫn xin được giấy phép biểu diễn, phòng nghiệp vụ Sở VH-TT&DL Hải Phòng - đơn vị cấp giấy phép biểu diễn - cho biết do chưa nhận được thông báo nào từ phía doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước.

“Chúng tôi không nhận được thông báo nào từ phía Sở KH-ĐT, Cục Thuế về việc doanh nghiệp này đã có đơn xin dừng hoạt động nên về mặt hồ sơ giấy tờ lưu tại sở thì họ vẫn đủ điều kiện được cấp phép biểu diễn” - đại diện Sở VH-TT&DL Hải Phòng nói.

Lãnh đạo Sở KH-ĐT Hải Phòng cũng cho biết không nhận được thông báo nào từ phía doanh nghiệp hay bên Cục Thuế về việc doanh nghiệp Sông Cấm tạm dừng hoạt động nên không thể thông tin cho Sở VH-TT&DL.

Giải thích thêm về việc này, ông Trần Minh Tuấn cho biết theo quy định, chỉ trong trường hợp doanh nghiệp giải thể thì mới chuyển hồ sơ sang Sở KH-ĐT, còn việc tạm dừng kinh doanh phía doanh nghiệp phải tự thông báo đến Sở KH-ĐT cũng như Sở VH-TT&DL Hải Phòng.

Ông Trương Minh Tác thừa nhận việc lợi dụng Sở VH-TT&DL Hải Phòng không nắm được thông tin nên dù tạm dừng hoạt động mà vẫn xin cấp phép biểu diễn.

“Thực chất thì chúng tôi chỉ biểu diễn thử nghiệm xem có làm ăn được không để sang năm sẽ hoạt động lại” - ông Tác nói.

Cần chấm dứt việc hành hạ thú trong đoàn xiếc

Ngoài những lùm xùm trong hoạt động tổ chức biểu diễn, doanh nghiệp Sông Cấm cũng có những quảng cáo phản cảm về một số trò xiếc thú như “Cá sấu khổng lồ từng giết chết năm đời chồng”, “Cuộc chiến giữa người và thú”...

Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng về xiếc thú, đặc biệt là việc huấn luyện thú để có thể thực hiện được những trò mua vui cho con người, nhất là trẻ em. Tuổi Trẻ trích đăng ý kiến của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam - về vấn đề này.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết: "Trong bộ môn xiếc có một số môn biểu diễn sử dụng thú hoang dã như voi, sư tử, khỉ, gấu.

Việc dùng thú biểu diễn xiếc mang lại giá trị về kinh tế cũng như giải trí cho xã hội, nhưng việc huấn luyện để biến những con thú từ đời sống tự nhiên thành thuần thục bằng những hành vi hành hạ thú quá sức và tàn nhẫn thì không nên.

Lâu nay người ta dùng việc đánh đập, trói buộc, bỏ đói... để thú làm theo ý muốn của con người, đây là ngược đãi thú và nên chấm dứt việc này.

Con người muốn sống tự do, thoải mái, được sống trong môi trường tốt thì con vật cũng muốn được sống tự do trong môi trường của nó, được hưởng quyền của động vật, vậy tại sao con người lại xâm phạm quyền đó của con vật?

Phát triển văn hóa cộng đồng, giải trí, kinh tế là cần thiết nhưng phải tìm cách huấn luyện khác.

Động vật có tập tính hoạt động, có cách thích nghi với cuộc sống của nó, người huấn luyện thú phải hiểu biết về tâm lý, sinh lý, sinh thái của mỗi loài vật như gấu thích leo trèo để kiếm ăn, hổ, voi, khỉ cũng có những tập tính riêng để có cách huấn luyện bằng tâm lý mà không cần đánh đập thú.

Người huấn luyện tôn trọng, quan tâm, yêu thương và biết chiều thú thì thú sẽ đáp đền lại. Người ta huấn luyện chim biết nói, biết chào hay cá heo biết chơi bóng mà đâu cần phải đánh đập".

H.NHUNG

THÂN HOÀNG - ĐỨC HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên