TT - Theo dõi trận đấu giữa Barcelona và Manchester United (M.U), tôi tình cờ nhìn thấy màn hình khi hiện tên viết tắt của hai đội đọc thành chữ BARMAN, ở Anh nghĩa là người pha rượu và phục vụ rượu ở quầy bar (ở Mỹ dùng chữ bartender). Trận chung kết trên sân Wembley cũng như một món rượu phục vụ người hâm mộ bóng đá.
Ông Ferguson - HLV giỏi nhất nhưng cũng “mồm loa mép giải” nhất Giải ngoại hạng Anh, lúc nào cũng tìm cách phàn nàn trọng tài thiên vị đối phương hoặc các học trò của ông bị chơi xấu - cũng phải nói: “Chúng tôi đã thua đội bóng hay nhất mà tôi từng là đối thủ trong sự nghiệp dài của mình”.
Là một CĐV trung lập không cổ vũ ai trong trận này mà chỉ xem để thưởng thức một trận đấu hay, tôi cũng nhận thấy Barca xứng đáng giành ngôi vô địch, ngoại trừ khoảng 20 phút cuối cùng khi đội bóng xứ Catalan đã dẫn trước 3-1. Barcelona vốn nổi tiếng với lối chơi đẹp lại tìm cách câu giờ: rề rà trong việc phát bóng lên từ cầu môn, lăn lộn ăn vạ trên sân sau cú vào bóng nguy hiểm của... chính mình, hoặc khi thay người vào phút đá bù giờ cũng cố ý lâu lắc.
Trọng tài bắt chính trận đấu này, ông Viktor Kassai, là một người dày dạn kinh nghiệm trận mạc, từng thổi còi trận đầu tiên năm 17 tuổi ở giải hạng tư Hungary. Ông cũng là trọng tài trận bán kết World Cup mùa hè qua giữa Đức và Tây Ban Nha. Tuy nhiên tại Wembley ông lại tỏ ra không nhất quán, khi tiền vệ Valencia của M.U liên tục phạm lỗi nhưng chỉ bị nhắc nhở, mãi đến lỗi lần thứ tư, thứ năm khi gần hết trận mới bị thẻ vàng, trong khi hậu vệ Alves của Barcelona phạm lỗi tương tự đã bị trọng tài phạt ngay lần đầu tiên. Đến nỗi bình luận viên Đài BBC (Anh) cũng phải lên tiếng chê ông Kassai ở những tình huống Valencia phạm lỗi.
Tiếng còi kết thúc trận chung kết trong mơ trùng với pha phát bóng lên từ cầu môn của Van Der Sar, cũng là lần chạm bóng cuối cùng trong sự nghiệp bóng đá của thủ môn Hà Lan và M.U. Cú phát bóng đó bắt nguồn từ đường đưa bóng về từ cánh trái của trung vệ đội trưởng Vidic cho Van Der Sar, không biết có phải Vidic cố ý để đồng đội chạm bóng lần cuối như một lời chia tay hay không, nhưng xem ra điều này mang rất nhiều ý nghĩa và làm cả những ai vốn không mặn mà với M.U ắt hẳn cũng thấy hơi cảm động.
Lần đi Tây Ban Nha đầu tiên hè 2005, tôi đã mê mệt món rượu sangria địa phương, gồm vang đỏ pha với nước cam, bạc hà, thêm vài lát chanh, dâu và chuối, ướp lạnh ngon tuyệt trần, đến nỗi chịu khó mang về Anh mấy chai pha sẵn. Trận chung kết hôm qua của người pha rượu BARMAN khiến liên tưởng đến bình sangria làm các tín đồ môn thể thao vua ngà say trước khi bước vào mùa hè không bóng đá.
GIÁNG UYÊN (London)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận