Hạt của quả cây ngô đồng không ăn được vì có nguy cơ gây ngộ độc - Ảnh: DOÃN HÒA |
Bộ Y tế vừa có công văn khuyến cáo các cơ sở giáo dục tăng cường truyền thông các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc với các loại cây có độc tố tự nhiên.
“Thấy bạn khen ngon nên ăn theo”
Hơn 20h tối 21-4, thầy Phạm Mạnh Hùng, hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú - THCS Quỳ Châu, Nghệ An, nhận được cuộc điện thoại của giáo viên phòng trực giáo vụ báo tin “sau giờ ăn tối một số học sinh ở nội trú đến xin thuốc uống do các em có triệu chứng buồn nôn, đau bụng, đi ngoài... chưa rõ lý do”.
"Đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở nội trú 24/24 giờ tại trường. Khi chúng tôi tìm hiểu mới biết các em cùng ăn hạt của quả cây ngô đồng vào buổi chiều sau giờ tan học" - thầy Hùng kể.
Tổng cộng có 37 em học sinh ở khối lớp 6, 7 của Trường phổ thông Dân tộc nội trú - THCS Quỳ Châu đều có triệu chứng bị ngộ độc được các thầy cô nhanh chóng đưa đến Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu cấp cứu ngay trong đêm. Hiện các em đã ổn định, trở lại lớp học.
Em Lữ Thị Ý, học sinh lớp 6A3, kể lại sau giờ tan học Ý thấy một số bạn nam trong lớp nhặt quả cây ngô đồng chín rụng ở trong sân trường rồi đập vỡ, lấy hạt bên trong để ăn. Có em ăn một hạt, có em chỉ ăn nửa hạt.
“Vì đói bụng, thấy các bạn ăn trước khen ngon, bùi như hạt lạc nên em cũng ăn theo chứ không nghĩ đây là hạt cây có độc”, Ý thật thà nói.
Trước đó, chiều 20-4 trong giờ ra chơi, một nhóm học sinh khối 2 Trường tiểu học Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An rủ nhau đập quả cây ngô đồng lấy hạt bên trong để ăn. Thấy vị của loại hạt này thơm, bùi nên nhiều học sinh cùng ăn.
Sau đó, một số giáo viên phát hiện nhiều học sinh có triệu chứng đau bụng, nôn mửa liền đưa các em đến Trạm y tế phường Nghi Hòa cấp cứu. 20 học sinh bị nặng hơn được chuyển đến Trung tâm Y tế thị xã Cửa Lò chữa trị.
Ngày 10-4, cũng có 9 học sinh Trường tiểu học Tân Giang, TP Hà Tĩnh có triệu chứng ngộ độc được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu do đập một số quả cây ngô đồng rụng trong sân trường lấy hạt ăn.
Mặc dù chưa có học sinh nguy kịch đến tính mạng song các vụ ngộ độc tập thể của học sinh liên tiếp này là lời cảnh báo cho các nhà trường về việc trồng cây xanh để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Loại bỏ cây, hoa có độc trong trường học
Qua khảo sát của chúng tôi tại nhiều trường tiểu học, THCS ở các địa phương như huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương, TP Vinh (Nghệ An), hiện đang có nhiều cây ngô đồng được các nhà trường trồng tạo bóng mát bên cạnh các cây xanh khác như cây bàng, xà cừ, xoài... Phần lớn các cây ngô đồng này đều có tuổi đời hơn 10 năm.
Bác sĩ Vi Văn Thắng, phó giám đốc Trung tâm Y tế Quỳ Châu, Nghệ An, cho biết hạt của quả cây ngô đồng có tính dầu, ăn bùi. Tuy nhiên khi ăn hạt này vào làm đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy. Trường hợp nặng bị xuất huyết đường tiêu hóa, thực môn. Hạt này không ăn được.
Phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An Nguyễn Trọng Hoàn cho hay phía sở đã ra công văn chỉ đạo các cơ sở trường học rà soát, loại bỏ ngay, không trồng các loại cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên trường học.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn triển khai các biện pháp phòng ngừa ngộ độc, bảo đảm sức khỏe cho học sinh, trong đó khuyến cáo các loài cây, hoa có chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải như: cây lá ngón, cây cà độc dược, cây trúc đào, cây thông thiên, câu đai vàng, cây bông tai, cây thầu dầu, cây ngô đồng.
Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ bộ phận của cây, hoa, quả có chứa các hợp chất gây độc hoặc nghi ngờ gây độc để ăn uống.
Cảnh giác nhiều loại cây cảnh Ở VN cây ngô đồng còn gọi là cây vạn linh, sen núi, dầu lai có củ. Có hai loại cây ngô đồng là ngô đồng cảnh và ngô đồng thân gỗ. Ngô đồng thân gỗ được người dân và các trường học trồng nhiều nhằm che bóng mát. Loại cây này thân có gai, lá hình tim, hơi ba cạnh, nhựa và hạt cây có chứa chất dầu, có độc. Quả cây này lúc chín có màu nâu sậm, bên trong có nhiều hạt. Theo ông Phạm Thanh Kỳ - nguyên hiệu trưởng ĐH Dược Hà Nội, hiện đang có nhiều loài cây có lá, hoa đẹp, được trồng làm cảnh rất rộng rãi nhưng có thể gây ngộ độc như cây trúc đào, cây thông thiên có hoa đẹp nhưng có thể gây độc. “Cây sừng trâu có quả giống sừng con trâu, lá và quả rất đẹp nhưng cũng có thể gây độc” - ông Kỳ cho biết. Cục An toàn thực phẩm đã đề nghị Bộ GD-ĐT khẩn trương chỉ đạo các cơ sở giáo dục toàn quốc rà soát, loại bỏ ngay các loài cây có nguy cơ gây độc, đồng thời không trồng mới các loài cây này. L.ANH - D.HÒA |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận