20/11/2011 02:12 GMT+7

Ngũ tấu kèn Ma’alot nối ký ức và hiện tại

TUẤN KHANH
TUẤN KHANH

TT - Mở màn cho những buổi dạ tiệc âm nhạc tại TP.HCM, nhóm ngũ tấu Ma’alot của Đức đem lại những cảm giác hết sức mới mẻ về những điều tưởng chừng như muôn đời bị gói gọn trong ý nghĩa kinh điển.

myfnQbh9.jpgPhóng to
Nhóm ngũ tấu - Ảnh: T.Khanh

Thật khó mà diễn tả được những gì nhóm này mang lại tại thính phòng của Nhạc viện TP trong đêm 17-11. Sự phối hợp của những nhạc cụ đơn âm mà khó ai ngờ lại đầy đặn và réo rắt, đẹp như những bức tranh đẹp khiến khán giả phải lặng người. Tiếng oboe lúc thì ngọt ngào lúc thì rộn rã của Christian Wetzel, trưởng ban nhạc, là một trong những điều làm khán giả khó có thể quên.

Cả năm người trong nhóm đều là giảng viên các trường đại học âm nhạc tại Đức.

Nhưng những cuộc lưu diễn của họ được tổ chức như một hoạch định không thể khác được của đời âm nhạc chuyên nghiệp. Hết châu Âu lại đến Mỹ, Nam Mỹ và cả châu Á. Và nếu hình dung họ là một nhóm ngũ tấu trịnh trọng đầy hình thức như thói quen mà nhiều khán giả vẫn nghĩ về âm nhạc cổ điển, thì thật là điều đáng tiếc cho những ai đã không có dịp thưởng thức bữa tiệc của họ.

Trong một thời lượng đủ cho nhiều người phải luyến tiếc, Ma’alot trình bày một chuỗi những bài đầy các phong cách khác nhau, từ Wolfgang A. Mozart (1756-1791) cho đến những tác giả mới và đương đại như Gyôrgy Ligeti (1923-2006), Detlev Glanert (sinh 1960), Astor Piazzolla (1921-1992).

Đặc biệt, khán giả Việt Nam được dịp lắng nghe những bậc kỳ tài rất trẻ của Đức như Detlev Glanert, được đánh giá là một soạn giả độc đáo với vô số tác phẩm cho khí nhạc và opera. Hoặc cũng là lần đầu tiên, người ta được biết và nghe các tác phẩm của Astor Piazzolla, người Argentina, được mệnh danh là ông hoàng của tango, pha trộn giữa classical và jazz.

Biểu diễn với khuynh hướng giới thiệu các tác phẩm mới và chấp nhận nhiều phong cách trong một chương trình biểu diễn của mình, là phong cách độc đáo, khiến Ma’alot trở nên đầy sự khác biệt. Một chương trình biểu diễn của họ thường ngắn gọn và là sợi dây nối dài ký ức âm nhạc đến hiện tại đầy mới lạ và ngẫu hứng.

Buổi biểu diễn trác tuyệt của Ma’alot, cũng như nhiều chương trình âm nhạc sắp tới của Liên hoan âm nhạc châu Âu, là một sự tham khảo hết sức cần thiết cho các môi trường sư phạm và chuyên nghiệp hóa sân khấu cổ điển tại Việt Nam hiện nay.

Bữa tiệc âm nhạc tiếp tục diễn ra đồng thời tại Hà Nội (Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm) và TP.HCM (Nhạc viện TP, 112 Nguyễn Du) đến hết ngày 28-11.

TUẤN KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên