TT - ĐM. Ông bắt như thế là giết chết đội tôi.
- ĐM. Mày nói nữa là ông đuổi luôn ra khỏi sân.
Đây là nguyên văn hai câu cầu thủ Đặng Ngọc Tùng (CLB TP.HCM) tường thuật lại trong đơn khiếu nại của mình gửi Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) xung quanh bản án bị treo giò đến hết giải của mình, sau những va chạm với trọng tài trong trận TP.HCM - Hà Nội tại Giải hạng nhất năm nay (đơn này đã được một tờ báo đăng công khai).
Đối với chúng tôi - những người thường xuyên tác nghiệp trên các sân, cái ngôn ngữ “mày - tao” cùng hàng loạt tiếng chửi thề theo sau nó chẳng phải là điều quá bất ngờ. Nhưng chúng tôi trong nhiều thời điểm đã không thể thuật lại trên mặt báo do đấy đều là “lời nói gió bay”, khó có thể có bằng chứng một khi bị đối tượng của những lời nói đó kiện ngược trở lại.
Nhưng bây giờ khi những câu nói như thế xuất hiện bằng giấy trắng mực đen trong lá đơn của một cầu thủ, khi chính chủ thể phát ngôn đã thừa nhận điều này, những người có trách nhiệm buộc phải nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc, bởi phép tắc nào sẽ được thực thi và công lý nào sẽ được bảo đảm một khi ngôn ngữ giữa trọng tài với cầu thủ lại được định dạng bằng những lời “mày - tao” rất phi văn hóa? Và phải chăng cái ngôn ngữ rất phi văn hóa ấy chính là nguồn cơn sâu xa của hàng loạt vụ tranh cãi liên quan tới vấn đề trọng tài ở V-League và Giải hạng nhất thời gian qua?
Thật kinh hoàng khi trọng tài và cầu thủ bắt đầu những giao tiếp với nhau bằng tiếng chửi thề. Và sẽ kinh hoàng hơn nữa nếu VFF tuyệt nhiên im lặng trước hiện trạng chửi thề được phản ánh bằng giấy trắng mực đen của một người trong cuộc.
PHAN ĐĂNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận