15/05/2004 07:44 GMT+7

Ngôi trường H'Rê trong "ốc đảo"

BẢO TRUNG - DUY THÔNG
BẢO TRUNG - DUY THÔNG

TT - Lọt thỏm giữa ba dãy núi Kdo, núi Chè và núi Dừa chót vót, hiểm trở, ban đầu chỉ có mấy lớp học, thế rồi sau bốn mùa rẫy đã mọc lên một ngôi trường THCS bán trú khang trang của 366 học sinh dân tộc H'Rê.

EftvVHSV.jpgPhóng to

Ở đó, sau giờ lên lớp, cả thầy lẫn trò đều “ba cùng”: cùng tăng gia sản xuất, chăn nuôi, cùng chung một bếp ăn tập thể và cùng chia sẻ từng viên thuốc hiếm hoi...

Nhọc nhằn gieo chữ trên ngàn...

Một ngày mới ở Trường THCS bán trú Đinh Nỉ (xã An Vinh, huyện An Lão, Bình Định) bắt đầu từ lúc gà rừng gáy canh hai. Các chị nuôi lục tục nổi lửa chuẩn bị bữa cơm sáng cho mấy trăm cô cậu học trò. 5 giờ, cả thầy lẫn trò cùng ùa ra sân trường tập thể dục theo nhịp trống gióng giả của cô giáo Hoàng Thị Đông. Bữa sáng, thầy cũng như trò, mỗi người một bát cơm với con cá mặn đủ dằn bụng rồi lên lớp.

Thầy giáo Tạ Thành Long (hiệu phó nhà trường) kể: “Bà con dân tộc H'Rê ở đây còn nghèo khó nhưng rất quí cái chữ, nhà ai cũng động viên con đến trường. Đầu năm học có 370 em, bây giờ gần hết năm, chỉ có bốn em vì lớn tuổi nghỉ học để “bắt chồng”. Tỉ lệ duy trì sĩ số học sinh tại lớp là 98,9%, có thua gì miền xuôi đâu!”. Gọi là bán trú nhưng thật ra đây là trường nội trú.

vQjx1VUq.jpgPhóng to
Hồ cá là nguồn thực phẩm tươi của thầy và trò

Trước khi có Trường THCS bán trú Đinh Nỉ, học trò các xã cố lắm chỉ học đến lớp 5. Muốn học tiếp phải về trường phổ thông dân tộc nội trú huyện. “Nhưng vì chỉ tiêu có chừng, mỗi làng chỉ xét được dăm bảy em - Cô giáo Phan Thị Thúy Phượng, một trong bốn giáo viên có mặt từ ngày đầu tiên thành lập trường, cho biết - Bây giờ học sinh các xã An Vinh, An Dũng học xong tiểu học thì về đây học tiếp cấp II. Khó khăn mọi bề nhưng nhiều học sinh các xã xa đến xin học, trường cũng nhận”.

Bà con mừng lắm. Học tại trường, ăn ở nội trú tại trường, mỗi tuần các em vượt rừng về làng thăm nhà một lần. Có những nhà xa nhất tận làng Goi Non đi bộ gần một buổi đường rừng. Mùa mưa, lũ nguồn dâng cao, nước xiết, các em ở lại hẳn với thầy cô hàng tháng, no đói nuôi nhau.

“Ở đây giáo viên vừa dạy vừa dỗ anh ạ - Cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung kể - Phải dỗ dành các em bởi chúng đã quen với đời sống buôn làng, nương rẫy, giờ sống tập trung ở trường, nhất là học sinh lớp 6 chưa quen, nhớ nhà, có đứa cứ nằng nặc đòi về. Có những học sinh do nhà nghèo quá, anh chị em giáo viên góp tiền sắm cho quần áo mới, dép mới. Khổ nhất là khi có học trò bị đau ốm. Từ đây về thị trấn huyện 25km, đường sá xa xôi hiểm trở, nhất là đêm hôm mưa gió, mình phải lo. Tháng trước, quá nửa đêm em Đinh Thị Vé (lớp 9A) bị đau bụng, y tá trường cho thuốc uống không đỡ, cứ lăn lộn gào khóc. Giáo viên phải đưa về trung tâm y tế huyện, may mà không việc gì”. Biết nhà trường khó khăn, UBND tỉnh cấp cho trường một chiếc xe Uoat, nhưng lo cái ăn cho mấy trăm học trò hằng ngày đã khó, lấy đâu ra tiền xăng, đành cứ phủ bạt để đấy thôi.

Ngày mai, 16-5-2004, chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần 171 của báo Tuổi Trẻ sẽ trao vốn sản xuất cho năm giáo viên của Trường Đinh Nỉ, tổng cộng 15 triệu đồng. Đây là chương trình hỗ trợ vốn sản xuất cho 60 giáo viên vùng núi An Lão - Bình Định có tổng trị giá 180 triệu đồng, do ông bà Dương Quang Thiện tài trợ.

Theo ban giám hiệu nhà trường, số tiền này sẽ được các giáo viên lên phương án nuôi bò. Tuy số lượng vốn chưa phải là nhiều, song trong vòng hai năm, những đồng vốn không tính lãi này sẽ giúp nhà trường mở thêm một hướng sản xuất mới, tạo thêm điều kiện cho học sinh lẫn thầy cô bám lớp bám trường.

Tự cung tự cấp, bám lớp bám trường

Mỗi tháng tỉnh hỗ trợ 50.000đ/HS. Mặc dù đây là “mô hình bán trú dân nuôi” nhưng bà con dân tộc H'Rê ở đây rất nghèo. Ở nhà ăn quấy quá cũng qua bữa chứ lấy đâu ra gạo đong đều cho con ăn học. Cái khó ló cái khôn, thế là để bám lớp, bám trường, thầy trò phải nghĩ cách tự nuôi nhau.

Thầy Tạ Thành Long kể: “Trường xin xã cho đất sản xuất. Đầu tiên trồng rau xanh và mì. Đây là hai thứ giải quyết cái đói nhanh nhất. Giáo viên góp tiền mua đủ loại hạt giống từ bầu bí, mướp, cải, xà lách đến hom mì. Cuối giờ cả thầy và trò trần lưng cuốc đất tăng gia”. Bây giờ nguồn lương thực dự trữ của trường đã có 2,5ha mì, 500m2 rau xanh các loại, 2.000 cây chuối, 200 cây đu đủ, 27 con heo, 500 con gà. Năm ngoái đào ao cá 400m2 mặt nước, thả 4.000 cá giống.

“Đã có thể nghĩ xa hơn một chút rồi anh ạ - Trầm ngâm một lát thầy Long nói - Giá như có vốn thì đời sống thầy trò nhanh khá thôi. Một cái lợi khác, trường mình làm tốt cho dân làng học theo nữa. Có hướng rồi, trường có đất rộng, có đồng cỏ, chỉ cần vài ba chục triệu đồng là có thể nghĩ đến chuyện nuôi bò. Trước mắt chỉ cần chục con, sau vài năm, nuôi tốt thì đàn bò tăng nhanh, mình giúp bê giống cho bà con dân làng. Trường mình khá, bà con dân tộc cũng khá dần lên. Bà con gặp khó khăn gì, mình có kinh nghiệm, bày cho họ cũng dễ. Rồi con cái họ đang học ở đây, chúng vừa học chữ, vừa tiếp cận phương thức chăn nuôi tiến bộ. Dăm bảy năm nữa chứ xa xôi gì, các em sẽ là lực lượng nòng cốt của buôn làng”.

Bữa trưa hôm ấy có lẽ tươi hơn mọi ngày. Thức ăn ngoài những món quen thuộc như cá khô rang mỡ, rau luộc, canh bí còn có mấy cân cá mè, cá trắm kéo lưới từ ao trường về đãi khách. Thầy giáo Đinh Văn Hang vào làng khệ nệ gùi về ghè rượu cần, theo sau là già làng Krót ôm theo quả mít làm quà. Những can rượu cứ đầy vơi, cần rượu cứ chuyền từ tay người này sang người khác. Già Krót mắt mơ màng sau chiếc tẩu thuốc lồ ô dài ngoẵng, ung dung nhả khói, móm mém cười rồi vụt đứng dậy, lắc lư uyển chuyển biểu diễn vũ điệu “ca ly ca choi” của người H'Rê.

“Cái lo còn lại bây giờ là chuyện chồng con - thầy giáo Long tâm sự - không nói ra nhưng đấy là cái lo lớn nhất của các cô giáo và cả gia đình họ. Cả trường có tổng cộng 16 nữ giáo viên. Họ từ các miền quê xa lên trên này công tác, phần đông 25, 27 cả rồi, thấy thế chứ thời gian qua nhanh lắm, mà đời con gái có thì...”.

Chiều ở rừng tối thật nhanh, bên kia đồi tiếng mang tác lẻ bầy, tiếng chim “bắt cô trói cột” đều đặn vọng về, những cô giáo trẻ vẫn hân hoan nói về niềm vui nghề nghiệp, nhưng thầy Long nói đúng - trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn khắc khoải nỗi buồn xa vắng...

BẢO TRUNG - DUY THÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên