Phóng to |
Chú rối Utan - một trong những nhân vật đáng yêu "trò chuyện với chú chó trắng" |
Hãy nhìn những bức tranh thiếu nhi mà bạn bắt gặp trong trường mẫu giáo hay các cuộc thi vẽ của con em chúng ta, có khi nào bạn để ý thấy những ý tưởng trùng lặp nhau lạ kỳ và khuôn nếp?
Những ngôi nhà có phần dưới là một hình chữ nhật hoặc vuông, hai bên có hai cửa sổ, ở giữa là cửa lớn, mái hình tam giác, ông mặt trời tỏa hào quang bên trên, bên dưới có cổng, có cỏ, vài bụi hoa, hoặc cây chuối hay là một lu nước...
Vì sao cái nhà không thể là hình... tam giác, thậm chí hình tròn? Vì sao con sư tử không thể được vẽ từ một... hình vuông, còn đầu của nó là một hình tròn “dính” vào một góc nhọn? Một tam giác tròn góc để ngược có thể biến thành một chú gà.
Còn hai bàn tay bé chụm lại đâu chỉ làm được chú chó gâu gâu in bóng lên tường, thêm một đạo cụ đơn giản như đôi giày nhỏ xíu chẳng hạn, thử làm động tác bước chân, đôi tay ấy đã biến thành... một đôi chân tí hon đang rảo bước đến trường...
Những cách nhìn biến hóa rất thú vị này được giới thiệu trong chương trình “Trò chuyện với chú chó trắng” của Nhật phát trên VTV2 lúc 18g30 mỗi chiều chủ nhật và thứ năm hằng tuần, một chương trình tổng hợp bao gồm rối, hoạt họa, tạp kỹ dạy cho bé cách quan sát thế giới quanh mình một cách rất sáng tạo.
Điều bất ngờ thú vị nhất là đối tượng của chương trình (một số được mời đến trường quay) nhỏ chưa từng thấy: các em bé mới... 5, 4, 3, thậm chí là 2 tuổi. Đi đứng còn lật đật muốn ngã, hai mắt tròn xoe ngơ ngác, có “vị” thi thoảng còn khóc òa trước ống kính. Nhưng hãy xem tranh của các em bé 2 tuổi mà xem.
Nét vẽ nguệch ngoạc nghịch ngợm nhưng mà... khác nhau ghê lắm, vì “họ” được dạy những cách nhìn rất khác nhau mà. Dạy cách vẽ từ các hình hình học quen thuộc. Cách làm các đồ vật đơn giản. Có khi chẳng dạy gì cả mà chỉ thấy một bạn gái 4 tuổi đứng một mình tự mặc quần áo rất gọn gàng ra sao thôi.
Và có rất nhiều bài hát ngắn về đủ mọi vật xung quanh mình, rất hay (có cả bài hát về cái bô, về con ếch xanh chẳng hạn). Bài hát về sự giống nhau như thế này: Bé giống mẹ nên có cái mũi to. Bé giống ba nên hay đổ mồ hôi. Bé giống ba và giống mẹ nên mũi bé to và bé hay đổ mồ hôi. Nhưng như thế bé mới là bé và là con của ba mẹ. Thế thôi. Đơn giản như... trẻ con.
Khi là “chồi”, là “mầm”, trẻ em của chúng ta học vẽ theo một cách. Lớn hơn, chúng phải viết theo một kiểu (văn mẫu). Để rồi lớn hơn nữa, những người trưởng thành của ta hay ngỡ ngàng trước những sáng tạo táo bạo nhưng xem chừng đơn giản “mà sao ta không nghĩ ra?”.
Xem Trò chuyện với chú chó trắng để cho con trẻ - và biết đâu cả bản thân bạn - những cái nhìn mới mẻ linh hoạt bớt khuôn mẫu hơn. Đảm bảo đó sẽ là những phút thư giãn hoàn toàn thoải mái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận