![]() |
Ama Công, bà Mậu, con gái và hai đứa con nuôi Rơ Châm Dâu và Rơ Châm Tô trước ngôi nhà của mình |
Vợ chồng Ama Công đã ngoài 70. Ông bà rời quê hương Quảng Ngãi lên lập nghiệp ở Chư Pah từ cuối năm 1968. “Hồi ấy đây là vùng giao tranh ác liệt - ông kể - ngày nào cũng có người chết vì bom đạn. Cứ thấy trẻ con mồ côi là tui dẫn về nuôi. Không nhớ chính xác bao nhiêu đứa nhưng nhiều lắm, mấy chục năm rồi còn gì. Những đứa lớn chỉ ở với tui vài ba năm rồi về làng để bắt chồng, bắt vợ. Còn những đứa nhỏ quá thì mình nuôi lâu hơn, có đứa ở với mình 15-20 năm. Hiện giờ, vợ chồng tui vẫn còn nuôi ba đứa là Rơ Châm Kiến, Rơ Châm Dâu và Rơ Châm Tô”.
Mái tranh nghèo cho trẻ mồ côi
Cách đây 14 năm, Rơ Châm Yoih ở làng Buih (xã Ia Ka, Chư Pah) sinh con được ba ngày thì lên cơn sốt rồi chết vì sót nhau thai. Hôm ấy, ông Công đang đào giếng thuê gần đó nghe tiếng, chiêng báo hiệu làng có người chết liền chạy đến thăm. Đến nơi, người nhà và dân làng định gác cái chân cứng đờ của Yoih lên mặt thằng bé cho nó chết để chôn theo.
Già làng đã tế thần linh, chuẩn bị đưa hồn ma Yoih chuẩn bị ra nhà mả. Ông chen vào gỡ chân người sản phụ xấu số ra khỏi mặt thằng bé rồi rồi quỳ xuống trước mặt già làng: “Già làng cho mình xin nó về, mẹ nó không muốn chôn nó theo đâu”.
Dân làng ngơ ngác nhìn ông, có người gắt: “Lệ làng xưa nay vậy rồi, không khác được, mày nuôi mà nó chết thì chịu phạt bò đấy”. Nhìn thấy Ksor Buh, cha đứa bé, đang lưỡng lự, ông Công chỉ vào mặt người chết: “Đấy, thương con nên Yoih chết mà không nhắm mắt được, còn trợn ngược thế kia, già và dân làng thấy không”. Nói đến đấy ông Công một tay ôm đứa bé vào lòng, một tay khấn thì thầm rồi vuốt đôi mắt Yoih, ngay lập tức mắt Yoih nhắm lại.
Già Làng Ksor Oi phán: “Vậy là con Yoih đã ưng cái bụng, Yàng đã đồng ý cho thằng Công nuôi đứa bé. Ta đặt tên cho nó là Rơ Châm Kiến vì con kiến chăm chỉ kiếm ăn, chỗ nào nó cũng sống được, nó sẽ sống với Công, nó không chết nữa, lớn lên nó sẽ tự về làng”. Theo tập tục, ông Công uống một can rượu với già làng, uống một can với Buh, cha của Kiến, và một can với dân làng để cam kết với làng Buih từ nay coi Kiến như con ruột mình đẻ ra rồi ẵm đứa bé xuống núi.
“Giờ nó đã 14 tuổi- bà cụ Mậu, vợ ông Công kể - lúc mới ẵm về thằng nhỏ đã bị nấc, nó mất sữa ba ngày, tui lật đật lau rửa cho nó sạch sẽ, gói trong tấm chăn rồi chạy đi xin bú nhờ. May mà hồi đó có đứa em ở gần đây, nó cũng mới sinh con, thương thằng nhỏ nên cho bú nhờ gần một tháng. Rồi tui rang gạo lấy nước pha sữa bò, bón cho nó từng muỗng. Mấy tháng đầu nó ốm vặt suốt, có lúc đang nửa đêm nó lên cơn hen, sốt cao, trời thì mưa to, vợ chồng tui gùi nó đạp xe chở xuống bệnh viện huyện. Lần khác nó bị thương hàn, ổng ở nhà đi đào giếng thuê kiếm tiền gửi xuống, tui thức cả tháng trời ở bệnh viện chăm nó, cực lắm, kể sao xiết”.
Thương người như thể thương thân
![]() |
Ông Công và cậu con nuôi Rơ Châm Kiến làm cỏ cà phê trong vườn nhà |
Cụ Công kể cách đây hơn một năm, ông Rơ Châm Buh chết sau một cơn ốm kéo dài. Suốt mấy tháng trời trước đó thấy Buh khó qua khỏi, ông Công cho Kiến về làng để được gần cha nó. Còn ông bà cứ năm bữa nửa tháng, dành một ít gạo gùi sang cho. Trước lúc chết, ông Buh cứ nhìn ông Công chằm chằm, miệng ú ớ muốn nói gì đó nhưng không nói được.
Ông Công ghé tai Buh nói một câu bằng tiếng Jơ Rai: “Mình sẽ nuôi Kiến khôn lớn rồi trả lại nó về làng”. Nghe đến đấy, đôi mắt Buh như sáng lên rồi từ từ khép lại. Chính vợ chồng cụ Công đã ở lại làng, cúng ma cho Buh hai ngày hai đêm theo tục lệ, làm cho Buh một cái nhà mồ thiệt đẹp, mua hai cái ghè, hai cái nồi, một cái rựa chôn theo để Buh có những thứ mang về với thế giới Atâu làm ăn. Rồi cũng chính cụ Công dẫn Rơ Châm Kiến lên rừng, tìm cây gỗ dầu thật to, thật đẹp đốn về để đẽo tượng nhà mồ cho Rơ Châm Buh.
Sau vụ cụ Công nhận nuôi Rơ Châm Kiến, mười mấy năm qua làng nào có sản phụ chết, bà con dân tộc Jơ Rai không chôn trẻ sơ sinh theo mẹ mà chạy đến kêu vợ chồng cụ Công. Cũng mười mấy năm qua, bà con dân tộc Jơ Rai ở khu vực Nghĩa Hòa, Ia Ka và các vùng lân cận đều gọi cụ Công là Ama Công và ngôi nhà của ông như một địa chỉ từ thiện.
Hai chị em Rơ Châm Dâu, Rơ Châm Tô đến với gia đình cũng là một dịp tình cờ. Một buổi tối, vợ chồng và cô con gái đào giếng về muộn đã thấy một người đàn ông Jơ Rai ôm đứa bé đang khóc ngằn ngặt trong tấm dồ, nép rúm ró sau lưng cha nó là một bé gái chừng một tuổi. Hỏi ra, đó là ông Rmah Rô. Nhà Rmah Rô ở Ia Phí, vợ Rô vừa chết vì thổ tả. “Mình không nuôi chúng nó được, mình đến gửi cho Ama Công nuôi chừng nào nó lớn thì mình đến xin về” - Rmah Rô chỉ nói vẻn vẹn có thế rồi giúi vội đứa bé cho bà Mậu, lóng ngóng khoác gùi lên vai vừa bỏ chạy vừa khóc.
![]() |
Bà Mậu - vợ ông Công và những đứa con nuôi người Jơ Rai đang lo bữa cơm chiều |
Trong lúc bí, Ama Công quáng quàng đạp xe xuống thị trấn Phú Hòa “thế chấp” cái xe đạp lấy năm lon sữa bò. Một tháng, hai tháng rồi ba tháng, lúc thì lấy thêm ba lon, lúc lấy năm lon, lúc vay nóng vài chục lo thuốc thang cho hai đứa bé, cuối cùng, biết lòng tốt của ông, chủ hiệu tạp hóa thông cảm “khoanh nợ” cho Ama Công, mãi hơn một năm sau ông xin trả 3 ster củi thay tiền.
Bây giờ bé chị Rơ Châm Dâu đang học lớp 3, còn thằng em Rơ Châm Tô học lớp 1 Trường tiểu học Nghĩa Hòa. Buổi tối cơm xong, Rơ Châm Kiến chỉ các em học bài, trông thật đầm ấm.
“Nhà mình nghèo, nghề đào giếng là cái nghề ăn cơm dương gian làm việc âm phủ. Ba bốn bận đang đào giếng sâu 15-20m bỗng dưng gặp vỉa cát, đất sạt xuống, tui chới với cố trồi đầu lên để thở. Hình như ông trời bắt tui phải sống để nuôi trẻ dân tộc mồ côi - Kể đến đấy Ama Công phì phèo nhả khói thuốc, miệng cười thật hóm - Bây giờ tui đã bảy mốt, không còn sức đi đào giếng nữa.
Tui lo chăm mấy chục cây cà phê mít trong vườn, lo mấy con heo, đàn gà, trồng rau, trồng củ nuôi chúng. Lúc ngặt, biết mình không còn đủ sức nhưng cũng nhận đi đào giếng kiếm cơm cho chúng nó. Chắc vợ chồng tui phải ráng sống chục năm nữa, lúc đó lũ nó lớn thì mình có “đi” cũng yên lòng nhắm mắt”…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận