26/06/2013 11:38 GMT+7

Ngôi làng thiếu bóng đàn bà

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Những phụ nữ của ngôi làng này phải rời xa mái ấm gia đình và chồng con đi làm ôsin ở Đài Loan...

8SULIumO.jpgPhóng to
Một trong những ngôi biệt thự được xây bằng tiền “đi ôsin” tại xã Đông Tân - Ảnh: Vũ Toàn

Xã Đông Tân, huyện Đông Hưng (Thái Bình) là một ngôi làng điển hình ở đồng bằng Bắc bộ mà người đàn ông phải làm thay việc của đàn bà. Ở đây có rất nhiều gia đình không có phụ nữ mà chỉ toàn đàn ông và những đứa trẻ đùm bọc lẫn nhau.

Nhìn là biết đàn ông Đông Tân

Từ quốc lộ 39B rẽ vào thôn Vĩnh Ninh, xã Đông Tân thì gặp nhà ông Lại Duy Bạ, người có năm con dâu và một con gái đi làm ôsin ở Đài Loan. Anh Lại Duy Thượng, con trai út của ông Bạ, cho biết: “Bố mẹ tôi có sáu người con trai thì năm anh em đều có vợ đi làm ôsin ở nước ngoài (chỉ trừ vợ anh cả do ốm yếu nên ở nhà). Ngoài năm chị em dâu, chị gái ruột của tôi cũng đi làm ôsin”.

Ở làng này, người ta chỉ gọi hai từ đơn giản là “đi ôsin” để chỉ những phụ nữ xuất ngoại làm công việc giúp việc nhà, mà nơi đến nhiều nhất của họ là Đài Loan.

Theo lời anh Thượng, vợ anh đi năm 2002 khi mới 26 tuổi, lúc con gái đầu lòng vào lớp 1, còn anh đang là thợ lái máy cày thuê ở quê.

Giờ con gái đã lên lớp 11 còn anh đã qua chức trưởng thôn Vĩnh Ninh, nay là phó trưởng Công an xã Đông Tân mà vợ vẫn chưa về. Nhớ lại quãng thời gian đằng đẵng hơn 10 năm xa vợ, anh Thượng tự rút ra bài học cho mình: “Chấp nhận vợ đi ôsin là chấp nhận hi sinh. Nhưng đây là sự hi sinh có hậu bởi cả vợ lẫn chồng cùng xác định đi ôsin để làm kinh tế cho gia đình, tạo cho vợ chồng cái vốn để mở mang việc làm ăn, lo cho tương lai con cái sau này”.

Trong cảnh xa vợ, những người đàn ông như anh Thượng quán xuyến việc nhà “hai trong một”, vừa là ông chủ gia đình chính hiệu, vừa tảo tần đảm đang không kém đàn bà. Khi thì lo việc đồng áng, khi tạt qua chợ búa, khi đưa con đến trường và bao công việc đối nội, đối ngoại khác, tất tần tật họ phải lo hết.

Anh Thượng bảo: “Vợ đi làm ôsin cho người ta, mình ở nhà làm ôsin cho vợ. Có lúc buồn cười lắm vì cứ ra ngõ là gặp người cùng cảnh ngộ, nếu không phải chú bác thì là bạn bè, không gặp bạn bè thì nhìn các trai làng mang gương mặt trầm trầm, buồn buồn, cam chịu là biết ngay đàn ông ở Đông Tân”.

Để trả giá cho sự xa nhà miệt mài của những người phụ nữ, những đồng tiền từ Đài Loan gửi về đã giúp làng xóm thay da đổi thịt. Anh Thượng chỉ cho tôi thấy các ngôi nhà cao tầng san sát nhau của ba người anh ruột là anh Lào, anh Xô và anh Tịnh.

Chắt chiu dành dụm từ những đồng tiền vợ “đi ôsin” gửi về, nay họ trở thành ba chủ thầu xây dựng có tiếng ở TP Thái Bình. Gia đình ai cũng có nhà cửa khang trang, con cái chăm ngoan trường lớp. Nghe tôi gợi chuyện chồng vợ cách xa có khi nào trắc trở, anh Lào tâm sự: “Lúc đầu vợ đi thì nhớ lắm chứ. Ở bên đó, tôi biết vợ cũng nhớ nhà ghê lắm. Một ngày, vợ gọi điện về không dưới hai lần. Ban ngày vợ gọi cho con. Đêm đến đoán giờ tôi lên phòng ngủ là vợ gọi cho tôi. Vì điều kiện kinh tế buộc vợ chồng chúng tôi phải tạm xa nhau như thế thôi”.

Tiếp lời anh Lào, anh Thượng kể tôi nghe chuyện của mình mà theo anh, cũng là chuyện chung của đàn ông Đông Tân: “Vợ đi ôsin vất vả lắm mới kiếm được đồng tiền. Còn ở nhà mọi công chuyện gia đình dồn lên vai người chồng khiến người người chồng phải tìm cách xoay trở một mình, từ việc ăn học của con cái đến tìm thêm việc làm để đủ chi tiêu hằng tháng. Như thế vợ mới có thể yên tâm tích lũy được đồng tiền. Vợ chồng tin nhau, mỗi người gắng một ít và cứ nghĩ về tương lai con cái thì nỗi buồn phiền cách trở rồi cũng quên đi”.

sYzyZXfh.jpgPhóng to
Anh Lại Duy Thượng (trái) và anh Lào - hai anh em ruột sống trong những ngôi nhà thiếu bóng đàn bà - Ảnh: Vũ Toàn

Tất cả nhờ tiền ôsin

Rời nhà anh Thượng, tôi ghé vào quán bia hơi nhộn nhịp bên quốc lộ 39B mà chủ quán cũng có vợ “đi ôsin” ở Đài Loan. Đúng là nhìn nét mặt phảng phất buồn của anh Phạm Văn Hùng thì dễ đoán là người đang nhớ vợ.

Anh Hùng bảo: “Vợ tôi đi gần 10 năm rồi. Cứ ba năm vợ “về phép” một lần. Cái nhà này làm năm 2006 hồi vợ “về phép” đợt 1. Chiếc xe bán tải, quầy tạp hóa và quán bia này là do vợ chồng tích cóp đấy”. Ngoài nhà cửa, quầy hàng, gia sản là hai đứa con một gái, một trai. Con trai lớn vừa tốt nghiệp Trường cao đẳng Cơ điện Quảng Ninh, còn con gái thứ hai đang học lớp 11.

Trong ngôi nhà hai tầng khá bề thế, ngoài cha con anh Hùng còn có mẹ già “đến ở với con trai cho đỡ buồn”. Thi thoảng có người đến mua hàng, bà cụ gọi cô cháu gái ra bán.

Anh Hùng nói: “Làng này có đến 800 phụ nữ đi làm nghề ôsin nên cánh đàn ông rơi vào thế thúc thủ. Nói vậy nhưng không vì thế mà nản lòng”. Anh xòe bàn tay thô ráp tính: “Nghề nông cấy được cây lúa cho trổ bông thì gạo rẻ. Sáu tháng nghề nông giỏi lắm chỉ làm được 3 triệu đồng. Đi ôsin mỗi tháng kiếm được 10 triệu đồng, nông dân mơ cũng không thấy. Vì vậy, dù chẳng hay ho gì khi để vợ đi ôsin nhưng vợ chồng phải xác định tư tưởng để đỡ bớt gánh nặng cho nhau. Có lẽ nhờ thế mà đại đa số gia đình ở làng này các ông chồng có vợ đi ôsin đều thành công, chỉ trừ một số ít thất bại do vợ chồng không tin nhau dẫn đến ly tán”.

Cuộc sống tốt đẹp hơn

Tại năm thôn của xã Đông Tân có tới 60% hộ dân xây nhà cao tầng. Anh Lại Duy Thượng bộc bạch: “Mặc dù chỉ ở cách thành phố 12km nhưng cách đây 10 năm, đường làng ngõ xóm toàn là đường đất, phần lớn nhà cấp 4, cửa hàng cửa hiệu chẳng có gì. Trước đây, người nông dân tăng được thu nhập lên mức khá là một điều rất khó. Giờ thì dân chúng tôi đã làm được. Hiện xã có 60% hộ khá, 32% hộ giàu, hộ nghèo chỉ còn 8%”.Từ thôn Vĩnh Ninh đến thôn Phù Sa cuối xã Đông Tân xuất hiện 15 xí nghiệp may mặc gia đình, nhiều cửa hàng bán vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp dọc mặt tiền quốc lộ 39B. Đó là những cơ sở kinh doanh của những ông chủ có vợ “đi ôsin” ở nước ngoài. Những cơ sở này thu hút gần 2.000 lao động của địa phương vốn thuần nông.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên