Ngoài lương, trường tư 'hút' giáo viên giỏi ở điểm nào?

TS. NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
TS. NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Ngoài lương bổng, trường tư còn nhiều yếu tố khác thu hút giáo viên giỏi mà trường công nếu làm được sẽ không bị mất người tài...

Thầy trò lớp 12A6 Trường THPT Ernst Thälmann (Q.1, TP.HCM) trong một tiết học toán - Ảnh: NHƯ HÙNG
Câu chuyện lương và đãi ngộ dành cho thầy cô giáo đang tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận. Trong ảnh: thầy trò lớp 12A6 Trường THPT Ernst Thälmann (Q.1, TP.HCM) trong một tiết học toán - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tiếp nối câu chuyện giáo viên giỏi "theo tiếng gọi trường tư", TS Nguyễn Hoàng Chương đã có bài viết phân tích về tình trạng này.

Giáo viên giỏi sang trường tư: bình thường!

Việc chuyển đổi đơn vị công tác và cả thay đổi công việc mấy năm gần đây diễn ra không ít ở nhiều ngành nghề, trong đó có giáo dục. Cần coi việc người lao động tìm đến môi trường làm việc tốt, có thu nhập ổn định và có thể có thu nhập cao là chuyện bình thường.

Sau một thời gian “bươn chải”, cuộc sống chung - riêng ổn định, biết đâu trong số ấy có người lại muốn trở lại hoặc khởi nghiệp lại với giáo dục. Cạnh đó, trường công - trường tư tuy khác nhau về mô hình nhưng vẫn thống nhất về mục tiêu dạy người, giáo viên chuyển sang trường tư vẫn đứng lớp giảng dạy con em nhân dân.

Trường tư thực tế đang hoạt động ra sao?

Với trường tư, Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT ít có những cuộc thanh tra, kiểm tra, phúc tra thi đua so với trường công. Ban giám hiệu và giáo viên trường tư không chịu nhiều áp lực, căng thẳng do đối phó với những “vị khách không mời” mà đến.

Một số trường tư thực hiện chương trình dạy học và giáo dục khá “linh hoạt”. Lợi trước mắt - hại lâu dài thì người trong ngành ai cũng thấy, phụ huynh, học sinh cũng biết rõ nhưng... thỏa hiệp vì mục tiêu học - thi - đỗ đại học.

Trường tư cũng thoáng với việc thực hiện kế hoạch thời gian năm học. Có trường tư tập trung học sinh từ đầu tháng 7, việc hoàn tất chương trình vì thế sớm hơn nên họ có quỹ thời gian ôn luyện cho học sinh 12 và tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh khối 10, khối 11.

Tại trường tư, việc thu học phí được tính đúng - đủ, có trường tư thu học phí cao ngất ngưỡng - gấp vài chục lần so với học phí trường công. “Tiền nào của ấy”, điều này cũng đúng trong học đường. Trường tư vì thế có kinh phí phục vụ chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện đời sống vật chất - tinh thần cho giáo viên.

Việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên của trường tư không bị ràng buộc bởi cơ quan quản lý cấp trên (chủ yếu do hội đồng quản trị quyết định). Nhiều trường tư chỉ mời gọi một số giáo viên giỏi làm nòng cốt trong tổ - nhóm chuyên môn và để quảng bá hình ảnh của trường, còn lại họ sử dụng giáo viên trẻ vừa tốt nghiệp ở các trường sư phạm mà không xin được vào trường công.

Số giáo viên trẻ này làm việc với cường độ cao nhưng việc trả lương thật ra cũng chưa tương xứng. Họ chẳng biết kêu vào đâu vì...trường tư mà. Tôi biết có trường tư nợ lương giáo viên rồi quên trả luôn hoặc không đóng bảo hiểm theo quy định hiện hành.

Cuộc cạnh tranh trường công - trường tư

Cạnh tranh trong giáo dục đã và đang diễn ra giữa các trường công trên cùng một địa bàn, giữa các trường công với trường tư, với trung tâm giáo dục thường xuyên.

Vì thế, trường công hay trường tư cần có chiến lược tuyển mộ, chiêu mộ giáo viên giỏi và mục đích cuối cùng là thu hút được học sinh về số lượng, chất lượng (hiện tượng có một sự dịch chuyển giáo viên từ trường công sang các trường tư về bản chất là kết quả của chiến lược cạnh tranh).

Thực tế, trường nào có cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giáo viên tận tâm - kinh nghiệm, truyền thống dạy học tốt, học sinh đỗ đạt nhiều, tổ chức được các hoạt động trải nghiệm sáng tạo phong phú... chắc chắn trường ấy sẽ được học sinh, phụ huynh chọn lựa.

Xin đưa ra bối cảnh hoạch định chiến lược cạnh tranh và bánh xe chiến lược cạnh tranh của nhà trường phổ thông để người trong ngành tham khảo (tôi vận dụng lý thuyết chiến lược cạnh tranh của Michael E.Porter):

Bánh xe chiến lược cạnh tranh của nhà trường phổ thông
Bánh xe chiến lược cạnh tranh của nhà trường phổ thông
Bối cảnh hoạch định chiến lược cạnh tranh của nhà trường phổ thông

Thay đổi đúng hướng, giáo viên sẽ theo “tiếng gọi trường công”!

Cạnh tranh giữa các trường có thể là một vấn đề còn mới mẻ ở Việt Nam, bởi lâu nay chúng ta bó hẹp trong nhiệm vụ quản lý tác nghiệp và kế hoạch hóa cao trong giáo dục và hoạch định chiến lược cạnh tranh là một khoảng trống trong tư duy quản lý của đội ngũ hiệu trưởng trường phổ thông hiện nay.

Tuy nhiên, đứng trước cơ hội và thách thức của xã hội đặt ra cho giáo dục nói chung và nhà trường phổ thông nói riêng, để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của mỗi trường, hoạch định chiến lược được coi là một nhiệm vụ quan trọng để vạch ra hướng đi dài hạn cho một nhà trường. 

Muốn chấn hưng được nhà trường nói riêng, nền giáo dục nước nhà nói chung, nhất thiết phải tạo được sự thay đổi, từ lương và phụ cấp cho giáo viên, môi trường làm việc trong học đường đến cách quản lý giáo dục, đào tạo và tuyển dụng giáo viên, chương trình và sách giáo khoa, kiểm tra - đánh giá...

Các sở, phòng GD-ĐT từng bước phân cấp cho các nhà trường được tự chủ (chương trình dạy học, tài chính, tổ chức); tự chủ theo quy trình và có sự kiểm tra, giám sát. Ban giám hiệu được bồi dưỡng để có phương pháp làm việc đúng, có năng lực tự chủ, có công cụ quản lý đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. 

Lúc ấy xảy ra “tiếng gọi trường tư” hay “tiếng gọi trường công”, bạn đọc thử dự đoán xem?

TS. NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên