22/02/2011 16:21 GMT+7

"Ngộ" ra phát triển bền vững

LÊ KIÊN thực hiện
LÊ KIÊN thực hiện

TTO - Làm thế nào để các nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống? Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH PHAN XUÂN SƠN, Phó viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện chính trị, hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

gvrv6RHT.jpgPhóng to
GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Phó viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện chính trị, hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

* Thưa ông, Đại hội XI đã thông qua nhiều văn kiện, nghị quyết quan trọng. Là một đảng viên đồng thời là một nhà nghiên cứu, ông quan tâm tới những nội dung nào nhất của nghị quyết Đại hội XI?

- Trong nghị quyết Đại hội XI, theo tôi, điểm nhấn quan trọng là quan điểm về phát triển bền vững của Đảng. Khái niệm phát triển bền vững không hoàn toàn mới nhưng rất mới ở cách tiếp cận, mức độ nhận thức về nó.

Vấn đề phát triển bền vững đã được các nhà khoa học nói đến từ lâu nhưng cũng giống như hầu hết các nước trên thế giới, Việt Nam cũng chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của nó. Chỉ đến khi chúng ta đã trả giá đắt cho phát triển không bền vững mới "ngộ" được ý nghĩa thực của khái niệm khoa học này.

Chúng ta không thể cố để đạt tăng trưởng GDP cỡ 8-9% một năm, nhưng chất lượng thực chỉ khoảng một nửa số đó.

Chúng ta cũng không thể chấp nhận được để cho các thế hệ người Việt Nam đang sở hữu một giang sơn gấm vóc mà cha ông để lại nhưng lại bị cạn kiệt về tài nguyên, môi sinh bị tàn phá, những dòng sông tươi đẹp của chúng ta, nơi in bóng những cây đa, bến nước, con đò đang trở thành các con sông chết.

Chúng ta cũng không thể để cho xã hội của chúng ta, một nước đã độc lập mà dân không được hưởng tự do, cách biệt giàu nghèo "kẻ ăn không hết, người lần không ra".

* Thưa ông, trước đây, nhất là trong thời kỳ chiến tranh, các nghị quyết của Đảng thường “đi thẳng” vào đời sống xã hội. Nay chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, chủ trương của Đảng muốn đi vào cuộc sống phải “đi qua” chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc điểm đó tác động như thế nào đến sức sống các nghị quyết của Đảng?

- Đây là vấn đề trọng tâm trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền. Nếu lãnh đạo tốt thì Đảng không cần và không phải làm thay Nhà nước. Hơn nữa Đảng không phải là cơ quan công quyền nên không thể làm thay Nhà nước.

Là một đảng cầm quyền, ý chí của Đảng sẽ biến thành chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua quá trình hoạch định chính sách công và quá trình lập pháp. Vấn đề là thực hiện đúng đắn, khoa học các quá trình này. Phải cử những đảng viên có năng lực hoạch định chính sách, năng lực lập pháp vào các cơ quan nhà nước tương ứng để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng.

Đảng ta đã nói nhiều về vấn đề này. Nhưng còn nhiều rào cản về thói quen, tâm lý và cơ chế trong thực tiễn.

* Có những vấn đề được Đảng đặc biệt quan tâm và thể hiện sâu sắc trong nghị quyết qua nhiều kỳ đại hội. Chẳng hạn như công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, không ít đảng viên và nhân dân cảm thấy sốt ruột, bức xúc vì nghị quyết nêu rất đúng vấn đề nhưng trong đời sống xã hội tình hình lại chuyển biến rất chậm. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?

- Nạn tham nhũng, như nghị quyết Đại hội XI đánh giá, là chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Tác hại của tham nhũng là vô cùng lớn trên tất cả lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Nó sẽ kìm hãm sự vươn dậy của dân tộc ta, thách thức sự lãnh đạo của Đảng (tôi đã viết trong cuốn Nhận diện tham nhũng và giải pháp phòng chống tham nhũng ở Việt Nam, Nhà xuất bản CTQG năm 2008, tái bản năm 2010).

Đảng ta có nhiều nghị quyết liên quan đến phòng chống tham nhũng và một hội nghị chuyên đề về phòng chống tham nhũng (nghị quyết Trung ương 3 khóa X), Nhà nước ta đã có Luật phòng chống tham nhũng và bộ máy chống tham nhũng.

Nhìn chung, các công cụ phòng chống tham nhũng ở nước ta khá đầy đủ. Tuy nhiên tệ nạn tham nhũng ở nước ta vẫn rất nghiêm trọng.

Theo điều tra của Tổ chức Minh bạch quốc tế (Internasional Transparency) thì chỉ số cảm nhận tham nhũng ở nước ta từ năm 2000 đến năm 2010 chỉ tăng được 0,2 điểm/10 điểm (2,5 điểm năm 2000 lên 2,7 điểm năm 2010). Như vậy mỗi năm chỉ tiến bộ 0,02 điểm. Nếu đạt được điểm 10, với tốc độ như 10 năm qua chúng ta phải mất 500 năm (!). Đây là điều không thể chấp nhận được.

Nhân dân ta bức xúc, sốt ruột là rất có lý. Như vậy có thể nói rằng chúng ta có quyết tâm, có công cụ phòng chống tham nhũng, dù cơ bản đã đạt được theo chuẩn mực quốc tế, nhưng vẫn chưa đủ.

Vấn đề không chỉ ở quyết tâm của Đảng, công cụ, pháp luật của Nhà nước và cần xác định rằng, chống tham nhũng là một sự nghiệp lâu dài.

LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên