10/06/2019 17:01 GMT+7

Ngộ độc chì ở trẻ em

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Ngộ độc chì rất nghiêm trọng và có thể gây tác hại cho mọi lứa tuổi, nhưng dễ bị tổn thương nhất là trẻ em.

Ngộ độc chì ở trẻ em - Ảnh 1.

Trẻ thường nhét tất cả mọi thứ vào miệng. Do đó đồ chơi phải thực sự an toàn, không chì. Ảnh minh họa. Nguồn: bebe123.com.br

Chì gây ra những tác hại gì?

Lượng chì trong cơ thể ở mức cao sẽ gây tổn thương não, thận và tủy xương (phần mô mềm nằm bên trong xương). Các triệu chứng có thể gặp do ngộ độc chì gây ra bao gồm đau bụng, nhức đầu, nôn ói, lú lẫn, yếu cơ, co giật, rụng tóc và thiếu máu (tình trạng có mức hồng cầu thấp).

Lượng chì trong cơ thể ở mức thấp cũng có thể gây tác hại, chẳng hạn như giảm khả năng chú ý, có các vấn đề về hành vi, khả năng tiếp thu kém và giảm IQ ở trẻ em. (IQ là viết tắt của 'Intelligence Quotient', tức Chỉ số thông minh, thường dùng để phản ánh trí thông minh của một người).

Trẻ tiếp xúc với chì qua những đường nào?

Chì là một kim loại nặng hiện diện tự nhiên trong vỏ trái đất. Trước đây, chì có trong thành phần của một số vật dụng gia đình.

Thống kê cho thấy hơn 4% trẻ tại Hoa Kỳ bị nhiễm độc chì. Tỉ lệ ngộ độc chì cao hơn ở những thành phố lớn và ở những người có thu nhập thấp.

Hiện nay, nguyên nhân gây ngộ độc chì thường gặp nhất là từ các loại sơn cũ có chứa chì. Mặc dù kim loại này đã không còn được sử dụng trong các loại sơn nhà sau năm 1978 (ở Hoa Kỳ), nhiều ngôi nhà và chung cư cũ đã dùng sơn có chì và có thể đang là nguồn gây nhiễm.

Trẻ ở độ tuổi tập đi khám phá thế giới quanh mình bằng cách nhét tất cả mọi thứ vào miệng. Do đó, trẻ nhỏ sống ở các tòa chung cư cũ có nguy cơ đặc biệt cao đối với ngộ độc chì. Trẻ có thể bị nhiễm độc thông qua việc nhai các mẩu sơn bong tróc, hay nuốt phải bụi trong nhà hoặc đất có chứa các mảnh sơn nhỏ chứa chì từ những tòa nhà này.

Chì cũng có thể hiện diện trong không khí, nước và thực phẩm. Mức chì trong không khí đã giảm rất nhiều từ khi không còn dùng xăng chứa chì. Kim loại này còn có thể được tìm thấy tại những ống nước cũ.

Tại Hoa Kỳ, việc dùng các mối hàn chì để nối các đoạn ống nước đã bị cấm. Chì cũng có thể hiện diện trong một số vỏ đồ hộp thực phẩm hoặc nước trái cây, hoặc trong các vật dụng bằng gốm không đúng qui cách.

Tại Việt Nam, nhiễm độc chì còn được ghi nhận ở những trẻ em dùng thuốc cam vào năm 2012. Thuốc cam là một dạng thuốc Đông y gia truyền thường được dùng để chữa tưa lưỡi, biếng ăn, chậm lớn,… Bố mẹ và những người chăm sóc trẻ em cần cảnh giác với những nguồn có thể gây nhiễm độc chì ở trẻ.

Làm thế nào để giúp trẻ giảm nguy cơ tiếp xúc với chì?

Một số điều dưới đây có thể giúp bạn giảm nguy cơ tiếp xúc với chì cho trẻ:

- Nếu bạn sống trong một ngôi nhà hoặc chung cư xây trước năm 1978, hãy yêu cầu bác sĩ làm xét nghiệm đo nồng độ chì trong máu cho trẻ và giữ trẻ tránh xa khỏi các mẩu sơn bong tróc. Sơn bong tróc phải được loại bỏ khỏi tất cả các bề mặt (sàn nhà, tường, bề mặt bàn, ghế, tủ,…) ít nhất 1,5m tính từ nền nhà. Việc sơn lại phòng để ngăn chặn chì từ sơn cũ cũng là một ý hay.

- Nếu bạn tu sửa lại một căn nhà cũ, hãy che chắn kỹ những căn phòng sẽ tiến hành sửa chữa. Bạn có thể mắc những tấm màn dày để che cửa chính và các cửa sổ ở khu vực tu sửa.

- Nếu có vấn đề về ngộ độc chì ở nơi bạn sống, hoặc nhiều nhà cũ xung quanh tiến hành tu sửa, hãy dặn người trong gia đình bạn chùi sạch chân và cất giày trước khi vào nhà. Điều này sẽ giúp làm giảm nguy cơ mang đất cát có lẫn bụi chì vào nhà.

- Giúp trẻ rửa tay và mặt trước các bữa ăn.

- Không mua cũng như cho trẻ sử dụng các loại thuốc cam và thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Để có thêm thông tin về những việc cần làm nhằm giảm nguy cơ tiếp xúc chì, hãy trao đổi thêm với bác sĩ hoặc các cơ sở y tế nơi bạn sống. Hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn nghĩ rằng con mình bị ngộ độc chì.

Bác sĩ sẽ làm gì nếu con tôi có mức chì cao trong máu?

Nếu trẻ có các triệu chứng của nhiễm độc chì, bác sĩ có thể kiểm tra mức chì trong máu con bạn. Nếu lượng chì trong máu vượt mức bình thường, bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hướng dẫn cách làm giảm. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra mức chì vài tháng một lần cho đến khi chỉ số trở về bình thường.

May thay, chỉ một số ít trẻ có mức chì trong máu cao đến mức cần phải điều trị. Nếu mức chì trong máu trẻ tăng rất cao, bác sĩ sẽ cho thuốc để giảm bớt.

Nếu con bạn có mức chì cao, bác sĩ có thể liên lạc với Trung tâm sức khỏe cộng đồng tại địa phương. Các nhân viên tại đơn vị này có thể giúp kiểm tra nhà bạn để tìm và loại bỏ các nguồn sơn cũ hoặc sơn mới phủ lên lớp sơn cũ.


Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên