01/09/2011 07:50 GMT+7

Nghịch lý thừa và thiếu

HOÀNG ĐIỆP - NGUYỄN HÀ
HOÀNG ĐIỆP - NGUYỄN HÀ

TT - Tối nay 1-9, Liên hoan sân khấu hài toàn quốc khu vực phía Bắc kết thúc sau một tuần diễn ra tại Quảng Ninh. Nhìn toàn cảnh, ông Lê Chức - trưởng ban tổ chức - đã phải thừa nhận: thừa đoàn biểu diễn, thiếu sự đột phá.

bXMfR97a.jpgPhóng to
Có đến sáu Thị Nở, bảy Chí Phèo xuất hiện trên sân khấu của liên hoan. Trong ảnh: một cảnh trong tiểu phẩm Chuyện nhà Bá Kiến do Đoàn chèo Bắc Giang thể hiện - Ảnh: H.Điệp

Không có nhiều thời gian chuẩn bị cũng như thiếu vắng những kịch bản sân khấu hài hay, thế nên 22 đoàn nghệ thuật, nhà hát của khu vực phía Bắc tham dự liên hoan lần 1 đã có quá nhiều tiết mục trùng lặp. Thậm chí việc trùng lặp của các tên tuổi đạo diễn: NSND Lê Hùng, NSƯT Chí Trung cũng mang đến một liên hoan “bội thực” dấu ấn của Nhà hát Tuổi Trẻ.

Bội thực Chí Phèo - Thị Nở

* Trong danh sách 51 tác phẩm được biểu diễn chỉ có sáu vở diễn hoàn chỉnh: Sếp rởm (Nhà hát Tuổi Trẻ), Truyền thuyết ngọc rồng (nhóm hài Xuân Bắc - Tự Long), Trương Ngáo (Nhà hát Cung đình Huế), Trương Đồ Nhục (Nhà hát Tuồng Việt Nam), Phương thuốc thần kỳ (Đoàn kịch Phú Thọ), Nghêu Sò Ốc Hến (Nhà hát Tuồng Việt Nam và Đoàn nghệ thuật cung đình Huế).

* Ban tổ chức liên hoan cho biết toàn bộ số tiền bán vé (ban ngày miễn phí, ban đêm vé được bán từ 180.000-300.000 đồng, riêng chương trình gala hài Nam Bắc tối 31-8 vé được bán từ 500.000-800.000 đồng) được tặng một phần cho Quỹ nạn nhân chất độc da cam, còn lại thành lập Quỹ nghệ sĩ nhằm giúp đỡ những nghệ sĩ có cuộc sống khó khăn trên cả nước.

Chưa một liên hoan nào mà sự trùng lặp các tiết mục, vở diễn lại nhiều như ở liên hoan sân khấu hài lần này: Nghêu Sò Ốc Hến (hai đoàn); Thượng thượng thọ (hai đoàn); Người ngựa, ngựa người (bốn đoàn) và nội dung bị khai thác nhiều nhất là câu chuyện của Chí Phèo và Thị Nở. Không kể tiết mục mở màn, hình tượng hai nhân vật này đã được sáu đoàn (chèo Việt Nam, chèo Hà Nội, cải lương Việt Nam, chèo Quân đội, cải lương Hà Nội, chèo Bắc Giang) dàn dựng thành những tiết mục dự thi. Vẫn là hình ảnh vườn chuối, bát cháo hành, cái hài trong câu chuyện bi ấy được tận dụng để đưa lên sân khấu một cách thái quá, thiếu chọn lọc, sáng tạo.

Một thành viên ban tổ chức cho rằng chưa có một liên hoan sân khấu nào mà ban giám khảo bị tra tấn bởi các tiết mục trùng lặp nhiều như liên hoan này.

Vài chiêu... né nhau

Sáng 30-8, không phải là ngày nghỉ nhưng gần 700 chỗ ngồi của Cung văn hóa Việt Nhật (TP Hạ Long, Quảng Ninh) đều kín khán giả. Từng tràng pháo tay nổi lên sau mỗi lớp diễn của tiểu phẩm Nghịch đời (trích trong vở Người đàn bà bất hạnh) của Đoàn chèo Quân đội. Phía trong cánh gà, trưởng đoàn - NSƯT Quốc Trượng không giấu được sự hài lòng. NSƯT Quốc Trượng cũng chính là một “Thị Nở” đặc biệt tại liên hoan trong tiểu phẩm Tỉnh rượu lúc tàn canh. Gương mặt phương phi của Quốc Trượng được tô vẽ thêm đôi môi dày cộng với thân hình đẫy đà bỗng lại giống với hình ảnh Thị Nở của cụ Nam Cao đến lạ. Điều mà Thị Nở (Quốc Trượng) mang đến cho khán giả chính là sự lương thiện của tình yêu sau bát cháo hành. Bối cảnh câu chuyện không mới, nhưng cách diễn mới, ý tứ mới, đặc biệt là diễn viên cũ mà rất mới đã không chỉ mang đến tiếng cười xòa thông thường.

Ngoài cách làm mới để né cũ của Đoàn chèo Quân đội, Đoàn kịch Quảng Ninh lại có cách khác để né sự trùng lặp: dàn dựng lại tiểu phẩm cũ của Nhà hát Tuổi Trẻ như Phòng trút giận, Bệnh ghen, Internet về làng, Thử thách tình yêu. Ông Bằng Thái - trưởng Đoàn kịch Quảng Ninh - cho rằng sự khác biệt ở đây chính là không trùng lặp với các đoàn. Còn NSƯT Chí Trung - người “chuốt” lại các tiểu phẩm cho Đoàn kịch Quảng Ninh - thì lạc quan hơn: tiết mục cũ nhưng đối với khán giả thì “cũ người mới ta”. Anh còn phán đoán: trừ các tác phẩm kinh điển, có nhiều tiết mục hài hiện nay ban giám khảo chưa chắc đã được xem hết.

Lấy gì cho liên hoan lần 2?

Dự kiến Liên hoan sân khấu hài toàn quốc lần 2 sẽ diễn ra vào năm 2013. Nhưng ngay khi liên hoan sân khấu lần 1 chưa kết thúc thì ông Lê Chức đã đặt ra câu hỏi: Liệu lấy gì để chuẩn bị cho liên hoan lần 2 khi thị trường không chỉ thiếu trầm trọng kịch bản hay mà còn thiếu cả sự sáng tạo?

“Yếu tố hấp dẫn của một liên hoan là gì, đó chính là cái mới, nhưng trong liên hoan này thiếu hẳn yếu tố đó. Khi sự hấp dẫn của liên hoan không được như ý thì ban tổ chức cũng chỉ trông vào khả năng diễn xuất của diễn viên” - ông Lê Chức khẳng định. Bởi có đến sáu Thị Nở, bảy Chí Phèo (ngoài sáu đoàn dàn dựng Chí Phèo - Thị Nở thì Đoàn chèo Bắc Giang dựng thêm vở Chuyện nhà Bá Kiến nói đến quan hệ của Chí Phèo và bà Ba), bốn anh phu xe và bốn cô gái bán hoa... đông đúc như thế thì đành tìm kiếm sự thăng hoa của các diễn viên, xem ai là người có diễn xuất tinh tế mà hài hước.

Xuân Bắc - Tự Long “đắt khách”

Dù không quảng cáo rầm rộ, và theo người dân sống quanh khu hữu nghị Việt Nhật thì phải đến ngày 24-8 - trước ngày khai mạc liên hoan một ngày - ban tổ chức mới treo băngrôn quảng cáo cho chương trình nhưng không kể ngày đêm, suất diễn nào cũng đông khán giả.

“Đông nhất là đêm diễn của Xuân Bắc và Tự Long (vở diễn Truyền thuyết ngọc rồng), toàn bộ 750 vé của chương trình đã bán hết, thậm chí rất nhiều khán giả còn phải ngồi ghế phụ để được xem” - chị Mơ, người bán vé tại Cung văn hóa Việt Nhật, cho biết. Và có lẽ đây là nhóm hài duy nhất rất biết “cập nhật” thông tin thời sự vào các vở diễn của mình để mang đến tiếng cười rất đỗi hồn nhiên cho khán giả bằng khả năng diễn xuất có chừng mực qua tiểu phẩm Cao thủ gặp cao thủ.

HOÀNG ĐIỆP - NGUYỄN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên