Phóng to |
Nhưng không chỉ vậy, trong cuộc sống thường ngày còn biết bao câu chuyện ấm áp nghĩa tình của người Hoa mà không sách vở nào ghi chép...
Người gieo hạt
Ngày đầu năm Đinh Hợi, cụ Châu Viêm lại ôm mấy album ảnh cũ ra săm soi cho đỡ nhớ. Ba năm nữa là bước qua tuổi 100, mỗi lần xem lại mặt mình trong ảnh, cụ phải nhờ kính lúp phóng to lên. Hai năm rồi, con cháu sợ cụ đuối sức, không cho đi xa nữa. ““Lây” (đây) là ảnh ngộ đi Cà Mau tặng quà người nghèo “lè” (nè). Lây là đi xây cầu ở Bến Tre. Lây là đi Lâm Đồng, Định Quán... Thấy chưa, ngộ nhìn “lõ” (rõ) hết, còn đi làm từ thiện “lổi” mà tụi con “ló” hổng có cho ngộ đi. Buồn lắm!” - cụ trách.
Cụ người gốc Quảng Đông, sang định cư ở VN đã 61 năm. Dù không nói rành tiếng Việt nhưng tên ông đã trở nên thân thuộc với nhiều người nghèo không kể dân tộc Kinh, Hoa hay Khơme.
Cụ mở đầu câu chuyện bằng một triết lý sống của đạo Lão: “Tu là tu tâm. Mình không thù không ghét ai nên tinh thần mình khỏe mạnh, sống lâu. Sống lâu mới kiếm được nhiều tiền giúp được nhiều người. Những người được giúp sẽ có lúc có điều kiện và giúp đỡ lại người khác. Đó là gieo mầm việc thiện”. Và 45 năm trụ trì Khánh Vân Nam Viện (269/2 Nguyễn Thị Nhỏ, P.16, Q.11) là 45 năm ông đi gieo hạt giống. Từ đó đến nay, những người được Khánh Vân Nam Viện giúp đỡ không kể hết được.
Đó là lập phòng khám bệnh từ thiện và tặng thuốc miễn phí cho gần 10.000 bệnh nhân mỗi năm, không phân biệt dân tộc hay tôn giáo. Đó là nhà dưỡng lão cưu mang người già nghèo khổ, không nơi nương tựa. Đó là ủng hộ gạo cho Hội Người mù Q.11, người nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo... Ngoài những hoạt động thường xuyên này, những khi dân ở các tỉnh gặp thiên tai, hỏa hoạn cụ đều huy động vật chất chia sẻ khó khăn kịp thời. Có lẽ nhiều người dân vùng sâu, vùng cao từ Lâm Đồng đến Trà Vinh, Cà Mau... không quên hình ảnh ông cụ trên 90 tuổi vẫn lặn lội đi vận động phẫu thuật mổ tim bẩm sinh cho trẻ em, xây từng cây cầu, hay đơn giản là trao từng thùng mì, ký gạo...
Nhờ cái tâm của cụ mà ngày càng nhiều nhà hảo tâm tự tìm đến. Công tác từ thiện xã hội ở Nam Viện năm sau nhiều hơn năm trước. Chỉ riêng sáu tháng cuối năm 2006, cụ đã vận động trên 1,084 tỉ đồng chăm lo cho người nghèo, khuyết tật.
Khi thấy tôi hí hoáy ghi lại những dòng chữ trên bằng khen của Thủ tướng Chính phủ mới ký tặng cụ vào tháng 1-2007 về công tác góp phần bảo vệ Tổ quốc, ông cụ hóm hỉnh: “Giấy khen, bằng khen “Người tốt, việc tốt” ngộ có tới một trăm mấy cái lận, treo hổng nổi, mày có thời gian mà viết hết không?! Thôi, viết mấy cái đó làm gì”.
Với cụ già 97 tuổi này, hạnh phúc nhất không phải là lần đón bằng khen của Thủ tướng Chính phủ mà là khi các con ông đều ủng hộ việc đem 270 triệu đồng tiền dành dụm và tiền người ta phúng điếu lễ tang vợ đem cho người nghèo. Không để lại cho con vật chất, ông chỉ mong con học được chữ nhân nghĩa ở đời.
Ngọn lửa lan truyền
Tại TP.HCM có gần 500.000 người dân tộc Hoa đang sinh sống, chiếm khoảng 7% dân số. Trong đó 50% là người Quảng Đông, 30% người Triều Châu, 10% người Phúc Kiến, 10% người Hải Nam và Hẹ. |
Hoạt động từ thiện của người Hoa hết sức đa dạng. Không chỉ có các doanh nghiệp góp những số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng/năm cho dân nghèo, hoạn nạn trên cả nước như Công ty cổ phần thực phẩm Kinh Đô, Công ty Thiên Long, Công ty Vạn Thịnh Phát, Dệt may Thái Tuấn, Ngân hàng Sacombank... mà các hội quán cũng góp phần không nhỏ.
Không những xây nhà tình thương, tặng học bổng, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho dân nghèo thành phố mà các hội quán còn đến những vùng sâu, vùng xa để xây cầu, tặng nhà tình thương. Chi phí hoạt động từ thiện hằng năm của các hội quán lên đến hàng tỉ đồng. Vì những hoạt động tích cực này, hội quán Tuệ Thành, Nghĩa An, Nhị Phủ, Ôn Lăng đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba.
Điều đáng quí nữa là những người làm từ thiện cũng chính là những tiểu thương, người buôn bán nhỏ, người nghèo. Nhiều anh chị buôn gánh bán bưng cũng đến Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP góp khoản thu nhập ít ỏi để chuyển cho người nghèo. Dù buôn bán đầu tắt mặt tối nhưng tận vùng sâu, vùng xa nghèo khổ nào của đất nước cũng in dấu bước chân tiểu thương chợ Kim Biên, Tân Thành, Đồng Khánh...
Trong những cơn bão vừa qua, chúng tôi chứng kiến nhiều tiểu thương đã thuê những đoàn xe đi trong đêm để chuyển nhanh nhất tiền, gạo, mì cứu trợ đến người dân chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão từ Quảng Nam, Đà Nẵng đến Vũng Tàu, Bến Tre... Điển hình như chị Mã Thái Lan, hội phó Hội Từ thiện kiêm hội phó Hội phụ nữ của chợ An Đông. Từ hơn 13 năm nay, tổ từ thiện của chị đã quyên góp trên 10 tỉ đồng để cứu trợ nhân dân vùng thiên tai, khó khăn. Năm 2000, chị đã được Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao tặng Huân chương Lao động hạng ba.
Tiền bán nhà bà đem tặng hết cho Hội Bảo trợ trẻ em mồ côi và khuyết tật TP để xây dựng ký túc xá và lớp học cho trung tâm dạy nghề nội trú tại huyện Hóc Môn. Cũng bằng giọng lơ lớ, cụ bà tâm sự: “Người Hoa hay người Việt cũng như nhau. Bà già rồi, ăn uống chẳng bao nhiêu. Để tiền giúp mấy cháu mồ côi, khuyết tật có chỗ ở. Bà thấy vui và thảnh thơi lắm!”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận