21/07/2014 05:37 GMT+7

Nghĩa tình miền Thượng

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Huyện Minh Hóa thuộc phía tây tỉnh Quảng Bình là một địa danh gắn liền với nhiều chứng tích của đường Trường Sơn huyền thoại, những ân tình quân - dân trong những ngày kháng chiến.

cRO9aicc.jpgPhóng to
Cảnh từ hang Binh Trạm nhìn xuống thôn Yên Hòa - Ảnh: Thế Anh
WOuJlz4z.jpg
Mẹ Đinh Thị Điền ngồi giã trầu bằng vỏ đạn thời chiến tranh - Ảnh: T.A.

Ngày xưa, để đến được Minh Hóa, người ta phải trèo đèo lội suối hàng ngày trời. Ngày nay Minh Hóa là nơi giao cắt giữa đường Trường Sơn và đường xuyên Á với những cung đường đèo đẹp đến mê hồn. Và thị trấn Quy Đạt từ một vùng đất vốn chỉ là vài căn nhà lá đơn sơ giữa thung lũng đá vôi, ngày nay Quy Đạt đẹp lung linh như một nhánh lan rừng giữa đại ngàn Trường Sơn.

Tiếng vọng của “bồi”

Cả trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, khi mà rừng núi Minh Hóa trụi lá vì bom đạn thì tiếng chày giã bồi vẫn vang lên từng đêm, dội vào núi rừng như một giai điệu. Lẫn trong âm thanh đều đặn ấy, có chút gì đó ai oán của chia ly, có chút gì đó mạnh mẽ, phóng khoáng của núi rừng. Và lôi cuốn nhất vẫn là chút gì đó quyến luyến chia sẻ của tình người...

Minh Hóa được xem là “thủ phủ” của người Nguồn trên đất Quảng Bình. Họ là một nhóm người đến sống ở núi rừng Minh Hóa từ xa xưa, có văn hóa riêng, có tiếng nói riêng nhưng không có chữ viết. Người Nguồn cho đến nay vẫn là danh xưng tự nhận, chưa được xem là một dân tộc riêng biệt...

Bồi là thức ăn hằng ngày của người dân bản địa, như người miền xuôi ăn cơm vậy. Chất liệu chính của bồi là bột ngô và củ sắn được nạo nhuyễn rồi đem hong. Cũng có lúc nó được chấm phá thêm bởi những sản vật khác của nương rẫy, của những năm bội thu. Những lúc mất mùa, những năm bom đạn phá hết nương rẫy thì bồi chỉ là thứ bột hỗn hợp giữa củ sắn, củ mài và những gì còn sót lại sau khói đạn... Bồi phải ăn với ốc suối, cái loài đi chậm nhất Trường Sơn, thì mới đúng chất của núi rừng. Ngày nay, trở lại Minh Hóa, trong nhiều thôn bản giữa đêm lạnh của lèn đá, người ta vẫn nghe tiếng “thùm... thụp” giã bồi của những sơn nữ. Lẫn trong tiếng suối reo là tiếng hát trầm bổng của những mẹ già ru cháu trong đêm...

Hỏi đường vào hang sở chỉ huy của Bộ tư lệnh 559 mà người dân nơi đây quen gọi là hang Binh Trạm, chúng tôi được một cựu chiến binh ở làng dẫn đi. Hang nằm lưng chừng núi, đường lên hiểm trở, cỏ cây đã phủ cả lối đi. Nghe đâu, cây cỏ cũng chỉ mới phủ xanh được sau ngày hòa bình lập lại. Trong thời chiến, hàng ngàn tấn bom đã giội xuống và không ít lần máy bay địch đã đâm thẳng xuống vách núi này. Mọi thứ bên ngoài hang đều bị hủy diệt hoàn toàn... Nhờ núi đá bảo vệ, trong cái hang này tướng Đồng Sỹ Nguyên và những đồng đội của mình đã cùng nhau đưa ra kế sách để vẽ nên con đường Trường Sơn giữa mưa bom, đạn lửa.

Ơn nghĩa núi rừng

Nằm lặng lẽ dưới tán cây già ở thôn Yên Hòa, xã Hóa Tiến (Minh Hóa) là căn nhà của mẹ Đinh Thị Điền, từng là nơi dừng chân của nhiều đoàn quân trên đường vào Nam, nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nhiều thương bệnh binh trên đường mòn ngày ấy. Ngày ấy chốn này thưa thớt lắm, ngày ấy mẹ cũng nghèo, nhưng mẹ vẫn chia từng nắm bồi, củ sắn cùng đoàn quân. Mẹ nhớ lại: “Hồi trước nhà tui có đến ba cái bếp, lúc nào cũng đỏ lửa để cơm nước cho bộ đội. Nói là cơm chứ nhiều khi phải ăn củ sắn, củ nâu vì bom đạn phá hết nương rẫy. Bộ đội bị thương, bị rắn cắn về nằm la liệt trước sân tui. Tui phải vô rừng lấy thuốc nam về chữa cho họ, vừa lành là họ lại đi. Đi đâu tui cũng không biết... Mỗi lần họ đi là tui lại khóc, tui thương họ như thương con tui rứa...!”.

Mẹ Đinh Thị Điền nay đã 93 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Mẹ vẫn thường kể cho con cháu nghe chuyện cha ông bằng những bài hát ru của người Nguồn. Chiến tranh đã lùi xa 39 năm, người mẹ già này lại thong thả têm trầu trong những ngày bình yên, vốn là mơ ước của buổi xuân thì. Nhưng chứng tích của một thời vẫn còn đó khi cái bàn mẹ ngồi đây là chiếc hòm đựng đạn một thời. Cái cối nghiền trầu là vỏ đạn năm xưa. Và cái hộp đựng trầu cũng là mảnh pháo sáng của địch còn sót lại trên mảnh rẫy sau nhà...

Tất cả những thứ đó mẹ luôn mang theo bên mình, gợi cho mẹ những ký ức đã qua. Đó là những ngày mẹ phải băng rừng tìm thuốc chữa bệnh cho bộ đội, là tiếng rên đau đớn của những đứa con bị thương, bị rắn cắn giữa rừng. Đó là những bữa cơm chiều mà mẹ biết có thể đây là bữa cơm cuối cùng mẹ ngồi cùng những người lính trẻ. Và đó là những đêm trăng thanh mẹ tiễn các con lên đường bên bờ suối. Trong số các con mẹ tiễn, nhiều người đã không trở về...

Ngày xưa, nhà của mẹ là điểm dừng chân của nhiều đoàn bộ đội, ngày nay là nơi tụ họp của Câu lạc bộ thuốc nam thôn Yên Hòa. Đó là những người được mẹ truyền cho bí quyết chữa bệnh từ cỏ cây của núi rừng, đã từng cứu nhiều thương bệnh binh trong thời chiến. Mẹ như là một pho sách sống về thuốc quý giữa rừng Trường Sơn. Không chỉ dạy cho con cháu những bài thuốc quý, mà mẹ còn dạy cả những điều hay lẽ phải, cái đạo của người bốc thuốc. Ông Đinh Văn Sang cho biết: “Mẹ dặn chúng tôi là dù nghèo khó cũng phải giữ lấy cái đạo làm người. Không được lấy tiền người nghèo. Gặp người hoạn nạn, dù đêm khuya, mưa bão cũng phải đi cứu giúp họ, không được buồn phiền chi cả...”.

Cựu binh Đinh Văn Sang là con cả của mẹ Điền, người duy nhất trong tiểu đội pháo binh còn sống sót sau một trận đánh ác liệt tại chiến trường Tây nguyên. Ông là thương binh. Sau những năm dài đi dọc Trường Sơn lửa đạn, thêm nhiều năm lặn lội ở chiến trường Campuchia, ông lại trở về quê nhà với nghề bốc thuốc nam của mẹ. Cũng nhờ những cây cỏ này đây mà trong chiến trường ông đã cứu mình và đồng đội qua những ngày bạo bệnh, chữa lành những vết thương từ đạn bom. Để trả ơn núi rừng, trả ơn những đồng đội đã ngã xuống cho ông được trở về hôm nay, ông cùng vợ đã không quản khó nhọc, hằng ngày điều chế những bài thuốc quý để giúp người. Dẫu đôi lúc giá của những toa thuốc chỉ là tượng trưng. Ngày nay, những bài thuốc của ông, những cây cỏ của người Nguồn đã vượt khỏi Trường Sơn để đến với mọi miền Tổ quốc. Nhiều người đã khỏi bệnh, nhiều người đã được cứu chữa từ những bài thuốc giản đơn từ núi rừng. Nhưng ít ai biết rằng cả cây cỏ và cả người làm ra bài thuốc đó đã đi qua cuộc chiến khốc liệt trong quá khứ...

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên