09/09/2021 14:32 GMT+7

Nghĩa địa dưới biển nơi Trạm Vũ trụ Quốc tế sẽ 'an nghỉ'

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Nằm sâu 4km dưới biển, nghĩa địa vũ trụ Point Nemo cách xa mọi vùng đất trên Trái đất và có thể là nơi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) 'an nghỉ' khi về hưu.

Nghĩa địa dưới biển nơi Trạm Vũ trụ Quốc tế sẽ an nghỉ - Ảnh 1.

Một ngày không xa, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sẽ 'đoàn tụ' với các vệ tinh cũ hỏng, mảnh vỡ tên lửa dưới đáy biển. Ảnh: reuters.com

Khi kết thúc sứ mệnh khám phá không gian, các vệ tinh cũ, bộ phận tên lửa và trạm vũ trụ sẽ được dẫn đường đến địa điểm hoang vắng này ở Thái Bình Dương để 'yên nghỉ' vĩnh viễn.

Được đặt theo tên vị thuyền trưởng tàu ngầm trong cuốn tiểu tiểu thuyết viễn tưởng 'Hai vạn dặm dưới đáy biển', vùng nước Point Nemo được ví là 'điểm không thể tiếp cận của đại dương' vì cách xa mọi vùng đất bất kỳ khoảng 2.700 km.

Theo tờ Guardian, Point Nemo sẽ là nơi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) – phòng thí nghiệm quay quanh quỹ đạo Trái đất to bằng một sân bóng đá – kết thúc hành trình. Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh các nhà du hành vừa phát hiện những vết nứt mới trên ISS. Mặc dù có thể không hư hại ngay nhưng chắc chắn ISS đang ở những năm tháng "cuối đời".

Khi tàu vũ trụ 'chết', chúng trở thành mối nguy hiểm cho mọi thứ khác trên quỹ đạo. Các mảnh vỡ đang nhanh chóng làm tắc nghẽn không gian, và ở tốc độ quỹ đạo lên đến 17.500km/h, ngay cả những mảnh tróc sơn nhỏ bé cũng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các tàu vũ trụ khác.

Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), hiện có hàng nghìn mảnh rác ở trong vũ trụ và nguy cơ xảy ra chuỗi tai nạn liên hoàn là rất cao.

NASA cho rằng để ngăn chặn thảm họa như vậy, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi  phóng thứ gì đó vào vũ trụ đều phải có kế hoạch đưa nó đến vùng quỹ đạo xa hơn hoặc trở về để đốt cháy trong bầu khí quyển của Trái đất.

Những vệ tinh hoạt động tầm cao có thể sử dụng phần nhiên liệu cuối cùng để đi sâu vào vũ trụ nhằm tránh gây hại. Trong khi những vệ tinh gần hơn có thể bị đốt cháy hoàn toàn khi quay về khí quyển. Những vệ tinh không bị thiêu cháy có thể rơi xuống Trái đất theo đường bay không xác định, chẳng hạn như tên lửa Trường Chinh 5B hay Trạm vũ trụ Skylab. Nhưng tốt nhất để tránh khả năng bay vào vùng đất có người ở, các mảnh vỡ nên được chỉ dẫn cẩn thận để rơi xuống Point Nemo.

Theo giải thích của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, việc lập mô hình sẽ giúp chọn ra địa điểm mà tàu vũ trụ sẽ đi vào bầu khí quyển cũng như tính toán để đảm bảo các mảnh vỡ sẽ rơi trong một khu vực nhất định.

Năm 2001, trạm vũ trụ Mir của Nga đã hết thời gian sử dụng. Một tàu chở hàng cập bến đã khai hỏa động cơ để đưa Mir ra khỏi quỹ đạo và quay trở lại Trái đất. Các bộ phận bị đốt cháy khi đi vào khí quyển, song vẫn còn khoảng 25 tấn kim loại nguyên vẹn, và rơi xuống nấm mồ dưới nước Point Nemo.

Từ đó đến nay, Point Nemo đã đón thêm nhiều vệ tinh hỏng, mảnh tên lửa và một phương tiện tự động vận chuyển hàng hóa đến ISS tên là Jules Verne.

Một ngày không xa, ISS cũng sẽ được chôn vùi dưới đáy biển. ISS đã quay quanh quỹ đạo Trái đất từ năm 1998 khi Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản và một số nước châu Âu khác bắt đầu sứ mệnh thám hiểm chung.

Các tàu vũ trụ đã sống sót trong không gian và bốc cháy vào bầu khí quyển của Trái đất, đủ cứng để chống lại áp lực nghiền nát ở độ sâu 4km. Ban đầu, các chuyên gia dự đoán trạm vũ trụ này chỉ tồn tại được 15 năm. Hiện nay, nó được cấp phép để hoạt động đến ít nhất năm 2021. Nhưng nó đang dần lộ rõ dấu hiệu 'tuổi cao sức yếu'.

Chỉ hơn một tuần trước, phát ngôn viên Angela Hart tại NASA nói với CNBC rằng mặc dù cơ quan này vẫn đang tích cực làm khoa học và nghiên cứu nhưng ISS sẽ sớm kết thúc vòng đời của nó.

Trong khi đó, nhà thiết kế trưởng của tập đoàn tên lửa và vũ trụ Energia, ông Vladimir Solovyov cho biết phần lớn hệ thống trên khoang vũ trụ của họ đều đã quá hạn sử dụng và điều này có thể dẫn đến những hỏng hóc không thể sửa chữa được.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên