13/06/2011 08:46 GMT+7

Nghệ thuật nói "không" trong công việc

VŨ HUYỀN (Theo Forbes)
VŨ HUYỀN (Theo Forbes)

TTO - Nhiều khi sếp và đồng nghiệp nhờ bạn thực hiện thêm một số việc cho họ. Dù giúp đỡ mọi người là việc nên làm nhưng với lịch trình làm việc dày đặc cộng thêm tần số “nhờ vả” ngày càng nhiều của họ, bạn nên nói “không”.

J96CdVOX.jpgPhóng to
Ảnh minh họa: forbes.com

Thông thường, nhiều người sẽ nói “đồng ý” với những yêu cầu của sếp và đồng nghiệp ngay cả khi họ rất bận rộn bởi không muốn mang tiếng là người hẹp hòi hoặc để gây ấn tượng với người khác. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bạn cần nói “không”.

Theo tiến sĩ tâm lý Susan Newman: “Bằng cách từ chối, bạn có thể tập trung vào mục tiêu của mình. Còn nói “có” với tất cả mọi người có thể ảnh hưởng tới danh tiếng và sự nghiệp của bạn bởi người nhờ vả hi vọng bạn sẽ giúp đỡ họ một cách triệt để trong thời gian ngắn. Nếu bạn không thể hoàn thành, hiển nhiên bạn sẽ mang tiếng là người không đáng tin”.

Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn nói “không” trong công việc mà không làm mếch lòng người khác:

Cân nhắc về lời yêu cầu

Hãy tính xem bạn cần bao nhiêu thời gian để hoàn thành nhiệm vụ đồng nghiệp hay sếp nhờ và nó có phù hợp với lịch trình làm việc của bạn hay không. Tiến sĩ Newman nói: “Tóm lại, trước khi quyết định đồng ý hay từ chối, hãy cân nhắc lợi ích cũng như bất lợi bạn có thể gặp phải”.

Đề nghị giải pháp thay thế

Thay vì thẳng thừng nói “không” với sếp hay đồng nghiệp, bạn có thể đưa ra một giải pháp khác như giới thiệu người khác có khả năng và sẵn sàng giúp đỡ hay đề nghị thực hiện sau khi bạn rảnh hơn.

Trực tiếp nói lời từ chối

Nói từ chối vòng vo qua điện thoại hay email có thể khiến đối phương hiểu sai về bạn. Tốt nhất, hãy nói trực tiếp với họ bằng giọng chân thành.

Tránh đi sâu vào chi tiết

Hãy giải thích lý do bạn không thể giúp đỡ họ một cách ngắn gọn và đơn giản. Nếu bạn liệt kê hàng loạt những nhiệm vụ mình cần hoàn thành, sếp có thể yêu cầu bạn thay đổi lại trình tự ưu tiên công việc. Còn đồng nghiệp có thể coi bạn bày đặt lý do vì không muốn giúp đỡ họ.

Cân nhắc hậu quả

Hãy cân nhắc lợi ích và hậu quả của lời từ chối, cả trên phương diện cá nhân lẫn công việc. Nếu bạn chỉ là nhân viên thực tập hay nhân viên mới, bạn khó có thể nói “không”. Còn nếu là một nhân viên kỳ cựu và nói “có” với bất cứ nhiệm vụ nhỏ mà đồng nghiệp “lười” nhờ vả, bạn sẽ mất thời gian và trở nên quá tải.

Kiểm soát bản thân

Đồng nghiệp nhờ vả có thể tâng bốc, nịnh hót để nhận được câu đồng ý của bạn. Vì vậy, hãy tỉnh táo và xem xét kỹ lưỡng tình huống trước khi trả lời họ.

VŨ HUYỀN (Theo Forbes)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên