10/01/2008 14:48 GMT+7

Nghệ thuật điêu khắc: Vẻ đẹp sang trọng của đô thị đang khởi sắc

THEO THU NGÂNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
THEO THU NGÂNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Trong không khí vui tươi rộn ràng của mùa lễ hội cuối năm, nửa tháng qua, người dân TP.HCM có dịp thưởng lãm một chương trình nghệ thuật đặc biệt do Công ty Đất Lành (Seeds) phối hợp với Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức - Triển lãm điêu khắc ngoài trời với chủ đề “Đời sống tinh thần người Sài Gòn”.

XcfSG6xt.jpgPhóng to

Đồng bào - Hoàng Tường Minh

Đó là tập hợp 25 tác phẩm điêu khắc của chín nhà điêu khắc tên tuổi của TP.HCM (diễn ra tại Công viên Bách Tùng Diệp, ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng, từ 15-12-2007 đến 15-1-2008).

Từ một ý tưởng

Chị Nguyễn Viết Thanh Lan, Giám đốc Công ty Đất Lành, đơn vị chuyên kinh doanh ngành sách trong lĩnh vực kiến trúc, là một người yêu nghệ thuật. Trong những lần đi nước ngoài, chị có dịp ngắm nghía những cảnh quan đô thị đẹp, đặc biệt là sự hiện diện của những tượng điêu khắc làm không gian trở nên sang trọng. Tại sao ở Việt Nam không thực hiện được điều này? Chị ấp ủ dự định sẽ “làm một cái gì đó” cho điêu khắc Việt Nam. Theo dõi những cuộc triển lãm cá nhân của các nhà điêu khắc Việt Nam đương đại, chị rất ấn tượng và muốn tập hợp họ lại, tạo ra một sân chơi mới. Thế là chị mạnh dạn đứng ra làm “bà bầu”.

Có lẽ với các nhà điêu khắc, không gì vui hơn là làm nghệ thuật để cho công chúng thưởng thức, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân thành phố một cách lành mạnh, bởi thế họ nhanh chóng cùng với chị Lan bắt tay vào cuộc. Chỉ trong vòng chưa đến sáu tháng, các nhà điêu khắc đã hoàn thành các tác phẩm của mình với chủ đề “Đời sống tinh thần của người Sài Gòn”.

Tinh thần là cái cần nhất mà nếu thiếu nó, chúng ta sẽ hụt hẫng. Có thể thấy đời sống tinh thần của người dân đô thị hiện nay tuy đã hơn trước nhưng vẫn chưa đa dạng. Những loại hình giải trí như ca nhạc, điện ảnh thì nhiều nhưng có phần dễ dãi, thiếu chiều sâu. Mảng điêu khắc mang tính nghệ thuật cao thì lại là một sân chơi hẹp, khá kén công chúng. Vì vậy, để đem được điêu khắc đến với số đông, những người thực hiện phải quyết tâm làm đến nơi đến chốn.

Chị Thanh Lan cho biết: “Ở nước ngoài, song song với quá trình triển lãm, người ta thường tổ chức những hoạt động khác để “nuôi” những tác phẩm nghệ thuật, đưa nó vào đời sống một cách gần gũi, thiết thực hơn, người dân cũng dễ dàng đón nhận hơn, tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận nghệ thuật, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ. Tôi nghĩ đã đến lúc TP.HCM phải có những nơi nghỉ chân, những khoảng dạo chơi, quảng trường, công viên và kể cả những khu đô thị mới - nơi tự hào là “đô thị cao cấp” sẽ không thể thiếu những mảng nghệ thuật công cộng như: điêu khắc, bích họa, khuôn viên nước… Mà các nhà đầu tư chắc chắn cũng sẽ góp tay một cách tự giác hoặc theo một chính sách nào đó để mỗi công trình riêng biệt hoặc một khu đô thị mới cùng đóng góp từng chút một không gian văn hóa, làm nên một TP.HCM xứng tầm đẳng cấp quốc tế không chỉ riêng về lĩnh vực kinh tế”.

FrDs1eHL.jpgPhóng to

Huyền thoại Tiên Dung và Chử Đồng Tử - Trần Thành Nam

Chung tay vì nghệ thuật điêu khắc

Ý tưởng đã có, kế hoạch cũng đã vạch sẵn, chỉ còn bắt tay thực hiện. Với suy nghĩ “đông tay vỗ nên kêu”, chị Thanh Lan muốn tìm người chung chí hướng với mình và chị đã không khó khăn khi tìm được người đồng hành. Một sự trùng hợp thú vị khi hai nhà tài trợ vàng đều là hai công ty hàng đầu về xây dựng và đầu tư bất động sản: Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình và Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức.

Họ dễ dàng tìm được tiếng nói chung, vì với cái tầm của người kinh doanh xây dựng, đầu tư bất động sản, thì những bức tượng điêu khắc luôn là những điểm nhấn nổi bật trong các sản phẩm của Hòa Bình và Thuduc House. Có đô thị phải có cảnh quan, điêu khắc và tượng là một phần không thể thiếu trong cảnh quan đô thị. “Tôi rất cảm kích và tri ân những nhà tài trợ, họ thật sự là những người bạn đã hiểu và chia sẻ cùng tôi niềm hân hoan khi nghĩ đến việc đưa nghệ thuật điêu khắc đến gần với công chúng hơn, góp phần nâng bộ mặt đô thị lên một tầm vóc mới, sang trọng hơn” - chị Lan nói.

Ông Lê Chí Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức đã nhiều lần tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật - từ thiện khác, nhưng đây là lần đầu tiên ông tài trợ cho triển lãm điêu khắc. Ông cho biết: “Điêu khắc là loại hình nghệ thuật không thể thiếu ở các đô thị phát triển tại nước ngoài, song ở nước ta thì mức độ xuất hiện còn thấp. TP.HCM vẫn còn thiếu những tác phẩm nghệ thuật ngoài trời, người dân thành phố vẫn còn thiếu những tác phẩm điêu khắc đẹp trong sân, trong công viên. Có lẽ một phần vì những cơ hội để họ tiếp xúc với nghệ thuật còn khá ít.

Vì thế thông qua chương trình này, tôi rất mong các quan chức lãnh đạo TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ quan tâm hơn đến lĩnh vực kể trên và tạo những hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi và thật sự quan tâm để khuyến khích phát triển thật nhiều các vườn tượng, các tác phẩm điêu khắc gắn với từng công trình kiến trúc, từng tòa nhà, từng góc nhìn trong không gian kiến trúc đô thị. Nó tạo ra những linh hồn thật sự cho cảnh quan thành phố, nâng cao mỹ cảm và cuộc sống tinh thần của cư dân”.

U8Exorlg.jpgPhóng to

Xin mời ngồi - Hoàng Tường Minh

Bản thân Kiến trúc sư Lê Viết Hải - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình, đối tác với Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức từ nhiều năm qua, cũng là người quan tâm đến kiến trúc - điêu khắc. Ông quan niệm trong xây dựng, ngoài yếu tố bền, đẹp, thì cảnh quan kiến trúc luôn phải được gắn kết với điêu khắc. Đó là xu hướng mà ông luôn nhắm đến trong các công trình xây dựng do công ty mình thực hiện. Trên tinh thần đó, họ sẽ còn hợp tác chặt chẽ với các nhà điêu khắc hơn nữa.

Nói về cuộc triển lãm, ông Hiếu hào hứng: “Đây là bước tiến đáng kể của các nhà điêu khắc Việt Nam trong thời gian gần đây, với nhiều trường phái hiện đại xuất hiện và tạo ấn tượng tốt cho người xem. Nếu trước kia, các tác phẩm điêu khắc thường mang tính chất minh họa lịch sử nên thường chỉ tả thực, thì giờ đây các tác phẩm đã mang tính sáng tạo cao, gợi sức tưởng tượng, bay bổng hơn. Có thể nói đây là những tác phẩm có giá trị, đúng như tên gọi của triển lãm, mong rằng đã đem đến những giá trị tinh thần mới lạ cho công chúng thành phố. Thành công này đã tạo sự khích lệ rất lớn cho các nhà điêu khắc, giúp họ mạnh dạn sáng tạo hơn nữa, và chúng tôi rất vinh dự được đồng hành cùng nghệ thuật điêu khắc Việt Nam trên bước đường phát triển”.

Nhà điêu khắc lão thành Phạm Văn Hạng cũng rất vui trước một sự kiện trong ngành như thế này. Bằng sự điềm tĩnh và trải nghiệm, ông nhận xét: “Mỗi thời đại có ngôn ngữ của thời đại ấy. Triển lãm điêu khắc này là tiếng nói của những người trẻ, bằng lối tư duy trẻ, đã thể hiện được sự sáng tạo mới mẻ, lãng mạn. Tuy nhiên, nếu những tác phẩm này được làm lớn hơn thì sẽ đẹp hơn và như vậy sẽ đòi hỏi không gian lớn hơn, mà điều đó phụ thuộc vào quy hoạch kiến trúc. Tượng là bộ mặt sang trọng của đô thị, tôi khẳng định như thế, còn làm như thế nào để đồng bộ, hài hòa thì hãy cùng bắt tay vào thực hiện”.

8PRhhmgC.jpgPhóng to
Đêm Giáng sinh cho trẻ khuyết tật và mồ côi - một hoạt động diễn ra bên cạnh Triển lãm điêu khắc “Đời sống tinh thần người Sài Gòn”

Được biết, bên cạnh hoạt động chính là triển lãm điêu khắc, chương trình còn có một số hoạt động liên quan như tọa đàm “Cơ hội cho nghệ thuật công cộng tại TP.HCM” phối hợp với Hội Kiến trúc sư TP.HCM tổ chức, cùng với các tình nguyện viên của Auscham tổ chức đêm Giáng sinh cho trẻ em khuyết tật và mồ côi và đặc biệt là Đêm bán đấu giá các tác phẩm điêu khắc để làm từ thiện: ủng hộ đồng bào miền Trung vào ngày 4-1-2008 (số điện thoại liên lạc: 08-8227225). Những người thực hiện cũng mong rằng các doanh nhân, doanh nghiệp bất động sản sẽ cùng họ đưa điêu khắc, đưa cái đẹp vào từng góc công trình của mình, vào những nơi công cộng… để cảnh quan TP.HCM sẽ ngày càng đẹp hơn, văn minh hơn.

THEO THU NGÂNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên