29/01/2011 06:36 GMT+7

Nghệ thuật ăn vụng

ĐỒ BÌ
ĐỒ BÌ

TTC - Trước nay, người ta thường nghi ngờ phẩm giá của con mèo, cho rằng loài mèo là loài ăn vụng. Trình độ ăn vụng của mèo được xếp hạng nhì, sau loài chó “Chó treo, mèo đậy”. Năm nay là năm Tân Mão, cầm tinh con mèo. Tôi xin có biện minh trạng này, cãi... không công cho con mèo vậy.

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

fiy9bBon.jpgPhóng to

Ăn vụng là một quá trình, phải được tập tành từ nhỏ đến lớn. Muốn có bằng cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ thì khá dễ, miễn là có tiền mua. Còn muốn ăn vụng thì phải học, phải đúc kết kinh nghiệm, phải biết... cho người khác cùng ăn mới hoàn thành sự nghiệp ăn vụng.

Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh ký mới 5 tuổi đã học cách ăn vụng. Kỹ nữ trong Lệ Xuân viện đưa cho gã 5 đồng, bảo gã đi mua đào giùm. Gã khôn khéo lấy 1 đồng mua kẹo, chỉ mua 4 đồng đào. Kỹ nữ tưởng gã thiệt tình, cho gã một trái đào!

Lớn lên 8 tuổi, gã thường mua bánh chưng, hoành thánh giùm kỹ nữ. Bánh chưng có 8 góc, gã xé lá chuối nặn 1 góc ra, ăn trước vài miếng rồi sửa lá chuối lại. Hoành thánh 10 viên, gã đưa tay nhón 2 viên, để lại 8 viên.

Năm 13 tuổi, gã vào cung làm thái giám giả mạo. Được giao nhiệm vụ đi đánh tài xỉu, Vi Tiểu Bảo áp dụng thủ pháp tráo hột xúc xắc chơi bạc lận, đánh cho bọn thái giám thua xiểng liểng. Nhưng gã rất khôn, tự dặn mình: “Tốt nhất đừng làm cho người ta để ý tới mình, không nên thua nhiều, không đặt lớn quá. Mình phải thua trước thắng sau để người ta khỏi nghi ngờ”. Và gã đánh theo kiểu thắng 2 lạng, thua 1 lạng. Cứ vậy, ngày nào gã cũng được bạc.

Thế nhưng hay nhất là gã vào phòng thượng thiện giám, ăn vụng các món ăn nấu cho vua và thái hậu. Kim Dung viết: “Gã nhón chân bước tới bốc một cái bánh da lợn cho vào miệng... Lại bốc một viên xíu mại cho vào miệng. Gã giàu kinh nghiệm ăn vụng, biết trong một đĩa, một bát không được ăn quá nhiều thì mới khó bị người ta biết”. Và câu sau đây thì các vị ăn vụng thời nay nên học hỏi: “Gã lại ăn một nhúm đậu rồi lắc lắc cái đĩa để không lộ ra dấu vết ăn vụng”.

Gã cùng Sách Ngạch Đồ đi kiểm kê gia tài bị tịch biên của phản thần Ngao Bái, mới tính sơ sơ đã ra con số 235 vạn, 3.418 lạng bạc. Gã nghe theo Sách Ngạch Đồ, bỏ một nét trong chữ nhị, chỉ còn chữ nhất. Vậy là gã cùng Sách Ngạch Đồ ăn vụng được 100 vạn lạng bạc. Mỗi người trích ra 5 vạn lạng, chia làm quà cho các đại thần, phi tần, thị vệ, thái giám. Mới 13 tuổi, gã đã có gia tài kếch sù 45 vạn lạng bạc bằng ngân phiếu trong túi.

lIQgp1f9.jpgPhóng to

Vi Tiểu Bảo rút ra một kinh nghiệm xương máu: “Tiền bạc qua tay ta phải dính lại một chút ít trà nước mới là thiên kinh địa nghĩa”. Và dù có yêu nhân vật do mình tạo ra, Kim Dung cũng chua chát nhận xét rằng: “Ăn bớt ăn xén, bắt gà trộm chó thì Vi Tiểu Bảo là thiên tài bẩm sinh”.

“Thiên tài bẩm sinh” đó ăn vụng thật xuất sắc. Đi đâu hắn cũng kiếm chác được, lúc nào hắn cũng ăn được và càng ngày càng giàu to. Nhưng hắn cũng biết đạo lý có ăn thì có chia. Hắn chia cho nhiều người phía dưới, gọi là “Cùng chung hưởng vinh hoa phú quý”. Ai cũng ca tụng hắn là con người tinh minh mẫn cán, hào phóng với mọi người.

Dân gian gọi hành vi đó là ăn vụng, ăn của đút. Thời đại ta gọi hành vi đó là tham nhũng, tham ô. Nhưng dù bình dân hay bác học thì bản chất của việc “ăn” đó là vụng trộm, là ăn cái mà đáng lý ra mình không có quyền ăn và không được phép ăn. Thế nhưng, thiên hạ vẫn tiếp tục... ăn vụng. Và đó là lý do chính để có chủ trương phòng chống tham nhũng ra đời.

Năm nào cũng như năm nào, hễ Tết đến là có chỉ đạo của cấp trên cấm cấp dưới biếu xén, tặng quà cho cấp trên. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người theo trường phái “Kiên bạch luận”, cho rằng... tiền không phải là quà! Người ta không hơi đâu mang cây mai to tổ bố hay chiếc tủ lạnh cồng kềnh tới tặng bề trên. Làm như vậy mà đi vào cửa trước thì 4 bên dân phố tò mò bàn tán, kỳ chết mẹ đi! Chi bằng nhét một mớ tiền vào bao thư, hiên ngang ưỡn ngực mà đi, cho nó gọn.

Cái khổ nữa là cấp trên ai cũng nói không nhận quà, nhưng vẫn muốn được tặng quà. Có nhà còn sắm sổ ra ghi nữa chứ! Cứ gần Tết là nhà bề trên đóng cửa trước (tục gọi là tiền môn) mà mở cửa sau (không biết là cái gì môn...) để tiếp khách. Gặp bà vợ nào lơ đãng ham chơi, bỏ đi đánh bài hay uốn tóc, làm đẹp trong những ngày đó là ông chồng chửi liền.

Bởi nghĩa vụ của quý bà là nhận quà thay quý ông. Trời ơi, 7 ngày làm, 10 năm ăn; bộ giỡn chơi sao mà bỏ nhà đi “tám”? Cho nên ai lên án mèo ăn vụng là sai lầm. Con người ăn vụng mới dữ tợn! Họ ăn đến thủng nồi trôi rế, ăn đến nỗi nhân dân cả nước đều cõng nợ. Bài học năm qua vẫn còn là bài học đắng cay. Con mèo có ăn vụng thì cũng chỉ ăn vài miếng mỡ, nào có nhằm nhò chi mà bêu riếu nó?

3swuA6zh.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười Xuân Tân Mão 2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

ĐỒ BÌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên