15/07/2022 09:50 GMT+7

Nghệ sĩ violin Trần Ngọc: Việt Nam với tôi luôn là cảm xúc đặc biệt

HUỲNH VY thực hiện
HUỲNH VY thực hiện

TTO - Mỗi lần nghệ sĩ violin Stéphane Trần Ngọc trở về Việt Nam biểu diễn luôn là sự kiện lớn, gần nhất đêm concert Italian Spirit tại Nhà hát TP.HCM đã "cháy vé".

Nghệ sĩ violin Trần Ngọc: Việt Nam với tôi luôn là cảm xúc đặc biệt - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Stéphane Trần Ngọc biểu diễn tác phẩm violin của Paganini tại Nhà hát TP.HCM - Ảnh: HUỲNH VY

Với ông, điều tuyệt vời nhất chính là niềm say mê âm nhạc chưa bao giờ vơi cạn và một tình cảm đặc biệt hướng về nguồn cội Việt Nam - như lời bộc bạch của ông trong cuộc trao đổi cùng Tuổi Trẻ.

Khi được hỏi về con đường chinh phục tình yêu violin của mình, nghệ sĩ Stéphane Trần Ngọc cho biết:

- Bố tôi là người Việt, mẹ là người Pháp, nhà tôi sống ở ngoại ô Paris. Trường nhạc gần nhà khi đó có dạy piano và violin nhưng piano đắt quá nên tôi chọn violin, tôi cũng là người đầu tiên trong nhà chơi nhạc. May mắn nữa là tôi thích violin và học rất nhanh.

Tôi bắt đầu học từ năm 7 tuổi, đến 15 tuổi thì tốt nghiệp chuyên ngành vĩ cầm và nhạc thính phòng tại Nhạc viện Quốc gia Paris. Rồi tôi sang Mỹ học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ về nghệ thuật âm nhạc.

Hiện tôi sống ở Pháp và Đan Mạch, tham gia giảng dạy tại một số học viện âm nhạc ở Mỹ và châu Âu, thỉnh thoảng làm giám khảo một số liên hoan âm nhạc và các cuộc thi quốc tế. Mọi thứ cứ tự nhiên đến như thế!

Đam mê âm nhạc như một sự ám ảnh

* Violin là một nhạc cụ khó để chơi hay, và càng không dễ để luôn duy trì đam mê?

- Mỗi ngày, tôi đều dành ít nhất 2 giờ để học chơi violin sao cho tốt hơn. Thật khó diễn tả thế nào là "tốt hơn" đúng không?

Về cơ bản, sau 3 năm, khi bạn thông thạo mọi khía cạnh về cấu tạo và kỹ thuật chơi một nhạc cụ, việc chơi nhạc sẽ hoàn thiện và bạn không phải tập trung vào nhạc cụ nữa. Khi đó, cây đàn chỉ còn là công cụ để bạn tạo ra âm nhạc. Hãy quên nhạc cụ đi và chỉ quan tâm âm nhạc mà thôi.

Còn về đam mê, với tôi, âm nhạc gần như một sự ám ảnh. Tôi phải thừa nhận vậy vì tôi không chịu nổi nếu không được chơi nhạc chỉ trong vài ngày. Ta sẽ luôn khám phá thêm được nhiều điều mới khi chơi đàn, dù có chơi trăm ngàn lần đi nữa. Vậy thì sao lại chán được!

Tất nhiên, sẽ luôn có những giai đoạn khó khăn, chẳng hạn như đợt COVID-19 vừa rồi, khi mọi concert ở châu Âu đều bị hủy. Thật khó cho tôi khi không được diễn trong thời gian dài. Bù lại, tôi nhận ra mình có thêm thời gian để tự nhìn nhận lại bản thân và tiếp tục tập luyện.

Ngoài violin, tôi còn chơi thêm một số nhạc cụ khác và luyện lại piano. Bên cạnh âm nhạc, tôi còn thích đọc sách, xem phim, chơi một số môn thể thao, chạy xe đạp, trượt ván, lái xe môtô. Khi căng thẳng, tôi dành thời gian ra biển. Tôi cũng thích đi xem triển lãm và nghe hòa nhạc...

Việc thường xuyên biểu diễn ở nhiều quốc gia đã dạy tôi biết cách thay đổi nhịp điệu của mình cho hòa hợp với những thay đổi của thực tế, và tìm ra sự cân bằng trong cuộc sống.

* Là tiến sĩ âm nhạc giảng dạy tại nhiều trường ở Mỹ và châu Âu, ông có lời khuyên gì cho những bạn trẻ chọn theo âm nhạc cổ điển?

- Học nhạc cụ cũng như mọi môn khác, bạn đừng nghĩ mình phải học mà hãy tìm cho mình động lực để học một cách thoải mái hơn.

Tất nhiên, học nhạc cần thời gian và sẽ dạy bạn tính kiên nhẫn. Kế tới là tìm một người thầy, ta có nhiều thầy cô giỏi ở Việt Nam. Điều quan trọng nhất là ta cần học cách lắng nghe và tận hưởng mọi khoảnh khắc chơi nhạc, điều mọi người vẫn thường quên mất.

Tận hưởng mọi khoảnh khắc, đó cũng là ý nghĩa của việc trình diễn "live". Từ không có gì, rồi bạn chơi đàn và âm nhạc xuất hiện, rồi khoảnh khắc kỳ diệu ấy trôi qua. Tuyệt vời như vậy đấy! Tôi cũng mong mọi người dành thời gian đi nghe nhạc và cho trẻ nghe nhạc nhiều hơn.

Nghệ sĩ violin Trần Ngọc: Việt Nam với tôi luôn là cảm xúc đặc biệt - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Stéphane Trần Ngọc biểu diễn cùng dàn nhạc HBSO tại Nhà hát TP.HCM - Ảnh: HUỲNH VY

"Mỗi lần về Việt Nam, tôi lại càng muốn về nhiều hơn"

* Đã trình diễn ở hơn 30 quốc gia, ông cảm nhận thế nào mỗi khi trở về Việt Nam?

- Biểu diễn với tôi ở đâu cũng thú vị vì điều nghệ sĩ muốn đạt đến luôn là được kết nối và chia sẻ những tác phẩm hay cùng khán giả. Nhưng về Việt Nam biểu diễn là cả câu chuyện dài, và mỗi lần đều đọng lại trong tôi những cảm xúc vô cùng đặc biệt.

Quê bố tôi ở Sài Gòn, nhưng tôi không được biết nhiều về nguồn cội trong thời gian dài. Mãi đến khi có dịp về TP.HCM lần đầu năm 1992, tôi nhận ra mình bị cuốn hút bởi rất nhiều thứ khác bên cạnh việc biểu diễn. Tôi cũng có dịp kết nối với những họ hàng đã thất lạc suốt nhiều năm...

Những điều thuộc về nguồn cội đó đã chạm đến tôi một cách đặc biệt. Có lẽ đó là duyên, vì mọi thứ diễn ra rất tự nhiên và tình cờ. Nhưng sau mỗi lần trở về, tôi lại càng muốn được về nhiều hơn.

* Vậy còn với lần trở về này sau gần 3 năm xa cách vì đại dịch COVID-19?

- 2 năm trước, tôi đã định về Việt Nam nhưng rồi phải hoãn vì đại dịch. Lần này trở lại, trong tôi lẫn lộn nhiều cảm xúc phức tạp.

Chúng ta đều đã trải qua mất mát, nhiều thứ vẫn chưa trở lại nhịp sống bình thường, cũng chẳng dễ chịu khi phải mang khẩu trang suốt chuyến bay dài... nhưng trên hết, tôi vui khi cuối cùng đã được trở lại và thấy mọi người vẫn khỏe mạnh, bình an.

Tôi có 1 tuần tập luyện cùng dàn nhạc HBSO và tranh thủ hướng dẫn masterclass cho các sinh viên nhạc viện. Sau concert, tôi sẽ dành vài ngày để gặp gỡ bạn bè, bay ra Hà Nội và thăm Sa Pa. Còn rất nhiều thứ tôi muốn khám phá ở Việt Nam.

Tôi cũng không muốn về biểu diễn như một nghệ sĩ độc tấu mà là cùng chơi nhạc với mọi người, vì đó mới là hòa nhạc. Hòa nhạc là tác phẩm của tập thể, mọi người cần có cùng trình độ về âm nhạc lẫn tư duy để làm việc nhóm hiệu quả.

* Trở về Việt Nam giảng dạy và biểu diễn sẽ luôn nằm trong kế hoạch của nghệ sĩ thời gian tới?

- Tất nhiên rồi. Bạn biết không, khoảng 15 năm trước tôi từng nghĩ sẽ có lúc mình tạm dừng mọi việc ở châu Âu để về sống hẳn 1 năm ở Việt Nam.

Khi đó, tôi sẽ có nhiều thời gian để đào tạo chuyên sâu cho sinh viên, tập luyện nhiều hơn cùng dàn nhạc, tổ chức thêm nhiều buổi biểu diễn âm nhạc cổ điển cho trẻ em và lắng nghe phản hồi từ khán giả Việt Nam.

Tôi luôn phấn khích khi nghĩ về điều đó. 1 năm nghe hơi khó nhỉ? Hay là 6 tháng? Tất nhiên, tương lai luôn khó đoán. Tôi có 2 cô con gái, và nếu chúng có con, có khi tôi phải hoãn kế hoạch thêm ít năm? Nhưng hiện tôi vẫn chưa lên chức ông ngoại, và vẫn đang tranh thủ thời gian (cười).

Trước mắt, tôi hy vọng có thể sắp xếp khoảng 2 tháng mỗi lần về Việt Nam. Sau mấy năm không về, tôi sắp quên hết những từ tiếng Việt từng học và đang cố gắng học lại. Tôi không muốn trải nghiệm Việt Nam như "du khách", mà muốn được đắm mình vào đời sống thường nhật để cảm nhận phần nguồn cội của mình nhiều hơn nữa.

"Trong âm nhạc, anh Ngọc luôn đòi hỏi đạt đến đỉnh cao, nhưng anh lại rất dễ chịu khi làm việc chung, luôn sẵn lòng chia sẻ mọi kinh nghiệm cho anh em trong dàn nhạc như một người thầy tận tụy.

Chúng tôi nể phục tài năng và yêu quý cách làm việc của anh. Tôi càng trân trọng hơn khi thấy tình cảm sâu sắc anh dành cho mảnh đất quê cha và tấm lòng sẵn sàng trở về đóng góp "bất vụ lợi" cho nguồn cội" - là người làm việc với nghệ sĩ Stéphane Trần Ngọc ngay từ những ngày đầu, NSƯT Trần Vương Thạch, nguyên giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, bày tỏ.

Nội lực và kỹ thuật biểu diễn điêu luyện đã tạo nên danh tiếng cho Stéphane Trần Ngọc tại khắp các khán phòng hòa nhạc lớn ở châu Âu.

Ông cũng là nghệ sĩ người Pháp gốc Việt từng chiến thắng nhiều giải thưởng violin quốc tế danh giá như Lipizer, Paganini, Grand Prix. Ông còn may mắn sở hữu cây vĩ cầm triệu đô được chế tác từ thế kỷ 18, báu vật mơ ước của bất kỳ violinist nào.

Thi Âm nhạc quốc tế violin và Hòa tấu thính phòng Việt Nam 2019 Thi Âm nhạc quốc tế violin và Hòa tấu thính phòng Việt Nam 2019

Cuộc thi Âm nhạc quốc tế violin và Hòa tấu thính phòng Việt Nam 2019 lần đầu tiên do Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 11/8.

HUỲNH VY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên