Phóng to |
Nghệ sĩ Mộng Tuyền hát ca khúc mở đầu chương trình Gợi giấc mơ xưa - Ảnh: Anh Khoa |
* Bà đã chính thức hát trở lại cách đây 3- 4 năm và từng làm đêm diễn riêng “Về với quê hương” vào tháng 12-2007 tại nhà hát Bến Thành (Tp.HCM), tham gia vài sô diễn riêng của đồng nghiệp nhưng vì sao đến nay mới quyết định làm đêm diễn đặc biệt chính cái nơi mình được sinh ra?
- Tôi ấp ủ chương trình này lâu lắm rồi nhưng đến bây giờ mới đủ điều kiện để làm. Chương trình năm 2007 có sự ủng hộ, viện trợ của một số bạn bè nhưng lần này hoàn toàn do tôi và các em của mình đầu tư. Chương trình không tài trợ vì tôi sợ mắc nợ mọi người, đây là món quà nhỏ tri ân khán giả Cần Thơ. Những giây phút được hát phục vụ khán giả quê mình khiến tôi xúc động lắm, cứ nghẹn giọng mấy lần…
* Một số nghệ sĩ khi làm sô cũng hay dùng chữ “tri ân”. Với trường hợp của bà, “tri ân” cụ thể ra sao?
- Tôi muốn tri ân rất nhiều, tri ân tất cả tấm lòng với sông nước Hậu Giang đã nuôi dạy tôi trưởng thành, tri ân khán giả đã thương mến để tôi có thể gắn bó với nghề hát, tri ân nghề để tôi vừa thỏa mãn đam mê ca diễn, vừa có điều kiện kinh tế cáng đáng gia đình….
Phóng to |
Nghệ sĩ Mộng Tuyền ngân ngấn nước mắt khi nói lời mở đầu chương trình “Nghệ sĩ Mộng Tuyền – Tri ân khán giả” - Ảnh: Anh Khoa |
* Bà đã có một thời vàng son rất đẹp mà nhiều người mơ ước trên sân khấu cải lương vào những năm 1960, 1970. Ngày đó, người ta bảo rằng tin tức về bà được đăng hằng ngày trên các mặt báo. Thế nhưng từ khoảng năm 1988 bà theo chồng định cư tại Pháp và lặng lẽ mất hút hơn 20 năm. Đang ở đỉnh cao nghề nghiệp, được báo chí, nhiều người săn đón rồi gần như bị chìm vào… quên lãng. Bà có rơi vào cảm giác hụt hẫng?
- Với tôi, thật tình là không. Mình còn hoạt động thì báo chí mới có việc để nói, còn không làm nghề nữa thì lấy gì đâu mà viết. Tôi cũng biết có một số nghệ sĩ rơi vào tâm trạng như vậy, thậm chí có người gần như trầm uất, đó là do họ thấy cái tôi của mình quá lớn, mắc phải căn bệnh đạo “hồi”, lúc nào cũng hồi tưởng sống trong quá khứ, sống trong hào quang thưở trước mà lãng tránh hiện tại.
Riêng tôi, tôi cho là mình khá tỉnh táo, mỗi giai đoạn của cuộc đời hẳn nhiên là có sự khác nhau, mình phải biết mình ở giai đoạn nào và vị trí của mình ra sao. Như ở tuổi này, tôi chẳng có gì bi quan, chán nản, cây khô nhìn kỹ nó cũng có nét đẹp riêng, huống hồ tuổi già vẫn có cái thú vị riêng của tuổi già!
Phóng to |
Nghệ sĩ Mộng Tuyền và NSƯT Lệ Thủy trong trích đoạn Nửa đời hương phấn - Ảnh: Anh Khoa |
* Một thời gian dài bà từng hát ở đoàn Thanh Minh Thanh Nga, sát cánh và chia nhiều vai diễn quan trọng với NSƯT Thanh Nga. Là nghệ sĩ đàn em, bà có học hỏi hay ảnh hưởng gì từ phong cách diễn của người nghệ sĩ tài hoa ấy?
- Tôi rất quý mến và ngưỡng mộ chị Thanh Nga. Thời còn diễn chung, chị em tôi rất thân thiết với nhau, tuy nhiên mỗi người là một phong cách riêng, không ai giống ai. Có điều tụi tôi học cùng thầy, cùng từ một “lò” Thanh Minh - Thanh Nga nên đều chịu ảnh hưởng phong cách ở đại ban này là diễn một cách rất nhẹ nhàng, tự nhiên không lên gân, over quá!
Phóng to |
Nghệ sĩ Mộng Tuyền trong trích đoạn Mưa rừng - Ảnh: Anh Khoa |
* Ngoài sân khấu cải lương, kịch nói, ca nhạc trữ tình, bà còn được xem là gương mặt rất sáng giá của phim ảnh trước và sau 1975. Khi về nước, bà cũng nhanh chóng được mời tham gia phim Tôi là ngôi sao (2007). Sau phim này, bà còn kế hoạch nào đó với phim ảnh?
- Sau mấy mươi năm mới lại đóng phim trong nước tôi thấy bỡ ngỡ quá. Nó không còn giống như ngày xưa, cập rập, nhanh chóng và vội vã quá nên tôi thấy mình dường như bị động. Tôi không có nhiều thời gian trong khi phim truyền hình thì quay dài ngày, ngoài ra cũng còn nhiều vấn đề nên nói chung là hiện thời tôi không thấy hứng thú lắm với phim ảnh… Giờ chỉ muốn được tắm mình trong hơi thở của sân khấu cải lương, được ca được diễn phục vụ khán giả thân thương!
LINH ĐOAN
Nghệ sĩ Mộng Tuyền tên thật là Huỳnh Thị Kim Loan, sinh năm 1947 tại Cần Thơ. Có tố chất và năng khiếu nên từ năm 14 tuổi đã bắt đầu đi hát với các ban nhạc cổ ở quê nhà. Đến năm 1962, bà đã được các gánh hát ở Sài Gòn mời gọi. Dấu mốc quan trọng là vào năm 1963 bà về hát ở đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và ngay lập tức được các ký giả kịch trường thời ấy ca tụng với vai Mộng Tuyền sơn nữ trong vở Mùa xuân còn mãi. Từ đây, bà lấy tên nhân vật này làm nghệ danh cho mình mãi đến sau này.
Cũng trong năm 1963, Mộng Tuyền đã nhận được giải Thanh Tâm danh giá (cùng lúc với NSND Diệp Lang, NSƯT Bạch Tuyết, Trương Ánh Loan, Tấn Tài, Thanh Tú) với vai vũ nữ Thu Lan trong vở Phu tử tòng tử. Bà được xem là một trong những mỹ nhân của làng cải lương thưở ấy bởi sở hữu nhan sắc mặn mà, giọng ca đầy chất tự sự. Bà đã hát chánh qua nhiều đoàn như Hoa Sen, Phương Nam, Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chung - Bầu Long... với nhiều vở như Nhà chợ một đêm mưa, Phương Dung hoàng hậu, Mạnh Lệ Quân, Thượng phương bảo kiếm, Bọt biển…
Sau năm 1975 bà hát chánh cho các đoàn Trúc Giang, Phước Chung, Dạ Lý Hương - Mộng Tuyền… Sau khi nghệ sĩ Thanh Nga bị sát hại, bà hát thế vai thái hậu Dương Vân Nga tại đoàn Thanh Nga cũng rất thành công. Bà cũng đoạt HCV trong Liên hoan sân khấu toàn quốc với vở Bóng tối và ánh sáng.
Về phim ảnh, bà là gương mặt được nhiều đạo diễn săn đón trong các phim Chân trời tím, Phận má hồng, Em về giữa hoàng hôn, Còn gì cho nhau, Gánh hàng hoa, Cô Nhíp, Trang giấy mới… Bà từng được phong làm Ảnh hậu và đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc trong Liên hoan phim Việt Nam với vai bác sĩ Mai Trâm trong phim Tình yêu của em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận