Đường hoa Nguyễn Huệ 2014 đã sẵn sàngĐề xuất chủ đề Đường hoa Nguyễn Huệ 2014: “Thành phố tôi yêuĐường hoa Nguyễn Huệ - xuân Giáp Ngọ trước giờ khai mạc
Nghệ nhân Nguyễn Minh Phương (trái) làm đế cho hai chú ngựa - Ảnh: Yến Trinh |
Chúng tôi gặp nghệ nhân Nguyễn Minh Phương (50 tuổi) khi ông đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng cho hai chú ngựa ở đường hoa Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM). Ông Phương đã gắn bó với việc “biến hóa” linh vật qua tám mùa tết ở đường hoa này.
Tạo hình, tạo hồn linh vật
Ông Phương cho biết điều khó nhất khi tạo hình linh vật cho đường hoa là nhìn linh vật phải có hồn và phản ánh được tinh thần, ước mong của con người: thành công, may mắn trong năm mới.
Từ cách đây một tháng, ông Phương cùng nhóm cộng sự của mình đã đem dụng cụ, nguyên vật liệu đến đường hoa để tạo hình linh vật theo thiết kế của đơn vị tổ chức đường hoa. Năm nay, ông tạo hình tất cả bảy chú ngựa - năm chú ngựa ở đại cảnh “Dòng thời gian” kéo xe hoa như thông điệp “mã đáo thành công” và hai chú ngựa ở cuối đường Nguyễn Huệ đang tung vó dũng mãnh.
Để tạo hình ngựa, ông dùng những khối mốp lớn được cắt tỉa theo dáng ngựa đang tung cao vó, phủ thạch cao bên ngoài và làm “xương” ngựa bằng những thanh gỗ, sau đó phủ lớp sơn dạ đá. Công đoạn chở ngựa từ nhà ông ở Q.7 lên đường hoa cũng phải cẩn trọng nên tám năm nay ông chỉ “tín nhiệm” một tài xế xe tải.
“Tạo hình ngựa vất vả nhất là khâu tạo dáng mặt, đôi mắt, bờm, nhìn sao cho tự nhiên. Mốp cắt cũng phải cẩn thận mới có thể đạt độ cong đẹp” - ông Phương nói. Còn những năm trước, tạo hình rắn, trâu, gà… cũng do ông Phương đảm nhiệm. “Khó nhất là tạo hình rồng năm 2012 vì hình dáng uốn lượn và nhiều chi tiết phức tạp như vảy, râu...Vì linh vật là điểm nhấn quan trọng nhất của đường hoa nên lần đó tôi làm suốt hai tháng, có ba đêm ngủ luôn ở đường hoa trong cái thùng giấy để làm cho kịp”, ông Phương nhớ lại.
Mỗi ngày, ông Phương cùng nhóm cộng sự đến đường hoa từ 7g30 làm đến chiều tối mới về, có khi hăng say quá 13-14g mới ăn cơm trưa, rồi nghỉ trưa một chút ngay tại đường hoa. Niềm vui của ông là nhìn thấy các linh vật mình tạo hình đã hoàn thành, góp thêm niềm vui cho năm mới. “Sau khi đường hoa khai mạc, tôi thường đi cùng gia đình ra đường hoa, nhìn mọi người hào hứng chụp hình bên mấy linh vật là niềm vui càng nhân lên”, ông chia sẻ.
Ông Đào Văn Dúp chuẩn bị trái cây cho bộ tứ linh ngày Tết - Ảnh: Bảo Châu |
Và nghệ nhân làm mâm ngũ quả
Giáp tết, bước vào nhà nghệ nhân Đào Văn Dúp (ấp Thới Tứ, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM), không khó để nhận ra hơn nửa khu nhà kho đầy ngập trái cây, từ mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, thơm đến các loại chuyên dùng cho tạo hình trái cây như ớt, tỏi, cúc bách nhật, dừa nước...Toàn bộ số trái cây này sẽ được cả nhóm của ông Dúp dựng tạo hình Long, Lân, Quy, Phụng tại Đền Bến Dược (Củ Chi).
Tại khu vực ngoại thành Hóc Môn, Củ Chi, bên cạnh hoa Tết, việc chưng mâm ngũ quả, tạo hình trái cây tứ linh đón Tết cũng là một truyền thống, phổ biến nhất là tại các đình chùa, lăng miếu, sau là đến các nhà thờ tộc, các công ty và cả nhà người dân. Tùy theo con giáp của từng năm mà nhu cầu cũng có sự tăng giảm khác nhau. Ông Dúp cho biết: "Năm con hổ, con rồng thì rất nhiều người đặt làm, kể cả tư gia. Năm nay con ngựa thì hình tượng phổ biến là Mã đáo thành công, nhưng làm bộ này phải có nhiều con ngựa cùng lúc, tốn kém quá nên cũng ít người đặt làm, chủ yếu là chưng mâm ngũ quả hoặc làm tứ linh".
Để chưng một mâm ngũ quả đầy đặn, tạo hình đẹp, cân đối, chi phí vào khoảng 100.000 - 200.000 đồng, tạo hình tứ linh chi phí khoảng 2 triệu đồng, tùy theo gia chủ mua trái cây hay nhóm làm trái cây chuẩn bị. Với hơn 50 năm kinh nghiệm trong nghề, được xem là nghệ nhân hàng đầu về tạo hình trái cây ở TP.HCM, ông Dúp cũng nhận định thêm: "Trước đây, cúng ông bà phải chọn những loại trái cây ngon nhất, đẹp nhất, nhưng gần đây, khi Tết đến thì việc buôn bán trái cây chưng mâm quả trở nên hết sức chụp giựt. Trái còn sống, còn non cũng bị đưa hết ra chợ bán, chủ yếu là thu lợi nhuận chứ ý nghĩa thiêng liêng trong tín ngưỡng thì không còn nhiều nữa, đó cũng là một điều mà chúng tôi cảm thấy rất băn khoăn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận