Vào khoảng ba tháng tuổi, cây lục bình bước vào giai đoạn trưởng thành, thân cây dài khoảng 60 cm. Đây là lúc thích hợp nhất để thu hoạch, cắt sát gốc, vạt bỏ lá, phơi nắng vài ba bữa cho héo khô, thành nguyên liệu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Loại hàng thủ công mỹ nghệ từ thân cây thủy thảo này đã giúp người chưa có nghề ổn định, không có đất đai sản xuất có công việc ổn định.
Việc phát triển mô hình đan lục bình tại xã Vĩnh Thạnh (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) đã giúp giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương và dần nâng cao cuộc sống, cùng chính quyền địa phương thực hiện giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Tại ấp Vĩnh Thanh (xã Vĩnh Thạnh) hiện có hơn 100 phụ nữ học nghề đan lục bình và đã cải thiện được cuộc sống từ nghề đã học. Nguồn thu nhập này tuy không lớn, nhưng nó đã góp phần đáng kể cho chị em, nhất là phụ nữ dân tộc Khmer ở vùng sâu trong việc xóa đói, giảm nghèo.
Do việc đan lát tại nhà vừa tiện lợi cho việc chăm sóc gia đình, vừa có nguồn thu nhập thêm ngoài làm ruộng, vườn, chăn nuôi, nên ai cũng phấn khởi.
Một phụ nữ ngụ ấp Vĩnh Thanh cho biết, ngoài công việc nhà, mỗi ngày chị tranh thủ đan được mười sản phẩm, thu nhập được 55.000 đồng; còn nếu làm thường xuyên mỗi ngày khoảng 20 sản phẩm, thu nhập sau khi trừ chi phí là hơn 100.000 đồng; còn nếu cây lục bình tự tìm kiếm ngoài sông đem về phơi khô, sau đó tự làm có được 150.000 đồng/ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận