05/06/2023 10:22 GMT+7

Nghề chi mà lạ rứa trời - Kỳ 5: Người sửa đài radio cuối cùng ở đất cảng

Những địa chỉ sửa đài radio lâu năm ở Hà Nội mà chúng tôi tìm lại đã không còn, người sửa loại đồ cổ này ngày càng hiếm. Thế nhưng ở Hải Phòng lại có người thợ già quanh năm không hết việc.

Phòng sửa đài của ông Toàn như ngược dòng thời gian về thập niên 1970 - 1980  - Ảnh: VŨ TUẤN

Phòng sửa đài của ông Toàn như ngược dòng thời gian về thập niên 1970 - 1980 - Ảnh: VŨ TUẤN

14 tuổi mới được sờ tận tay vào chiếc bán dẫn, đến giờ gần 77 tuổi đời ông vẫn mày mò với những chiếc đài cũ kỹ.

Con cháu tôi thành đạt cả rồi, thu nhập từ chữa đài thì đáng bao nhiêu. Nhưng khách đã gửi đài đến cho tôi là họ quý chiếc đài ấy lắm! Kỷ vật của họ, tôi cố gắng giữ lại kỷ niệm cho họ thôi.

Ông PHẠM BẢO TOÀN

Chiếc đài đầu tiên chế từ máy bay Mỹ bị bắn rơi

Tài sản quý nhất trong căn nhà giản dị của ông Phạm Bảo Toàn (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) là vài chiếc đài radio cổ. Một bộ dàn âm thanh băng cối, một dàn đĩa than và một ngăn tủ đựng băng đĩa. Chủ yếu là những đĩa nhạc giao hưởng, hòa tấu ông sưu tầm được từ vài chục năm trước.

Người ta giới thiệu ông Toàn là một trong những người thợ cuối cùng ở đất cảng Hải Phòng còn sửa đài radio, cassette cổ. Chúng tôi mất hai ngày dò hỏi ở chợ Sắt và những cửa hàng bán đồ âm thanh cổ nhưng chỉ tìm được địa chỉ của ông Toàn. Một vài người thợ khác đã lớn tuổi, có thể đã không còn nhận sửa chữa.

Ông Toàn chưa một ngày đến trường kỹ thuật điện tử, mà tự đọc qua sách báo. Thế nhưng thấm thoắt đã hơn 60 năm ông gắn bó với nghề. Tìm cả Hà Nội và Hải Phòng, người sửa đài cassette, radio chẳng đếm nổi hết đầu ngón tay.

Những tay sưu tầm đài cổ khét tiếng ở Hà Nội cũng ngậm ngùi tiếc nuối: "Các cụ mất rồi, thế hệ sau này sửa máy vi tính thì nhiều chứ chẳng mấy người sửa cái đồ cổ lỗ sĩ này nữa".

Ngay ở đất Hải Phòng - nơi mà giới sưu tầm đồ điện tử "hàng bãi" coi như là khu "chợ đầu mối" lớn nhất miền Bắc - cũng chẳng còn mấy người.

Thời hoàng kim, Hải Phòng có cả dãy phố chuyên sửa chữa đồ điện tử. Những tay buôn hàng bãi nhập cả container về, phục chế rồi mới đem bán. Ông Toàn cũng nhận sửa nhiều cho tay buôn, nhưng thời đó giờ chỉ còn là quá khứ thương nhớ.

Vài tuần nữa, ông Toàn bước sang tuổi 77, nhưng ông nói đôi mắt mình vẫn sáng như loài hải âu để nhìn rõ từng đoạn mạch mảnh như sợi tóc và bàn tay đưa mỏ hàn dứt khoát, chính xác như bác sĩ phẫu thuật.

Ông thú nhận chưa từng động tới một giọt rượu, một điếu thuốc, mà chỉ say... mùi nhựa thông cháy của mỏ hàn thiếc.

Chiếc đài đầu tiên trong đời người thợ này là đài "ba bóng chín chân" được dựng từ linh kiện máy bay rơi. "Năm ấy, bộ đội bắn rơi hai máy bay bên Thủy Nguyên, tôi đạp xe lên đó gặp mấy anh dân quân, nịnh người ta mãi mới mua được mấy cái bóng bán dẫn. Thế là tôi dựng lại được chiếc đài đầu tiên bắt sóng nghe ca nhạc", ông kể.

Lúc đó ông là cậu thiếu niên 14 tuổi, đang học lớp 10. Cậu Toàn "còi" chỉ mê mẩn với mấy tờ tạp kỹ Bưu Điện Truyền Thanh (tiền thân của tạp chí Thông Tin Và Truyền Thông sau này).

Ông tiếc không giữ được chiếc đài đầu tiên ấy sau nhiều lần chạy loạn vì bom đánh sập nhà, nhiều năm lang thang khắp nơi sửa đài.

Ông chỉ tả lại những chiếc bán dẫn cổ lỗ như những bộ phận tăng âm ông tự chế ở góc bàn làm việc: "Đây, amply này tôi tự làm bằng đồ cổ đấy". Người thợ già khoe "dàn âm thanh" góc bàn làm việc, phô ra mấy chiếc bóng bán dẫn to bằng quả trứng gà.

Ông Toàn sửa chiếc máy hát đĩa cũ đầy hoài niệm - Ảnh: VŨ TUẤN

Ông Toàn sửa chiếc máy hát đĩa cũ đầy hoài niệm - Ảnh: VŨ TUẤN

Đi khắp nơi sửa "chim báo bão" cho ngư dân

Nhớ thời thanh niên, ông Toàn được xét vào Đại học Nông nghiệp. Lên Hà Nội rồi trường phải sơ tán về Cao Bằng, sang năm thứ hai thì ông trốn biệt, đi sửa đài kiếm sống.

Vài năm sau, ông được nhận làm ở Xí nghiệp đóng tàu Hải Phòng. Bom Mỹ bắn phá, ông chuyển vào tổ rà phá bom. Lúc ấy là năm 1970, tổ ông được trang bị chiếc đài Rulin của Hungary. Tổ cải tiến cái đài đó thành... máy dò kim loại.

Lần đó, ông lên tàu ra đảo Cát Hải. Tàu chạy lòng vòng tránh thủy lôi đến tối mới ra được đảo, ông xin ngủ nhờ nhà một người dân gần bến tàu. Trong nhà có bốn chiếc đài hỏng. Chủ nhà là người đi biển, chiếc đài là phương tiện duy nhất để nghe dự báo thời tiết, thông tin từ đất liền.

Sáng hôm sau, ông Toàn đón tàu về nhà, mang đồ nghề, quần áo, kiếm thêm mấy cục pin "con thỏ" và một chiếc mỏ hàn nướng (mỏ hàn đốt bằng đèn dầu) quay lại đảo.

Buổi tối đầu tiên, ông sửa chiếc đài hỏng của chủ nhà kêu rẹt rẹt rồi oang oang "Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa"... Cả xóm đảo xôn xao về tin có người chữa được đài.

Người ta mang đài đến cho ông Toàn sửa đông như đi chấm công hợp tác xã. Cả tàu đánh cá ngoài biển đi qua Cát Hải cũng rẽ vào nhờ sửa. Nhưng người ta không biết tên ông Toàn, chỉ gọi ông là "ông sửa đài".

Sửa xong cho dân Cát Hải, ông được mời ra Cát Bà, ở luôn nhà ông trưởng đồn biên phòng để sửa đài cho dân đảo. Rồi lại có người đi thuyền đến tìm ông, đưa ông đi rong ruổi sửa đài dọc biển từ Cát Bà, Quảng Yên, Hạ Long rồi lên tận Móng Cái.

"Chiếc đài trên thuyền như chim báo bão ấy. Người đi biển không có đài rất khó tránh bão. Họ cũng nghe thời tiết để phán đoán luồng cá nên chiếc đài quý lắm! Tôi thấy vui nhất là mình sửa được phương tiện báo thời tiết cho họ", ông Toàn cười hiền.

Mong có truyền nhân

Sau này, khách của ông Toàn ở khắp nơi từ Hà Nội, Lào Cai và cả trong miền Nam... "Họ là tay buôn cũng có, thợ sửa đồ điện khác cũng có, nhưng nhiều hơn là những người muốn giữ lại kỷ niệm một thời. Radio, cassette bây giờ người ta trưng bày là chính, nhưng ai đã muốn sửa tức là họ phải quý chiếc đài ấy lắm!", ông Toàn nêu lý do mê mẩn với công việc.

Và thời hiện đại này, ông thợ già vẫn mê mẩn với những chiếc đài bán dẫn cục mịch. Ông "thất thập cổ lai hy" vẫn chạy xe máy ra bến xe khách nhận đồ, gửi đồ cho khách. Có lần chở đài nặng, bị quẹt xe ngã gãy cả xương quai xanh. Lần ấy, vợ con ông thuyết phục ông nghỉ sửa chữa, nhưng khỏi bệnh ông lại dọn đồ ra tỉ mẩn với mỏ hàn thiếc.

Năm ngoái, ông phải nhập viện điều trị tiền liệt tuyến, nằm đọc tin nhắn của khách, sốt ruột lại trốn viện về sửa đài. Con gái ông về nhà bất chợt, "bắt quả tang" cha mình vẫn mặc áo sọc của bệnh viện, bên hông toòng teng ống thông tiểu đang ngồi sửa đài.

Người thợ già lôi trong tủ ra một đống sách vở không phải của ông mà của những "đệ tử" đã "bỏ của chạy lấy người". Ông giữ lại làm kỷ niệm, vẫn mong có người đủ kiên nhẫn học nghề.

Vào thời hoàng kim của nghề sửa chữa điện tử, nhiều khi có dăm bảy người tìm đến xin làm "đệ tử" của ông. Ông cũng muốn truyền nhân, vừa có người bầu bạn vừa có người giúp lúc việc ngập nhà.

Thế nhưng người kiên nhẫn lắm thì được nửa năm, người sốt ruột thì được hơn một tháng là gãi đầu gãi tai "khó lắm!". Ngay cả cháu ông đang trong quân đội, cũng đam mê "đài đóm", quyết tâm lắm! Ấy nhưng được ba tháng thì anh chàng pha một ấm chè ngon, để bác ngồi ngay ngắn rồi xin được... thôi học.

Ông Toàn chưa lấy học phí của ai bao giờ. Ông muốn "đệ tử" thật lành nghề, ra ngoài mở tiệm, kiếm được tiền rồi cảm ơn ông đồng nào thì ông nhận đồng ấy. "Đến giờ tôi vẫn mong có người đủ kiên nhẫn, quyết tâm để làm học trò.

Mỗi chiếc đài là một món đồ kỷ niệm của khách, nên mỗi lần cứu một chiếc mô tơ, thay được một chiếc tụ bật nút play để đài "nói" được là tôi vui như tìm lại được kỷ niệm cho chính mình", ông Toàn mỉm cười.

****************

Dọc đường từ thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) hướng về TP Nha Trang, du khách hay thấy những người tay bao tay cào miệt mài gom lá thông khô trên những đồi dốc thoai thoải.

Kỳ tới: "Gom tiền" từ nghề hót lá thông khô

Nghề chi mà lạ rứa trời - Kỳ 1: Chuyện đời bên chiếc áo mưa ráchNghề chi mà lạ rứa trời - Kỳ 1: Chuyện đời bên chiếc áo mưa rách

Vá áo mưa rách, hàn đồ nhựa, sửa viết hư, đổi tiền nát... Những nghề tưởng chỉ còn là ký ức khó quên của thời bao cấp nghèo khó nhưng vẫn đang lặng lẽ tồn tại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên