18/02/2011 05:15 GMT+7

Ngày thơ đã thành thông lệ

VIỆT HOÀI
VIỆT HOÀI

TT - Đã thành thông lệ từ 10 năm nay, hội thơ ngày rằm tháng giêng tiếp tục thu hút sự quan tâm của những người yêu thơ. Nhưng những cố gắng làm mới thơ của những người trong cuộc có vẻ ngày càng hụt hơi.

Ngày thơ Việt Nam lần 9

VrJ63tvU.jpgPhóng to

Ký tên vận động đề nghị phong tặng “Quốc thơ” cho lục bát VN - Ảnh: V.Hoài

Sáng 17-2 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), dưới mưa phùn dầm dề của tiết Nguyên tiêu, người yêu thơ - dù không quá đông đúc chen lấn như mọi năm - vẫn cùng đội mưa để chứng kiến ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam rước đất và nước (Đất và nước cũng là chủ đề của ngày thơ năm nay) đến khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2011.

Tại đây, tập thơ Người đi tìm hình của nước với hơn 300 trang thơ của các nhà thơ trong và ngoài nước viết về Bác Hồ được ra mắt dưới hình thức các tấm panô lớn được trang trí khá công phu.

Trước đó, vào chiều 16-2, tại trụ sở Hội Nhà văn VN, chủ tịch hội - nhà thơ Hữu Thỉnh - đã làm lễ dâng hương trong lễ đón rước đất từ nhà Bác Hồ ở làng Sen và nước từ nguồn nước Pắc Bó, Cao Bằng.

Hành khúc rộn ràng được giữ nhịp bởi dàn kèn đồng trên nền những khúc quân hành đã quá quen thuộc thời chiến (bài hát “nhẹ đô” nhất là Cung đàn mùa xuân của Cao Việt Bách - được sáng tác từ những năm 1980), kéo dài suốt gần 30 phút mở đầu của hội thơ tại sân thơ chính đã “mặc định” cho những bài thơ sẽ được đọc ở đây đậm chất truyền thống và tráng ca.

Tại sân thơ trẻ, sân khấu với màn hình rất lớn được cách điệu như một chiếc máy tính với chủ đề Blog thơ xuân, như mọi năm vẫn là sân chơi của những người trẻ, có thể về tuổi đời (như hầu hết các nhà thơ lên trình diễn thơ và có thơ bày ở đây: Phong Điệp, Đặng Chân Nhân...), cũng có thể trẻ về phong cách thơ (Mai Văn Phấn...) nhưng chất trẻ được cảm nhận chủ yếu ở khâu giới thiệu của ban tổ chức và sự tự do khi lên trình diễn, còn cái mới và cái lạ như thuở đầu mạnh dạn phá cách “trình diễn thơ” đã không còn. Kể ra cũng khó mỗi năm mỗi mới, nhất là với thơ.

Một trong những không gian gây ấn tượng nhất của ngày thơ lại là quán thơ lục bát của Hội những người yêu thơ lục bát VN. Hồn nhiên, dân dã và có phần hơi quá tự tin, họ đang vận động lấy chữ ký để đề nghị phong tặng “Quốc thơ” cho lục bát VN (!?). Những người mê lục bát có website lucbat.com và còn vận động chữ ký tại chỗ. Rất nhiều cụ ông, cụ bà và khách nước ngoài đi xem ngày thơ đã vui vẻ ký vào các dải lụa rất dài để trên các bàn vận động.

Đây là một hoạt động tự phát, hồn nhiên và hoàn toàn độc lập với Hội Nhà văn cũng như ban tổ chức Ngày thơ VN. Kết quả chưa biết đến đâu, vì nhiều người đã lập tức quên thơ ngay khi ra đến cửa Văn Miếu, nhưng cũng chứng tỏ tình yêu không vụ lợi với thơ của nhiều thế hệ người làm thơ và đọc thơ VN.

______________________

Z0zUDYBT.jpgPhóng to

Được xem là phần phụ của chương trình, nhưng chính sân chơi của các CLB thơ thành phố lại tạo nên sắc màu hội thơ nhiều nhất - Ảnh: V.Quê

“Thơ trẻ thành phố không bao giờ sôi động”

“Thơ trẻ thành phố chưa từng sôi động và sẽ không bao giờ sôi động qua chín lần tổ chức ngày thơ, bởi đó chính là đặc điểm của thơ trẻ thành phố, khi mà chúng tôi mang đến ngày thơ này những sáng tác tâm đắc nhất, là kết tinh của tình yêu thơ mãnh liệt nhưng thầm lặng, chứ không phải để trình diễn huyên náo”... Đó là lời giải thích của nhà thơ Phan Hoàng - thành viên ban tổ chức Ngày thơ VN tại TP.HCM, trưởng ban nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM, người đứng ra thiết kế chương trình Thơ trẻ năm nay - xung quanh câu hỏi vì sao sân thơ trẻ năm nào cũng “buồn buồn”.

Mặc dù được thiết kế là phần 2 chương trình, nhưng như mọi năm, sân thơ trẻ được xem là “đinh”, được kỳ vọng và ủng hộ nhiều nhất. Tuy nhiên năm nay Thơ trẻ chủ yếu là kịch bản giới thiệu những tác giả thơ tân hội viên như Trương Gia Hòa, Lê Thùy Vân, Trần Hoàng Nhân...

Còn hai nhà phê bình tân hội viên là Đoàn Lê Giang và Phạm Ngọc Hiền thì giới thiệu gương mặt thơ sinh viên của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn và ĐH Sài Gòn. Hai nhà văn tân hội viên là Vũ Đình Giang và Phan Hồn Nhiên cũng được mời lên sân khấu để phát biểu, nhận hoa tặng rồi... nhường sân khấu cho các nhà thơ. Bởi chương trình được thiết kế chủ yếu để tôn vinh các nhà thơ trẻ hội viên nên sân thơ trẻ kém đi sự phong phú, hấp dẫn và diễn ra khá chóng vánh.

Trước đó, chương trình mở màn với chủ đề Từ thành phố này Người đã ra đi với phần trình diễn thơ nhạc của nhiều tác giả.

Đây là lần đầu tiên Ngày thơ VN tại TP.HCM được tổ chức ở Bến Nhà Rồng (Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM, số 1 Nguyễn Tất Thành, Q.4).

Sau nhiều lần chuyển địa điểm, công chúng thơ có vẻ “rơi rụng” dần, nhưng bù lại nhờ Bảo tàng Hồ Chí Minh thường xuyên là địa điểm tham quan của các đoàn học sinh, sinh viên, nên ngày thơ được “ăn theo” một lượng công chúng trẻ khá đông đảo khiến không khí vui vẻ, tấp nập.

VIỆT HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên