Bà Stefanie (bìa trái) thăm hiện trường rà phá bom mìn ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cuối tháng 3-2018 - Ảnh: NGÔ HIỀN
Thông tin này được bà Stefanie, quản lý các chương trình và chính sách liên quan đến rà soát bom mìn còn sót lại sau chiến tranh thuộc Bộ Phát triển quốc tế Anh (Department For International Development - DFID), cho biết nhân dịp đến Quảng Trị khảo sát hiệu quả của những dự án rà phá bom mìn cuối tháng 3-2018.
Biết làm gì khi gặp bom mìn
Theo bà Stefanie, Chính phủ Anh vẫn sẽ hỗ trợ ba lĩnh vực hoạt động tại Việt Nam gồm rà phá bom mìn, giáo dục nguy cơ bom mìn và phát triển năng lực cho chính quyền trung ương và cấp tỉnh. Trong đó, lĩnh vực giáo dục nguy cơ bom mìn sẽ được tập trung hơn.
Chính việc nâng cao nhận thức về bom mìn đã góp phần thay đổi hành vi cho hàng ngàn người dân Việt Nam trong những năm qua, từ đó người dân tự biết cách phòng tránh. Khi thấy bom mìn, người dân biết cách báo cho đội xử lý bom mìn lưu động của các tổ chức rà phá bom mìn chuyên nghiệp, thì sẽ giảm thiểu được tối đa tai nạn về bom mìn.
Cũng theo bà Stefanie, tại Việt Nam, Chính phủ Anh nhận thấy vẫn còn ô nhiễm bom mìn nặng nề, trong đó có bom chùm. Đây là lý do tại sao Chính phủ Anh quyết định hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam từ năm 2008.
"Chính phủ Anh cam kết bảo đảm duy trì khắc phục hậu quả bom mìn cứu mạng sống, giúp người dân sống không sợ hãi bom mìn, giải phóng đất để sản xuất và tạo điều kiện cho các chương trình phát triển. Giải quyết mối đe dọa bom mìn là quan trọng trong việc bảo đảm bình yên thực sự, ổn định và phát triển cho người dân Việt Nam" - bà Stefanie nói.
Riêng tại Quảng Trị, bà Stefanie cho hay việc khắc phục hậu quả bom mìn đang được lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đất ô nhiễm được rà phá đầu tiên khi triển khai các dự án phát triển.
Hiện diện tích đất ô nhiễm bom mìn của Quảng Trị còn khá lớn. Vẫn còn nhiều người dân bị bom mìn đe dọa an toàn. Vẫn còn nhiều việc phải làm để trả lại sự bình yên hoàn toàn cho mảnh đất này
Ông Nguyễn Đức Chính (chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị)
Tiếp tục có thêm nhiều hỗ trợ
Ông Hoàng Nam, giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, nói sự đóng góp của DFID đối với việc rà phá bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Trị trong gần 10 năm qua là không nhỏ khi chỉ tính riêng tổ chức này đã tài trợ cho Quảng Trị đến 8,3 triệu USD. Diện tích đất ô nhiễm bom mìn được trả lại an toàn, theo bà Stefanie, đã lên đến 4,3 triệu m2 chỉ trong ba năm từ 2014 đến 2016.
"Hai năm tới, DFID còn tăng mức hỗ trợ lên gấp nhiều lần cho Quảng Trị, vì hiệu quả mà các dự án rà phá bom mìn tại đây mang lại cho người dân. Mức hỗ trợ trong hai năm tới có thể lên đến 5 triệu USD. Đồng nghĩa sẽ có thêm hàng triệu mét vuông đất tại Quảng Trị được giải phóng khỏi nguy cơ bom mìn" - ông Nam nói.
Theo Trung tâm Điều phối khắc phục hậu quả chiến tranh tỉnh Quảng Trị, tỉnh này đã có trên 3.430 người chết và 5.100 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, trong đó có rất nhiều trẻ em. Kết quả khảo sát của Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn Bộ tư lệnh công binh cho thấy hơn 81% diện tích đất bị nghi ngờ ô nhiễm bom mìn.
Tính đến nay, các dự án rà phá bom mìn với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế từ Anh, Mỹ, Đức... đã rà phá an toàn hơn 132 triệu m2 đất bị ô nhiễm nặng, xử lý an toàn 650.000 quả bom mìn, vật nổ các loại ở tỉnh Quảng Trị. Hơn 350.000 lượt học sinh và người dân đã được tiếp cận với chương trình "Giáo dục phòng tránh bom mìn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận