![]() |
Vì lẽ đó, bước qua tuổi “tứ thập bất hoặc", già rồi, tôi đâm ra nhớ bài chòi mà mình đã từng chơi, nghe thời thơ ấu: Vợ lo nếp, lá, đậu, mè... Chồng lo mài rựa chặt tre dựng chòi. Khi đến Hội An, tôi đã "lao tâm khổ tứ" để sưu tầm được "hàng độc" là những câu hô bài chòi rất thú vị. Nay tôi xin cống hiến cho bạn đọc TTC, chứ không giữ "làm của riêng" nữa.
Chẳng hạn, đây là lời hô mở đầu: Gió xuân phảng phất cành tre Mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi Bài chòi bài tới là ba mươi lá Dang tay sớn sá là gã Âm ầm Trợt té xuống hầm là anh Tứ cẳng Nước da trắng trắng là chị Bạch huê Một cổ hai kề là anh Chín gối Ba chìm bảy nổi là chú Sáu ghe Lập bạn lập bè là anh Ngũ dụm Lùm đùm lụm đụm xách bị đi xin Là anh Nhì nghèo đã nghèo càng khổ Hay bươi hay mổ là chú Ba gà Có ngạnh có ngà là anh Tứ tượng Treo mùng phủ trướng là chị Tám quăng Đỏ đỏ đen đen là con Nọc thược Ớ bạn mình ơi, ới bạn mình ơi, tôi hô con bài đầu... Con gì nó ra đây?
Có thể nói, bài chòi phổ biến trên dải đất dọc miền Trung Trung bộ từ Bình Trị Thiên qua Nam Ngãi và vào đến Bình Định, Phú Yên. Ở Bình Định nổi tiếng với "Bài chòi Trung Lương, Ân Thường tơ lụa". Về cơ bản, bài chòi có ba pho: Văn, Vạn, Sách. Tên của 30 con bài ở mỗi miền có cách gọi khác nhau chút đỉnh, không đáng kể.
Chẳng hạn, con bài này ở Huế gọi "Nọc đượng", ở Bình Định gọi "Nhất nọc", ở Quảng Nam gọi "Nọc thược"; hoặc con bài này ở Huế gọi “Bốn voi", ở Bình Định gọi “Tứ tượng", ở Quảng Nam cũng vậy nhưng lại còn gọi một cách nghịch ngợm là... "Dái voi"!
Theo ông Đồ Bì - nhà văn trào phúng người Quảng Nam - thì: “Văn chương bài chòi còn tài tình ở chỗ dám công nhiên “biểu dương" anh bạn Nọc thược và cô Bạch huê. Một cô gái nào đó ham vui chơi bài chòi, lỡ tới một trong hai con đó, cũng chẳng dám công nhiên hét tướng lên "Nọc thược đây" hay “Bạch huê đây”! Trong khi đó, nghe hô đến hai con bài này thì thiên hạ dáo dác nhìn, có ai tới”.
Vì sao vậy? Đọc tiếp đoạn này thì bạn sẽ tự lý giải. Cũng như nhiều bậc đàn ông quân tử khác, nhưng vốn đa tình và háu gái nên tôi vẫn khoái nhất con Bạch huê (Bạch tuyết). Trong “văn bản” trước đây ta từng nghe ông bà mình miêu tả rất khéo:
Hoa phi đào phi cúc Sắc phi lục phi hồng Trơ như đá vững như đồng Ai xô không ngã, ngọn gió lồng không xao Mỉa mai cụm liễu cửa đào Ong qua muốn đậu, bướm vào muốn bu Bốn mùa đông hạ xuân thu Khi búp, khi nở, khi xù, khi tươi Chúa Xuân ngó thấy mỉm cười Sắc hay vương vấn mấy người tài danh Có bông, có cuống, không cành Ở trong có nụ, bốn vành có tua Nhà dân cho chí nhà vua Ai ai có của cũng mua để dành Tử tôn do thử nhi sanh, Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra coi...
Câu kết có chữ “phành” là giỏi! Đọc lại lần nữa, ta thử hỏi anh chàng hô bài chòi (anh hiệu) muốn miêu tả cái gì vậy? Dù không nói ra, nhưng ai cũng biết. Đã biết, ắt phải tủm tỉm cười một cách khoái trá như khi ăn mì Quảng đưa trái ớt "sừng trâu” bỏ vào miệng cắn cái "rộp" rồi nhai cái "rốp"! Cũng đã đời đến thế là cùng.
Xem ra, cách hô này khéo hơn câu đố trong dân gian: Dày như múi mít, đỏ tựa hạt hồng, giống cái lá vông Trông như rễ ấu, xấu thì thật xấu, xem vẫn muốn xem Nói đến thì thèm, bảo ăn lại... giận. Sao lại giận nhỉ? Chỉ khi đến Hội An, ta mới được nghe anh hiệu hô về con Bạch huê như sau: Đàn bà sao quá vô duyên Mặc quần thủng đáy hớ hênh kia kìa Có gì đâu mà kia nọ, nọ kia Chẳng qua vô ý mới chìa nó ra Nó cho tôi làm mẹ, anh làm cha Giữ dòng, giữ giống quốc gia hùng cường Anh từng đi tám hướng, mười phương Vào Nam ra Bắc, hội Nõn nường xem chưa?
Cũng cái con bài này, ở Đà Nẵng, tôi còn nghe hô: Nghèo mà làm bạn với giàu Ngồi xuống đứng dậy nó đau cái... Cái gì? Người ta hô hoạch toẹt ra, chứ không giấu giếm. Sau này, người ta “biên tập” thành... "cái đì" cho nhẹ nhàng hơn! Đến Bình Định, ta lại nghe hô: To người nhỏ mắt là voi Nhiều tiền ít thịt khó coi... là Bạch huê. Uớ Bạch huê! Đúng là bài chòi và... Bạch huê!
LÊ MINH QUỐC
Tuổi Trẻ Cười số 326 (ra ngày 15-02-2007) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận