21/07/2009 11:43 GMT+7

Ngày mai, nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ

T.PHÙNG
T.PHÙNG

TTO - Ngày 22-7, nhật thực toàn phần xảy ra và sẽ được quan sát trong một dải hẹp rộng 258 km và kéo dài gần nửa vòng trái đất bắt đầu từ Ấn Độ, sau đó đến các nước Nepal, Bhutan, Myanmar và Trung Quốc, rồi tiếp tục vượt ra ngoài Thái Bình Dương.

*Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực một phần

3vcGqbv4.jpgPhóng to
TTO - Ngày 22-7, nhật thực toàn phần xảy ra và sẽ được quan sát trong một dải hẹp rộng 258 km và kéo dài gần nửa vòng trái đất bắt đầu từ Ấn Độ, sau đó đến các nước Nepal, Bhutan, Myanmar và Trung Quốc, rồi tiếp tục vượt ra ngoài Thái Bình Dương.

Theo ông Phan Văn Đồng- Phó chủ tịch Hội Thiên văn vũ trụ Việt Nam, hầu hết lãnh thổ Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực một phần. Địa điểm quan sát được tỷ lệ mặt trăng lớn nhất ở nước ta là Hà Giang với tỷ lệ che khuất cực đại là 75,8%.

Theo các chuyên gia về thiên văn vũ trụ, địa điểm quan sát được nhật thực toàn phần cực đại nằm phía tây Thái Bình Dương với thời gian xảy ra nhật thực toàn phần cực đại là 6 phút 39 giây vào lúc 9 giờ, 35 phút, 21giây giờ Hà Nội. ( Điểm quan sát tốt nhất là tại đảo núi lửa của Kitawo Jima của Nhật Bản). Do phải đến năm 2132 mới xuất hiện nhật thực toàn phần có thời gian dài tương tự nên nhật thực xảy ra ngày 22-7 được coi là nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21.

Địa điểm đầu tiên quan sát được nhật thực toàn phần là bờ biển phía tây Ấn Độ lúc 7giờ 51 phút, 17 giây giờ Hà Nội, và địa điểm cuối cùng quan sát thấy nhật thực là quần đảo Polynesia trên Thái Bình Dương, lúc 11giờ, 19phút, 26 giây giờ Hà Nội.

Theo ông Đồng, hầu hết lãnh thổ Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực một phần nhưng các tỉnh miền Bắc của nước ta sẽ quan sát được hiện tượng nhật thực tốt hơn các tỉnh phía Nam do tỉ lệ mặt trời bị che khuất càng về phía Nam càng nhỏ hơn. Địa điểm quan sát được tỷ lệ mặt trăng lớn nhất ở nước ta là Hà Giang với tỷ lệ che khuất cực đại là 75,8% vào lúc 8 giờ 11 phút ngày 22-7. Tại Hà Nội, tỷ lệ che khuất cực đại là 67,5% lúc 8 giờ 11 phút 50 giây. Đà Nẵng là 46% lúc 8 giờ 15 phút 10 giây, Nha Trang là 31,4% lúc 8 giờ 17 phút 17 giây, Cần Thơ là 22,5% lúc 8 giờ 11 phút 40 giây, TP.HCM là 27,4% vào lúc 8 giờ 13 phút 4 giây...

Ông Đồng khuyến cáo tuyệt đối không được quan sát trực tiếp nhật thực bằng mắt thường vì cường độ ánh sáng mặt trời lúc xảy ra nhật thực khá lớn với nhiều bức xạ tử ngoại có hại, nên chỉ cần nhìn thẳng vào mặt trời bằng mắt thường trong giây lát cũng có thể làm tổn thương đến võng mạc, thậm chí gây mù lòa vĩnh viễn. Cách tốt nhất để quan sát nhật thực là dùng kính quan sát nhật thực chuyên dụng. Nếu không, có thể sử dụng kính thợ hàn hoặc quan sát gián tiếp bằng cách đặt một chiếc gương dưới chậu nước pha mực để nhìn hình ảnh mặt trời qua gương dịu hơn.

Ông Đồng cho rằng sẽ không có chuyện xảy ra hiện tượng động đất, sóng thần khi xảy ra nhật thực như một số tin đồn. Điều này không có cơ sở khoa học vì lực triều của mặt trăng và mặt trời dù được cộng hưởng trong nhật thực cũng không đủ mạnh để gây ra sóng thần hay động đất. Lúc xảy ra nhật thực, mặt trời, mặt trăng và trái đất gần như thẳng hàng nên xảy ra triều cường là chắc chắn nhưng mức độ triều cường không đáng kể, chỉ lớn hơn bình thường.

T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên