TT - Nếu như World Cup hoặc Euro chỉ có một đội bóng vô địch thì Olympic lại có rất nhiều nhà vô địch.
“Nhà vô địch” đầu tiên là Danny Boyle, vị đạo diễn lừng danh đã làm nên một siêu phẩm khai mạc vô tiền khoáng hậu, mà chỉ tốn khoản kinh phí chưa bằng một nửa so với lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008. Ý nghĩa hơn hết là khi xem xong tuyệt phẩm này, khán giả đã bắt đầu dành nhiều thời gian cho ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh tại London năm nay. Nếu nói rằng thành công của nước chủ nhà trong mùa hè này có công rất lớn của đạo diễn phim Triệu phú khu ổ chuột cũng không sai chút nào.
Olympic lần thứ 30 cũng chứng kiến hàng loạt kỷ lục bị xô ngã và vô số kỷ lục được thiết lập. Nhưng đó vẫn chưa là tất cả, mái nhà Olympic còn là nơi hội tụ của những tấm gương vượt khó. Chắc chắn không có nhà vô địch nào bằng người chân giả mà ý chí thật Oscar Pistorius của Nam Phi. Tiếp đến là nữ “độc thủ đại hiệp” Natalia Partyka người Ba Lan. Rồi “người mẹ cầm súng” Nur Suryani Taibi đến từ vùng trũng Đông Nam Á Malaysia. Và vô số những người anh hùng khác. Họ chính là hiện thân của tinh thần thể thao - tinh thần thép.
Cũng từ cuộc tranh tài đỉnh cao này, nhiều định kiến cổ hủ, lạc hậu đã bắt đầu thay đổi. Cả thế giới vui mừng khi lần đầu tiên trong thành phần đoàn VĐV Saudi Arabia có hai phụ nữ. Thể thao không chỉ cho ra đời những kỷ lục mà còn góp công lớn san bằng hố ngăn cách vô lý tồn tại hàng ngàn năm nay. Đưa nữ giới đến vị trí trang trọng vốn phải là của chính họ.
Có lẽ hiếm khi con người được thể hiện khát vọng vươn lên, khát vọng của ý chí như ở thế vận hội. Ý nghĩa nhân văn mà thể thao mang lại đã vượt xa những tấm huy chương của nó. Và như vậy, những VĐV chân chính đều xứng đáng là người chiến thắng.
TRẦN VINH (Q.9, TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận