10/12/2022 15:40 GMT+7

Ngành Việt Nam học truyền cảm hứng và tình yêu Việt Nam ra khắp các châu lục

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Hội thảo Việt Nam học lần thứ 6 với chủ đề ‘Việt Nam trong thế giới đương đại: Biến đổi và thích ứng’ vừa diễn ra tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM ngày 10-12.

Ngành Việt Nam học truyền cảm hứng và tình yêu Việt Nam ra khắp các châu lục - Ảnh 1.

TS Trần Thị Mai Nhân (bìa phải) đọc báo cáo đề dẫn phiên hội thảo toàn thể - Ảnh: L.ĐIỀN

Hội thảo có 55 tham luận của các nhà Việt Nam học trong và ngoài nước.

Phiên hội thảo toàn thể buổi sáng được mở đầu bằng tiết mục trình diễn hợp ca bài Tình ca của Phạm Duy. Câu hát "Tôi yêu tiếng nước tôi / từ khi mới ra đời người ơi..." vang lên trong hội trường văn khoa tạo nên cảm xúc khó tả cho những nhà Việt Nam học - những học giả dành tình yêu lớn cho văn học, văn hóa, ngôn ngữ và nhiều mặt của đất nước, con người Việt Nam.

Tại phiên toàn thể, người tham dự thích thú khi nghe TS Trần Thị Phương Phương trình bày tham luận về một dịch giả độc đáo người Ukraine: Maya Kashel.

Những thông tin về nữ dịch giả người Ukraine sinh năm 1930 bị tật đôi chân từ nhỏ, nhưng biết và yêu Việt Nam từ thời cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang gay gắt. Từ tình yêu đó, Maya Kashel nỗ lực học tiếng Việt để dịch văn học Việt Nam. Và bà đã dịch Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (vào năm 1972) và sau đó là Lục Vân Tiên (1983) sang tiếng Ukraine.

Sau phiên toàn thể, hội thảo tiếp tục diễn ra vào chiều nay, chia thành bốn tiểu ban theo các mảng nội dung: Văn hóa, Văn học - Nghệ thuật, Lịch sử - Xã hội Việt Nam, Việt ngữ học và Phương pháp giảng dạy tiếng Việt.

Hội thảo Việt Nam học lần này diễn ra sau đại dịch COVID-19 năm ngoái, dù vậy, các tham luận trong từng mảng nội dung đều có nhiều đầu tư và nhiều hướng gợi mở.

Chẳng hạn ở tiểu ban Việt ngữ học có các đề tài: Biến đổi xã hội - Biến đổi ngôn ngữ; Giáo dục ngôn ngữ trực tuyến - thử thách và cơ hội; Không gian tâm trí và ứng dụng trong phân tích ẩn dụ văn chương tiếng Việt (trường hợp tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư)...

Tiểu ban Lịch sử - Xã hội Việt Nam có các đề tài vừa có tính chất học thuật vừa có tác dụng tham khảo cho các vấn đề đương đại từ cả vi mô và vĩ mô: Tác động của lao động di cư đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở TP.HCM; Vị trí và vai trò của Sài Gòn - Gia Định trong quá trình phát triển chữ quốc ngữ ở Việt Nam; Vai trò của người Campuchia gốc Việt Nam trong việc thúc đẩy và phát triển quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia láng giềng Campuchia - Việt Nam...

Đặc biệt là tham luận Sứ mệnh giáo dục của Đạo Công Giáo Việt trong lịch sử đương đại Việt Nam Cộng Hòa (1956-1975) của TS Marie Lê Thị Hoa (Viện Nghiên cứu Đông Á của Pháp) là đề tài lâu nay học giả trong nước chưa khai thác được nhiều.

Tiểu ban Văn học - Nghệ thuật có các đề tài: Chiến tranh Việt Nam trong văn học Đài Loan từ góc nhìn hậu hiện đại; Trịnh Công Sơn và các ca khúc phản chiến trước 1975 (Nhìn từ diễn ngôn về thân phận con người trong chiến tranh); Dịch và giới thiệu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu ở nước ngoài; Sự thể hiện và diễn giải chiến tranh Việt Nam trong điện ảnh Hàn Quốc (qua một số tác phẩm tiêu biểu)...

Tiểu ban Văn hóa tập trung vào các đề tài: Sự biến đổi của tín ngưỡng thờ các nữ tướng thời Hai Bà Trưng trong giai đoạn hiện nay; Ký ức tập thể và sự đứt gãy văn hóa: tục thờ và lễ hội Bà Đen truyền thống ở Tây Ninh trong giai đoạn hiện nay...

Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Thị Mai Nhân - quyền trưởng khoa Việt Nam học, Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM - cho rằng: "Ngày nay, việc giảng dạy tiếng Việt, giảng dạy về Việt Nam không chỉ dừng lại ở những nước, vùng lãnh thổ có ngành Việt Nam học lâu đời như Pháp, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc mà ngày càng mở rộng ra các quốc gia khác ở các khu vực, châu lục khác như: châu Âu, châu Mỹ (Latin), Đông Nam Á, Nam Á, Trung Cận Đông...

Vì thế các nhà Việt Nam học có nhu cầu gặp gỡ, trao đổi, nghiên cứu ngày càng thường xuyên và cấp thiết".

Ngành Việt Nam học dần có sức hút mạnh mẽ với sinh viên và nhà khoa học quốc tế Ngành Việt Nam học dần có sức hút mạnh mẽ với sinh viên và nhà khoa học quốc tế

TTO - Sáng 18-12, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế 'Nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt lần thứ 5'. Đây là lần đầu tiên sự kiện diễn ra bằng hình thức trực tuyến.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên