24/09/2004 08:01 GMT+7

Ngành thuốc lá Mỹ trước "món nợ" 280 tỉ USD

N.QUÂN (tổng hợp)
N.QUÂN (tổng hợp)

TT - Một sự thật khó có thể chối cãi: 440.000 người Mỹ thiệt mạng hằng năm do những căn bệnh liên quan đến thuốc lá! Thuốc lá trở thành nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở Mỹ, hơn cả bệnh tim mạch hoặc tai nạn giao thông. Giờ đây các tập đoàn thuốc lá Mỹ đang đứng trước nguy cơ phá sản do vụ kiện đòi bồi thường 280 tỉ USD.

L3FH91ej.jpgPhóng to
TT - Một sự thật khó có thể chối cãi: 440.000 người Mỹ thiệt mạng hằng năm do những căn bệnh liên quan đến thuốc lá! Thuốc lá trở thành nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở Mỹ, hơn cả bệnh tim mạch hoặc tai nạn giao thông. Giờ đây các tập đoàn thuốc lá Mỹ đang đứng trước nguy cơ phá sản do vụ kiện đòi bồi thường 280 tỉ USD.

Đó là số tiền đòi bồi thường lớn nhất trong một tòa án dân sự ở Mỹ. Phiên tòa đó diễn ra từ 21-9, dự kiến sẽ kéo dài sáu tháng và có hơn 100 nhân chứng. Người Mỹ gọi đó là "phiên tòa thế kỷ". Theo các chuyên gia, nếu các tập đoàn thuốc lá thua kiện thì họ sẽ không đủ tiền để trả khoản đền bồi đó.

Những lời nói dối 50 năm

Hôm 21-9, các luật sư của Chính phủ Mỹ đã bắt đầu tìm cách chứng minh trước tòa liên bang tại Washington tính xác thực của 145 lời cáo buộc. Họ cho rằng các tập đoàn thuốc lá lâu nay đã tìm cách phủ nhận sự lệ thuộc của người hút vào nicotine dù rằng biết rõ đó là sự thật. Họ cũng tìm cách chứng minh rằng các tập đoàn này đã tung ra thị trường loại thuốc nhẹ (light) và làm cho mọi người tin rằng chúng ít nguy hiểm hơn (điều này sai sự thật); các tập đoàn cũng che giấu những nguy cơ của người hít phải khói thuốc.

Tạp chí y học The Lancet số ra ngày 8-4-2000 chứng minh rằng giới vận động hành lang của ngành công nghiệp thuốc lá đã theo dõi sát sao và từng có ý định gây ảnh hưởng lên một nghiên cứu dịch tễ học tầm cỡ quốc tế về ung thư phổi ở người không hút thuốc.

Trong số những hoạt động bất hợp pháp của họ có việc tuyển mộ các cố vấn có nhiệm vụ tiếp xúc với những nhà nghiên cứu. Thậm chí tài liệu cho thấy ý định tổ chức một chiến dịch truyền thông nhằm bôi nhọ kết quả nghiên cứu chống thuốc lá.

Chính phủ Mỹ cũng muốn chứng minh rằng những cơ quan (nay đã giải tán) như Tobacco Institute (Viện Thuốc lá) và Council for Tobacco Research (Hội đồng Nghiên cứu thuốc lá) từng hoạt động bằng tiền tài trợ của các tập đoàn thuốc lá và làm bình phong cho các chiến dịch thông tin phủ nhận những nguy hại từ thuốc lá.

Các cáo buộc được tiến hành dựa theo đạo luật RICO (Racketeer - Influenced and Corrupt Organizations Act) từng được thông qua năm 1970 nhằm chống lại tội ác có tổ chức. Theo các công tố viên, các tập đoàn Philip Morris (đang chiếm giữ đến phân nửa ngành công nghiệp thuốc lá Mỹ), R. J. Reynolds, British American Tobacco (BAT), Brown & Williamson và Lorillard & Liggett đã “chuẩn bị và thực thi - và hiện đang tiếp tục chuẩn bị và thực thi - một âm mưu khổng lồ từ nửa thế kỷ qua để lừa dối công luận”.

Cáo trạng từ phía chính quyền cho biết các ông chủ của năm tập đoàn thuốc lá hàng đầu nước Mỹ, vào năm 1953, từng ngồi lại với nhau tại New York để thống nhất hành động tung ra một chiến dịch giao tế nhằm phản bác mọi chứng cứ đang được tung ra vào thời điểm đó về những quan hệ giữa việc hút thuốc lá với những bệnh nghiêm trọng.

Trong một thông cáo báo chí, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Ashcroft đánh giá phiên tòa này là “những nỗ lực quan trọng để ngăn chặn một hoạt động gian lận và làm cho các doanh nghiệp trở nên đàng hoàng hơn”. Ông nói: “Chúng tôi nóng lòng được trình ra trước tòa những chứng cứ đảm bảo cho chúng tôi lấy được tiền bồi thường, kể cả việc thu hồi những khoản lợi nhuận bất hợp pháp từ việc bán thuốc lá và để ngăn chặn các nhà sản xuất quảng cáo nhắm vào giới trẻ ở đất nước này”.

Bước ngoặt 1998

Trong ngày bào chữa 22-9 vừa qua, các luật sư bên bị công khai thừa nhận rằng các tập đoàn thuốc lá “đang bán một thứ sản phẩm nguy hiểm và có thể gây nghiện” nhưng đó là hình thức bán “có kèm theo cảnh báo” (các bao thuốc lá đã đăng dòng chữ cảnh báo sức khỏe dành cho người tiêu thụ từ những năm 1960). Còn những cáo buộc khác mà bên chính phủ đưa ra nhằm chứng minh rằng bên thuốc lá gian lận thì luật sư bên bị đều cho rằng đó là những hoạt động được hiến pháp Mỹ bảo vệ.

Các chuyên gia về tư pháp cho rằng chiến thắng của chính phủ sẽ không dễ dàng vì đạo luật RICO đòi hỏi cáo buộc phải chứng minh được âm mưu xấu thành hình từ quá khứ hiện vẫn còn tồn tại.

Ông William Ohlemeyer, phó chủ tịch Altria (hãng mẹ của Tập đoàn Philip Morris), cũng nhắc lại rằng công nghiệp thuốc lá Mỹ đã đáp ứng nhiều yêu cầu của chính phủ từ sau vụ kiện khổng lồ hồi năm 1998, trong đó các tập đoàn thuốc lá đã chấp thuận trả 206 tỉ USD (trích 50 cent từ tiền bán mỗi bao thuốc lá) trong 25 năm để đền bồi chi phí y tế của 46 bang dành săn sóc các bệnh nhân là dân ghiền thuốc (bốn bang khác cũng đạt được một thỏa thuận tương tự với số tiền lên đến 40 tỉ USD). Ngành công nghiệp thuốc lá cũng đã hứa hạn chế quảng cáo thuốc lá và tài trợ cho các chiến dịch quảng cáo chống thuốc lá.

Chính quyền Tổng thống Bush từng có lúc muốn từ bỏ vụ kiện này (khởi sự từ năm 1999 dưới trào Tổng thống Bill Clinton) nhưng các chuyên gia cho rằng ban lãnh đạo của ông Bush không dám làm vì không dám chọc giận công luận: hồ sơ khởi kiện dài đến 122 triệu trang, kèm theo 645 phán quyết của tòa án và tốn kém đến 135 triệu USD của người đóng thuế Mỹ. Dù phiên tòa đã khởi động nhưng người ta vẫn lo sợ rằng nếu ông Bush tái đắc cử thì chính phủ có thể sẽ giảm sự chú ý vào phiên tòa và nhiều khả năng sẽ đi đến một thỏa thuận đền bồi có lợi cho bên tập đoàn thuốc lá.

N.QUÂN (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên