TS NGUYỄN KIM QUANG(phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM):
Hiện nay tại khu vực phía Nam, bạn có thể tham khảo một số trường có đào tạo ngành công nghệ thông tin (CNTT) như ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ thông tin, Trung tâm ĐH Pháp (ĐHQG TP.HCM). Ngoài ra, ngành này cũng đang được đào tạo ở các trường: ĐH Lạc Hồng, ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Hàng hải, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Nông lâm, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Hùng Vương, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Ngoại ngữ - tin học... Riêng về Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), nhóm ngành CNTT bao gồm những chuyên ngành sau: hệ thống thông tin, khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm và truyền thông và mạng máy tính.
Với học lực khá giỏi, em có thể chọn thi các trường có điểm chuẩn từ 18 trở lên như ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc tế... Tuy nhiên, việc chọn trường thi cũng cần căn cứ vào các yếu tố khác như: chất lượng đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất, các chuyên ngành đào tạo, thời gian đào tạo, môi trường phát triển, nghiên cứu, đội ngũ giảng viên - trợ giảng...
Để theo học ngành này, trước hết em cần tập trung và chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi đại học sắp tới, định hướng nghề nghiệp theo đuổi và chọn trường đại học phù hợp với khả năng của mình. Để học tốt ngành CNTT, em cần có tư duy logic tốt (thể hiện trong các môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa), ngoại ngữ cũng là một yếu tố cần thiết để có thể tiến xa và học tốt ngành này (vì biết tiếng Anh sẽ dễ dàng cập nhật thông tin mới nhất trong ngành).
Theo thống kê của Bộ Thông tin - truyền thông, hiện nay nguồn nhân lực CNTT tại các doanh nghiệp đang thiếu trầm trọng, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực CNTT là khoảng 250.000 lao động. Theo hướng quy hoạch nhân lực quốc gia đến năm 2020, VN cần 1 triệu lao động trong lĩnh vực CNTT. Những con số trên cho thấy nhu cầu về nhân lực CNTT chất lượng cao tại bất cứ thời điểm nào cũng vô cùng rộng mở. Cơ hội việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp CNTT là rất lớn nếu các bạn có thể nắm bắt được cơ hội ấy cho chính mình.
Giống như các ngành nghề khác, tuổi đời của nghề CNTT rất khó xác định, thường khi còn trẻ các bạn có thể làm những công việc cần sự tập trung cao, áp lực (như lập trình viên), sau đó khi có nhiều kinh nghiệm (lớn tuổi hơn) có thể làm những công việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm (phân tích thiết kế, xây dựng kiến trúc hệ thống, chuyên gia tư vấn) hoặc làm quản lý cao hơn. Nếu có năng lực thì các bạn có thể làm CNTT cả đời, trong lĩnh vực CNTT có rất nhiều công việc khác nhau, không hẳn là ngồi lập trình viết ứng dụng nên tuổi đời của nghề này cũng rất lâu.
* Em rất thích ngành công nghệ sinh học. Em thấy nhiều trường cùng đào tạo ngành này, xin hỏi nội dung đào tạo ở những trường đó có giống nhau? Học xong ngành này có thể làm việc ở những đâu? Nhu cầu xã hội như thế nào và hiện nhu cầu xã hội có tăng hay không?
- PGS-TS HUỲNH THANH HÙNG(phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):
Tất cả các ngành công nghệ sinh học ở các trường đều có mã ngành giống nhau: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM và một số trường ĐH tư thục như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng... Các trường đào tạo ngành này có nội dung chương trình giống nhau 70-80%, còn lại khác nhau 20-30% tùy thế mạnh của từng trường.
Sinh viên ngành công nghệ sinh học tốt nghiệp ra trường có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực có liên quan đến ứng dụng công nghệ sinh học: các viện nghiên cứu, bệnh viện, công ty dược, công ty chế biến, công ty giống cây trồng vật nuôi, công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Nhu cầu xã hội ngành này ngày càng tăng do các sản phẩm công nghệ sinh học tạo ra ngày càng ứng dụng nhiều trong đời sống.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tư vấn 24/7: Muốn thi vào ngành công an cần tiêu chuẩn gìTư vấn 24/7: ngành quản trị kinh doanh đào tạo những gì? Chọn trường thế nào cho vừa sức?Thật thà có thể học kinh tế không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận