25/02/2014 14:32 GMT+7

Ngành kỹ thuật và kinh tế khác nhau thế nào?

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Ngành kỹ thuật và ngành kinh tế khác nhau thế nào, có những ngành cụ thề nào? Yêu cầu cụ thể của từng nhóm ngành đối với người học ra sao, cần có những tố chất gì để học tốt nhóm ngành này? (trucphuong@...)

2xk3hZKE.jpgPhóng to
Thí sinh dự thi ĐH năm 2013 - Ảnh: Như Hùng

- PGS-TS Nguyễn Văn Thư - Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Kỹ thuật là lĩnh vực trực tiếp tham gia quá trình sản xuất, vận dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào các công đoạn của quá trình sản xuất, đồng thời nghiên cứu, cải tiến cho phù hợp với trình độ sản xuất của từng đơn vị, quốc gia. Đây là một lĩnh vực rất rộng lớn, liên quan trực tiếp đến quá trình sản xuất từ cấp độ sơ khai, đơn giản đến công nghệ cao.

Ở nhóm ngành kỹ thuật có một số ngành nghề như: Cơ khí, chế tạo máy, luyện kim, điện lạnh, xây dựng, kiến trúc; Giao thông vận tải: hàng hải, hàng không, đường sắt, đường bộ; thủy lợi, trắc địa, mỏ, địa chất, dầu khí, điện, điện tử, phần cứng máy tính, viễn thông, tự động hóa, công nghiệp, da giày, dệt may, công nghệ in, công nghệ thực phẩm…

Nhóm ngành kỹ thuật đòi hỏi các tố chất: Sống thực tế, thích hành động, thực hành hơn là trầm tư suy nghĩ, nghiên cứu, khéo léo, thích làm việc với máy móc, thiết bị, công cụ; Thích sửa chữa các vật dụng gia đình và các công việc thủ công; Có sức khỏe tốt, thích tham gia các hoạt động thể thao; Cẩn thận, tỉ mỉ, ngăn nắp, tin cậy, luôn tuân thủ quy định, quy trình và thích làm việc ngoài trời hơn là bên bàn giấy.

Trong khi đó, mục tiêu đào tạo của ngành kinh tế - tài chính là đào tạo cử nhân kinh tế có kiến thức sâu rộng và hiện đại về kinh tế, tài chính; có khả năng phân tích và đánh giá các chính sách tài chính đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Tổ chức và thực hiện các hoạt động tài chính của doanh nghiệp một cách có hiệu quả.

Có khả năng hoạch định chính sách tài chính công và tài chính doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội đã định. Bên cạnh đó có thể giải quyết những vấn đề phát sinh thực tiễn trong công tác quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, có khả năng phân tích, xây dựng và thực hiện các dự án kinh doanh tiền tệ, tín dụng và dịch vụ ngân hàng.

Ở nhóm ngành này có các ngành như tài chính ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh, kinh tế học, kinh doanh quốc tế, thương mại, kiểm toán…

Nhóm ngành kinh tế đòi hỏi người học phải học tốt môn toán, thích làm việc với các con số, có khả năng phân tích, thống kê, cẩn thận, tỉ mỉ, ngăn nắp, tin cậy, luôn tuân thủ quy định, trung thực, quan tâm đến các tin tức kinh tế, tài chính, thích quản lý, kinh doanh. chí hướng làm giàu, xông xáo, chịu thử thách, chấp nhận rủi ro, khả năng giao tiếp, tự tin tạo dựng quan hệ...

Như vậy, mục tiêu và chương trình đào tạo của hai nhóm ngành này là khác nhau. Các yêu cầu cụ thể về tố chất đối với người học tuy có điểm giống nhau nhưng phẩn lớn là khác nhau. Tùy vào tố chất và khả năng của mình, em có thể lựa chọn nhóm ngành phù hợp.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    trucphuong@...)" />