15/12/2003 17:09 GMT+7

Ngành chè VN: Tự cứu mình bằng chất lượng

Theo SGGP
Theo SGGP

Năm 2003, ngành chè VN lao đao khi giá trị xuất khẩu liên tục giảm, mặc dù Hiệp hội chè VN đã nỗ lực tìm kiếm thị trường, tổ chức xúc tiến thương mại nhưng cũng không thể vực ngành chè trở lại thời hoàng kim (1998 - 2002).

TyeOpM2v.jpgPhóng to
Ngành chè tự khẳng định mình qua chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Kim Phong, Chủ tịch Hiệp hội Chè đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu khiến chè VN chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế ở cả 3 khâu: sản xuất, chế biến và thị trường.

Xuất khẩu chè giảm mạnh: 1 lý do và 3 tồn tại

Tính đến cuối tháng 11, lượng chè xuất khẩu chỉ đạt 55.000 tấn, trị giá 56 triệu USD, giảm hơn 20% về lượng và 28% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thống kê (Bộ Thương mại) thì nguyên nhân lớn nhất dẫn tới sự suy giảm này là do hoạt động xuất khẩu sang Iraq – thị trường nhập khẩu chè lớn nhất của VN – bị ngừng trệ. Đây chính là “tổn thất” lớn nhất của hoạt động xuất khẩu chè vì thị trường Iraq chiếm tỷ trọng 20% về khối lượng và 28% về trị giá kim ngạch xuất khẩu chè.

Về sản xuất nông nghiệp, qua điều tra ở Tổng Công ty Chè Việt Nam và hơn 31 đơn vị thành viên khác cho thấy, tỷ lệ nguyên liệu chủ động tự sản xuất rất thấp: ở Tổng Công ty Chè, tỷ lệ sản lượng nguyên liệu tự sản xuất chiếm 49,7%, mua ngoài chiếm hơn một nửa (khoảng 50,3%). Ở các doanh nghiệp khác, tỷ lệ có nguồn nguyên liệu tại chỗ chỉ chiếm 37,2% sản lượng, còn 62,6% sản lượng là thu mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường.

Ở khâu chế biến công nghiệp, sự phát triển các doanh nghiệp sản xuất chế biến chè với tốc độ cao (hiện cả nước có khoảng hơn 650 doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ cùng 1 vạn hộ gia đình cùng tham gia sản xuất chế biến) cũng đã bộc lộ nhiều điểm vướng mắc cần khắc phục. Nhiều doanh nghiệp chế biến không có vùng cung cấp nguyên liệu riêng nên thiếu chủ động, việc xác định phẩm cấp và giá trị không thống nhất. Hàng loạt các doanh nghiệp ra đời nhưng thiết bị được đầu tư ở mức thấp, kém chất lượng nên chè không đạt chất lượng, khó tiêu chuẩn hóa là hệ quả tất yếu.

Đối với tồn tại thứ 3, ông Nguyễn Kim Phong cho rằng, chè Việt Nam hiện chiếm khoảng 5% sản lượng thế giới nhưng sản phẩm trên thương trường quốc tế vẫn chưa có thương hiệu. Nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài mua chè Việt Nam dưới dạng nguyên liệu rồi đấu trộn với các loại chè khác và đăng ký thương hiệu của họ. Vì vậy, những lúc khó khăn, chè Việt Nam bị ép giá là điều không thể tránh khỏi.

Tự cứu bằng chất lượng

Tại Công ty liên doanh Chè Phú Bền (Phú Thọ), chè đen phải qua 9 bước kiểm soát cơ bản ngay từ khâu nguyên liệu đến chế biến và phân phối. Ông Ranjit Dasgupta, Tổng Giám đốc công ty khẳng định, chất lượng chè không chỉ phụ thuộc vào máy móc thiết bị mà còn ảnh hưởng rất lớn từ môi trường khu vực sản xuất.

Vì vậy, quy trình 9 bước kiểm soát các mối nguy hại về an toàn và chất lượng của công ty là quy trình tối ưu để nâng cao chất lượng chè Việt Nam. Một điểm sáng khác về chất lượng chè chính là sản phẩm của Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (TPHCM). Với các mặt hàng chè tinh chế chất lượng cao, giá xuất khẩu bình quân của xí nghiệp luôn đạt trên dưới 2.000 USD/tấn (cao gần gấp đôi so với giá xuất bình quân của các loại chè thông dụng). Để khép kín quy trình, xí nghiệp cũng đã xây dựng một nhà máy sơ chế chè tại Lâm Hà (Lâm Đồng) và dự kiến xây thêm một nhà máy tương tự tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) kết hợp triển khai nông trường trồng chè giống mới khoảng 100 ha.

Mộc Châu, Phú Đa, Phú Bền, Cầu Tre, Bảo Lộc… là những thương hiệu doanh nghiệp đi đầu trong quá trình “tự cứu mình” bằng quá trình khẳng định chất lượng. Tuy nhiên, vẫn theo ông Nguyễn Kim Phong, cách làm như vậy chưa nhiều. Giải pháp lớn nhất để quản lý chất lượng sản phẩm trước mắt là các doanh nghiệp phải xây dựng và mở rộng áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và môi trường để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, cần đầu tư xây dựng hệ thống kiểm nghiệm chất lượng tại các vùng trồng chè của cả nước bằng hình thức các trạm cố định và di động, vừa kiểm soát định kỳ và theo lô mẫu, lô hàng nhằm tránh để lọt sản phẩm không đủ tiêu chuẩn ra thị trường.

Hiện chè Việt Nam chưa thể theo kịp với các sản phẩm chè của Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Sri Lanka, Ấn Độ, Kenya… Để xóa đi khoảng cách này, chè Việt Nam phải có hình thức, màu nước, mùi vị đặc trưng cho sản phẩm trên cơ sở thay đổi cơ cấu giống, đa dạng hóa công nghệ và xây dựng thương hiệu cho chè Việt Nam. Nói như ông Ranjit Dasgupta, Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Chè Phú Bền, thời điểm chè Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với các nước chế biến chè khác trên thế giới đã đến. Năm 2004, sẽ có nhiều hy vọng hơn cho sự tăng trưởng về lượng và chất của chè xuất khẩu Việt Nam.

Theo SGGP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên